Người kết nối ngành rau quả Việt Nam-Nhật Bản

Các loại giống rau tốt mà ông Tô Bửu Lưỡng nhập khẩu từ Nhật Bản giúp nâng cao năng suất để tăng thu nhập cho người nông dân Việt.
Tôi gặp ông Tô Bửu Lưỡng lần đầu tiên vào một buổi chiều mưa mùa đông giữa thủ đô Tokyo đông đúc và nhộn nhịp. Vẻ ngoài của con người này toát lên sự giản dị và chất phác của người dân Nam bộ, trái ngược với những gì tôi đã được nghe kể về ông - người thường gọi với cái tên thân mật là "vua" giống rau cải bắp.

Mối duyên với ngành rau quả


Ông Tô Bửu Lưỡng sinh ra trong một gia đình thương nhân ở thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Năm 1968, ông quyết tâm ra nước ngoài học tập, với hy vọng sau này trở về đóng góp cho đất nước.

Dự định theo học ngành điện tử, nhưng khi sang Nhật Bản, ông lại quyết định chuyển sang ngành rau quả của trường Đại học Nông nghiệp Tokyo. Bởi ông nghĩ rằng ngành nông nghiệp của Việt Nam còn lạc hậu, nên nếu theo học ngành này, ông có thể sẽ có ích hơn cho đất nước.

Tốt nghiệp đại học rồi cao học, ông Lưỡng không về nước mà ở lại Nhật Bản làm việc. Khởi đầu, ông làm việc cho các công ty giống hoa cây cảnh của Nhật Bản. Sau đó, ông và một số người Việt khác tại Nhật Bản thành lập công ty chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu.

Ông Lưỡng kể: "Lúc đó, tôi nghe nói đất nước đang gặp nhiều khó khăn và khan hiếm mọi thứ. Vì vậy, tôi và các anh em khác tìm mọi cách để đưa về Việt Nam các loại hàng hóa mà trong nước có nhu cầu, từ máy móc cơ khí, trang thiết bị cho đến hóa chất, nguyên vật liệu."

Năm 1991, ông Lưỡng cùng vợ là bà Đào Thị Minh, cựu sinh viên Đại học Giáo dục Tokyo, thành lập Công ty Vilotus chuyên nhập khẩu các loại giống rau quả từ Nhật Bản về Việt Nam để phân phối cho bà con nông dân.

"Vua" giống rau cải bắp


Lý giải về bước ngoặt này, ông Lưỡng cho biết, ở Việt Nam, người nông dân thường có thói quen cuối vụ tự chọn giống rau quả để lại cho vụ sau. Có những giống có thể giữ lại được nhưng có những giống không thể giữ lại. Đối với những loại giống giữ lại được, người nông dân cũng không có kỹ thuật để tuyển chọn giống. Vì vậy, cùng với thời gian, nhiều loại giống bị thoái hóa, cho năng suất thấp hoặc có khả năng kháng sâu bệnh kém.

Theo ông Lưỡng, Nhật Bản là một trong những nước có công nghệ và kỹ thuật tuyển chọn giống rất tốt. Họ lại thường xuyên cải tạo và lai tạo những giống mới. Vì vậy, việc nhập khẩu các loại giống tốt từ Nhật Bản sẽ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, qua đó góp phần tăng thu nhập cho các hộ nông dân ở Việt Nam.

Thời gian đầu, Vilotus chủ yếu cung cấp giống rau cải bắp cho các hộ nông dân ở Việt Nam. Ông Lưỡng nhớ lại: "Thấy giá giống rau này cao, bà con tỏ ra e ngại. Nhưng khi trồng thử, thấy giống này cho năng suất cao và thu lợi nhuận lớn, bà con nông dân đã chuyển dần từ việc sử dụng giống thuần sang sử dụng giống lai. Nhiều hộ nông dân trồng cải bắp đã trúng lớn và đủ tiền xây nhà. Đây là niềm hạnh phúc lớn đối với tôi."

Trong gần 18 năm cung cấp giống cho nông dân Việt Nam, Vilotus đã cung cấp nhiều giống rau quả có giá trị như dưa hấu, dưa chuột, cà chua, hành tây, xu hào, rau cải cúc, rau cải thảo và cà rốt, trong đó có nhiều giống mới chưa có ở Việt Nam như súplơ xanh.

Bên cạnh đó, Vilotus còn đầu tư lập các trang trại để ươm giống tại nhiều địa phương ở Việt Nam và sau đó xuất khẩu sang Nhật Bản.

"Mạnh thường quân" của học sinh nghèo

Không chỉ là "cầu nối cho ngành rau quả Việt Nam và Nhật Bản", ông Lưỡng còn là một "mạnh thường quân" của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.

Ông Lưỡng cho biết, ý tưởng cấp học bổng để hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn của ông xuất phát từ chuyến thăm Đại học Cần Thơ, nơi ông có một số người quen đang dạy ở đó. Tại đó, ông đã gặp một số sinh viên nghèo rất hiếu học. Năm 1989, ông và một người bạn đã cùng góp tiền để cấp học bổng cho các sinh viên này.

Từ hình thức sơ khai ban đầu là góp tiền để cấp học bổng cho các sinh viên đang theo học ngành nông nghiệp của Đại học Cần Thơ, năm 1996, ông Lưỡng và một số Việt kiều đã quyết định thành lập Quỹ Giáo dục Fuji.

Cứ vào đầu mỗi năm học, dù bận trăm công ngàn việc, ông Lưỡng cùng một số thành viên khác trong Quỹ Giáo dục Fuji vẫn dành thời gian về Việt Nam cấp học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người bạn Nhật có cảm tình Việt Nam thấy vậy cũng tham gia đóng góp tiền cho quỹ.

Với những nguồn tài chính mới, Quỹ Giáo dục Fuji đã mở rộng đối tượng nhận học bổng sang các học sinh nghèo ở các tỉnh An Giang và Ninh Bình./.

Thanh Tùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục