"Người lấn chiếm và sử dụng đất phải đóng thuế cao"

Người lấn chiếm và sử dụng đất phải đóng thuế cao, nhưng không có nghĩa đã đóng thuế là được chấp nhận quyền sử dụng hợp pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh đất đai là tài sản của Nhà nước, người lấn chiếm, sử dụng phải đóng thuế cao và phải chịu các quy định khác, nhưng không có nghĩa đã đóng thuế là được chấp nhận quyền sử dụng hợp pháp.

Nên hay không nên thu thuế nhà ở, vẫn còn những ý kiến trái chiều

Dự án Luật thuế nhà, đất đã được Quốc hội khóa XII cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Theo quy định của dự thảo luật, Luật thuế nhà, đất được ban hành để áp dụng thuế đối với hai loại đối tượng là nhà ở và đất phi nông nghiệp.

Đối với đất phi nông nghiệp, các đại biểu cho rằng cần thiết ban hành luật thuế nhằm hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng đất theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng; đồng thời, nhằm thể chế hóa chủ trương đổi mới chính sách về đất đai.

Đối với nhà ở, có hai luồng ý kiến khác nhau. Nghiêng về đa số, sau khi cân nhắc trên nhiều khía cạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế do thời điểm chưa phù hợp, số thu không lớn, trong khi chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ và việc áp dụng thuế nhà ở - mà thực chất là áp dụng thuế tài sản, chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế.

Bên cạnh phần lớn ý kiến đồng tình với báo cáo giải trình, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vẫn còn một số ý kiến trái chiều cho rằng việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế tại thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm tăng cường công tác quản lý, từng bước điều tiết nguồn thu vào ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng đầu cơ nhà ở.

Đại biểu Trần Du Lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định ban soạn thảo và ban thẩm định chưa đánh giá được hiện nay bao nhiêu dự án bỏ hoang, bao nhiêu chung cư, nhà phố, bao nhiêu người dân không có chỗ ở.

Luật thuế nhà đất là công cụ tài chính để đánh vào đầu cơ, đánh vào người có nhiều nhà và dùng nó để điều tiết xã hội. Luật không đánh thuế vào người có một nhà, một đất. Nếu rõ ràng như vậy, cử tri sẽ ủng hộ.

“Tôi không rõ rằng nếu không có luật này, Quốc hội dùng công cụ tài chính gì nữa để điều tiết thị trường bất động sản, giải quyết vấn đề đầu cơ nhà ở. Chính vì vậy, tôi không tán thành chuyển dự án Luật thuế nhà, đất thành Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp,” ông Trần Du Lịch bày tỏ.

Đồng quan điểm này, các đại biểu Lê Quốc Dung ở tỉnh Thái Bình, Vũ Hồng Anh ở Hà Nội cho rằng thị trường bất động sản đang phát triển mạnh, tình trạng đầu cơ nhà đất đã đẩy giá lên cao, người làm công ăn lương không thể có tiền mua nhà đất. Do vậy, việc không đưa nhà ở vào diện chịu thuế là chưa thuyết phục.

Việc chống đầu cơ nếu chỉ tập trung vào đất là chưa rõ, sẽ không chống được. Nếu dự án Luật đưa cụ thể những người có một nhà, một đất thì không đánh thuế, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của cử tri.

Ngược lại, đại biểu Lê Đình Khanh của tỉnh Hải Dương nhìn nhận không chỉ đưa một sắc thuế này mà điều tiết được thị trường bất động sản hiện nay. Nhiều khi người đầu cơ chỉ mua đất mà không có ý định mua nhà mặc dù nhà nằm trên đất đó, họ có thể phá đi để làm việc khác.

Có thể ban hành Luật đánh thuế về tài sản riêng hoặc đánh thuế thu nhập cá nhân hay thuế chuyển nhượng để đánh thuế cho loại tài sản này.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết một trong những mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm hạn chế đầu cơ nhà ở, song trên thực tế giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất mà không phải đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất.

Do vậy, để hạn chế đầu cơ, phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất. Nếu đưa nhà ở vào diện chịu thuế sẽ thêm phức tạp, ông Vũ Văn Ninh nói.

Nộp thuế cho phần đất lấn chiếm không phải là căn cứ công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp

Nhiều đại biểu kiến nghị dự thảo Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cần sửa đổi, bổ sung một số điểm cho cụ thể. Đặc biệt là tại khoản 6, điều 7, quy định đối với đất lấn chiếm áp dụng mức thuế suất chung là 0,15% là chưa phù hợp.

Quy định này cũng dễ tạo sự hiểu lầm là cứ đóng thuế cao là có thể hợp lý hóa diện tích đã lấn chiếm và việc xác định diện tích đất lấn chiếm cũng dễ tạo cơ chế xin-cho.

Đại biểu Triệu Sỹ Lầu của tỉnh Cao Bằng cho rằng hoặc bỏ quy định này, hoặc đánh thuế suất cao theo mức từ 0,2-0,3% và chia theo khu vực nông thôn và đô thị, đặc biệt ở các thành phố, giá trị gia tăng của đất đô thị là lớn nên càng phải đánh thuế suất cao.

Đại biểu Ngô Văn Minh ở tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất áp dụng mức thuế suất cao hơn ở khu vực đô thị để đảm bảo quản lý tốt hơn. Để tránh hiểu nhầm cho dân là chấp nhận sự hợp pháp của mảnh đất này, phải thêm vào khoản này một số nội dung cụ thể hơn.

Các đại biểu cũng kiến nghị mở rộng diện được miễn giảm thuế đối với một số đối tượng đặc thù và nhà vườn Huế, không miễn giảm thuế đối với các cơ sở tôn giáo sử dụng đất không vào mục đích thờ tự.

Đại biểu Trần Du Lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh còn đề nghị Quốc hội tiến hành điều tra nghiên cứu tình hình sở hữu nhà ở hiện nay và giám sát về tình trạng chuyển đất nông nghiệp thành đất hoang, chiếm cứ đất, tạo sự ức chế thị trường để đẩy giá đất lên cao bất thường so với mặt bằng kinh tế và thu nhập của người dân.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định Quốc hội sẽ xem xét, chỉnh lý dự thảo Luật để có thể thông qua vào kỳ họp tới.

Riêng về việc áp dụng thuế suất đối với diện tích đất lấn chiếm, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là tài sản của Nhà nước, người lấn chiếm, sử dụng phải đóng thuế cao và phải chịu các quy định khác nhưng không có nghĩa đã đóng thuế là được chấp nhận quyền sử dụng hợp pháp./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục