Người họa sĩ và bộ tranh "79 mùa xuân" của Bác

Họa sĩ Trần Mai đang sở hữu một bộ 79 bức tranh cổ động với nhân vật luôn là Chủ tịch Hồ Chí Minh, không bức nào giống với bức nào.
Một bộ tranh cổ động với 79 bức tranh, mà nhân vật trong tranh luôn là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng không bức nào giống với bức nào. Chủ nhân của bộ tranh cổ động đồ sộ và quý giá ấy là họa sỹ Trần Mai - người đã dành trọn cuộc đời sáng tác những bức tranh cổ động.

Vẽ tranh cổ động cả đời

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ trên phố Cửa Nam bày la liệt các bức tranh cổ động. Có những bức ông đã vẽ xong, có những bức còn dang dở… Tiếp chuyện chúng tôi nhưng họa sỹ Trần Mai vẫn không ngừng tay sửa chữa, trau chuốt lại những bức tranh của mình…

Quê gốc tại tỉnh Thái Bình, nhưng họa sĩ Trần Mai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Dù không qua một trường lớp chính quy về mỹ thuật nào nhưng ông lại thích thú, say mê vẽ từ nhỏ. Ông kể, lúc đó, dù nhà ở tận bãi Phúc Tân, nhưng hàng ngày ông vẫn thường cuốc bộ vào tận nội thành Hà Nội để học “lỏm” nghề vẽ. Dần dần ông đã nắm được yếu tố cơ bản của hội họa: Hình họa, màu sắc, bố cục trang trí...

Sau năm 1954, khi hòa bình lập lại, người ta bắt đầu biết đến tranh cổ động của Trần Mai và đến năm 1957, ông chính thức được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Cũng nhờ tài vẽ tranh cổ động, nên ông được nhận vào làm việc ở Sở Bưu điện Hà Nội và ông gắn bó với “nghề” vẽ tranh cổ động tại đây trong gần 30 năm, cho đến khi về nghỉ hưu.

Những năm Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc cũng là thời gian ông phải làm việc hầu như liên tục. Nhiều người dân Hà Nội ở khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm thời kỳ đó còn nhớ, mỗi buổi sáng tinh mơ hàng ngày, trên tường nhà Bưu điện Hà Nội thường thấy xuất hiện một tấm panô cỡ lớn tuyên truyền về thắng lợi của quân dân miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ. Đó cũng là thời kỳ mà Trần Mai đã lập kỷ lục: Mỗi đêm vẽ xong một bức tranh cổ động để kịp thời cho tuyên truyền, cổ động cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

Có một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời họa sĩ Trần Mai. Đó là vào năm 1959, khi nghe tin Mỹ-Diệm tàn sát đồng bào ta ở Phú Lợi, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã vận động anh em họa sĩ Hà Nội “xuống đường” bằng tranh. Chỉ sau một đêm, Trần Mai và các anh em đã vẽ xong hàng chục bức tranh lên án tội ác của giặc Mỹ. Những bức tranh vẽ vội, có người chỉ kịp bồi trên những tấm cót, cái to, cái bé... nhưng đó là tiếng nói phản đối tội ác Mỹ-Diệm của giới họa sĩ thủ đô. Một số trong những tác phẩm này cho đến nay vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Và bộ sưu tập "79 mùa xuân"

Suốt cuộc đời sáng tạo các bức tranh cổ động, tuyên truyền cho đường lối chính trị, góp phần bảo vệ, xây dựng quê hương đất nước…, song ông vẫn có một niềm ao ước, một nỗi khát khao đã được ấp ủ bao lâu nay, đó là được vẽ những bức tranh về Bác Hồ, người lãnh tụ, vị cha già kính yêu của dân tộc.

Và cuối cùng, ông đã có thể dành thời gian để hoàn thành tâm nguyện của mình. Ông đã cho ra đời một “bộ sưu tập” gồm 79 bức tranh cổ động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, từ lúc là anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi tìm được lý tưởng cách mạng, rồi dẫn dắt sự nghiệp đấu tranh của dân tộc đến ngày thắng lợi.

Họa sỹ Trần Mai bộc bạch 79 bức tranh cổ động ông vẽ cụ Hồ ở 79 khía cạch khác nhau, không bức nào giống với bức nào, tông màu chủ đạo là hai màu nâu và vàng. Những bức tranh ấy không chỉ khắc họa Bác Hồ với tư cách là một vị lãnh tụ tài ba của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới mà còn với hình ảnh giản dị, gần gũi của một vị cha già dân tộc, một tấm gương đạo đức giản dị, thanh cao với áo nâu, túi vải, dép cao su chống gậy lên đường chỉ huy chiến dịch. Ngày chiến thắng, trở về Thủ đô, ước mơ của Người chỉ là nhà sàn, phòng nhỏ, giường đơn, bộ bàn ghế gỗ, đôi guốc mộc, bữa ăn hàng ngày đạm bạc tương cà, dưa muối, cá khô…

Để không bị khô khan (vẫn bị coi là một nhược điểm của tranh cổ động), họa sỹ Trần Mai đã mượn lời thơ của nhà thơ Tố Hữu, hoặc những câu ca dao, dân ca quen thuộc làm chủ đề cho những bức tranh trong bộ sưu tập 79 mùa xuân của mình. Bởi vậy mà những bức tranh cổ động của ông trở nên mềm mại hơn với những lời tha thiết và cũng rất đỗi gần gũi, thân quen.

Chẳng hạn như những tác phẩm: “Lời Bác dạy chúng con nghe rõ/ Mỗi lời Người vang vọng núi sông” hoặc “Con cá rô ơi chớ có buồn/ Chiều chiều Bác vẫn gọi rô luôn”, rồi đến “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

Họa sỹ Trần Mai tâm sự: " Trong hai năm qua, hình ảnh Bác Hồ - vị cha già của dân tộc chiếm lĩnh gần như mọi suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của tôi. Đấy không chỉ là tình cảm đặc biệt của cá nhân tôi dành cho Bác, mà Người cũng chính là nguồn cảm hứng sáng tạo vô biên của tôi và đây sẽ là bộ sưu tập quý giá nhất trong hơn 40 năm cầm cọ của tôi.

Sắp tới, bộ sưu tập "79 mùa xuân" sẽ được họa sỹ Trần Mai trưng bày trong triển lãm cùng tên nhân dịp kỷ niệm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục