Người lao động ngóng thưởng Tết

Năm nay, trước tình hình kinh tế khó khăn, càng về cuối năm, các doanh nghiệp càng lo lắng sản xuất kinh doanh không đạt kế hoạch đã đề ra. Chính vì vậy, kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2009 cũng đang được các doanh nghiệp tính toán chi li.

Năm nay, trước tình hình kinh tế khó khăn, càng về cuối năm, các doanh nghiệp càng lo lắng sản xuất kinh doanh không đạt kế hoạch đã đề ra. Chính vì vậy, kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2009 cũng đang được các doanh nghiệp tính toán chi li.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, thưởng Tết năm nay chắc chắn sẽ không cao bằng năm ngoái, thậm chí có thể phải "nợ" người lao động.

Mỏi mắt chờ "xuân"

Theo tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tình hình khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Nếu như trước đây, doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn về vốn thì bây giờ "đầu ra" đang làm doanh nghiệp đau đầu. Thời điểm này, doanh nghiệp nào tránh phá sản coi như đã thành công. Tuy nhiên, các khoản lỗ vẫn ngày càng gia tăng nên dự báo, tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài ít nhất là hết năm 2009. Do vậy, vấn đề thưởng Tết năm nay chắc chắn sẽ được các doanh nghiệp xem xét rất kỹ lưỡng.

Nhiều doanh nghiệp như đang ngồi trên đống lửa khi chỉ còn nửa tháng là kết thúc năm 2008, nhưng tiền thưởng Tết cho nhân viên vẫn chưa cân đối được. Chị Tô Giang - nhân viên Công ty truyền thông Wellspring lo lắng: "Mọi năm, Công ty đều có lương tháng thứ 13, thay cho tiền thưởng Tết. Nhưng năm nay tình hình khó khăn, không biết còn được phát khoản này?".

Anh Việt Phương - nhân viên công ty VinaGame cho biết: "Vào thời điểm này năm ngoái, bên tôi đã có thông tin tiền thưởng Tết rồi. Năm nay, sức kinh doanh công ty không còn "sung mãn" như thời gian qua nên đến nay, công ty vẫn chưa thấy nói gì tới về tiền thưởng Tết. Tôi lo ngại tiền thưởng sẽ bị giảm vì những tháng cuối năm không có nhiều việc".

Theo ông Nguyễn Phúc Thái, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mạng truyền thông quốc tế Incomnet: hiện tại, Incomnet chưa có quyết định mức thưởng cho công nhân viên. Tuy nhiên, Công ty dự kiến giữ nguyên mức thưởng của năm ngoái với 1 tháng lương thứ 13, bao gồm cả phụ cấp. Do hoạt động trong lĩnh vực ít bị ảnh hưởng nên Incomnet đang chờ kết quả kinh doanh cuối năm để xem xét nâng mức thưởng cho công nhân viên.

Còn bà Đặng Thị Bích Phương, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Mỹ thì lo ngại: "Cho đến thời điểm này, Toàn Mỹ không thể duy trì sản xuất một số khâu, lượng hàng dự trữ với giá cao còn chất đống trong kho. Nếu vẫn tiếp tục sản xuất nghĩa là doanh nghiệp tự "giết" mình. Vì thế, tiền thưởng Tết vẫn chưa thể dự tính được".

Tại một số doanh nghiệp tư nhân, mặc dù được lĩnh tiền thưởng Tết sớm nhưng số tiền thưởng không thấm vào đâu so với sức lao động bỏ ra. Anh Minh Nhựt - công nhân doanh nghiệp ngành nhựa tại Q.8, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Cuối tháng, chúng tôi được nghỉ Tết sớm, tiền thưởng Tết đã nhận rồi nhưng giảm đến 10 lần so với năm ngoái. Chỉ có 500.000 đồng, không đủ tiền mua vé xe để về quê, huống chi là quà cáp và sắm đồ Tết cho gia đình..."

Chỉ bằng non nửa năm ngoái

Theo bà Nguyễn Thị Dân - Trưởng Phòng Lao động - Tiền công - Tiền Lương (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh) đến thời điểm này vẫn chưa có doanh nghiệp nào công bố tiền thưởng Tết nên khó đánh giá được số tiền bình quân thưởng Tết là bao nhiêu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm mọi nguồn thưởng Tết cho người lao động và dự đoán chỉ bằng non nửa năm ngoái. Cũng theo bà Dân, vì thời điểm cách Tết Nguyên đán còn xa nên các doanh nghiệp chưa chuẩn bị phương án. Ít nhất phải cách Tết Nguyên đán 20 ngày thì mới có thông tin doanh nghiệp nào thưởng bao nhiêu, ai được thưởng cao nhất, ai thấp nhất.

Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân đến thời điểm này vẫn chưa thể công khai tiền thưởng Tết là do doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn. Trước nguy cơ phá sản của doanh nghiệp, công nhân có cơ mất việc, mất lương chứ đừng nói đến thưởng Tết. Điển hình là ngành dệt may, thêu đan, da giày… hầu hết đều rơi vào thế khó tìm kiếm hợp đồng mới.

Ông Phạm Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh ,cho biết khoảng 20% các công ty ngành dệt may tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ thưởng cho công nhân với mức "tượng trưng" hoặc khá lắm thì bằng một nửa so với năm ngoái. 80% doanh nghiệp còn lại sẽ có mức thưởng vào khoảng 70 - 80% so với Tết năm ngoái.

Ngay cả khối tài chính ngân hàng, chứng khoán cũng phải lao đao vì tài chính khó khăn, chứng khoán thủng đáy liên tục.. Do đó, khó có doanh nghiệp nào được thưởng bằng như năm ngoái. Anh Quang Tuyến, Trưởng phòng phát triển thị trường Công ty chứng khoán Beta , lo lắng: "Thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm, chẳng có nhà đầu tư nào trụ nổi sàn, lấy gì có phí giao dịch để nuôi công ty. Khả năng sang năm tôi "bị nghỉ việc" cũng nên chứ nói gì tiền thưởng Tết."

Một đại diện của ngân hàng thương mại cổ phần tại Thành phố Hồ Chí Minh thì cho biết tình hình kinh doanh của các ngân hàng đến thời điểm này vẫn chưa hết khó khăn, kế hoạch lợi nhuận năm 2008 khó hoàn thành được. Ngoài ra, ngân hàng này dự báo năm sau mới là tâm điểm của khó khăn, nên phải trích "quỹ dự phòng". Do đó, có ngân hàng đạt tăng trưởng 40%, song vẫn giảm mức thưởng của nhân viên xuống còn 40% so với năm trước.

Có lẽ, khối hành chính sự nghiệp có mức thưởng tết tương đối ổn định. Nguyên nhân là nhiều đơn vị áp dụng cơ chế khoán quỹ lương, trong khi biên chế không tăng. Phần quỹ lương dư sẽ được sử dụng để thưởng Tết hoặc các hình thức lương, thưởng khác. Tuy nhiên, một số cơ quan, ban, ngành cho biết mức thưởng Tết sẽ giảm khoảng từ 10 - 20% so với năm ngoái.

Theo anh Đỗ Hải, chuyên gia kinh tế, tiền thưởng Tết giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến mức mua sắm Tết của người dân. Theo đó, phần lớn người tiêu dùng vào siêu thị chỉ để mua sắm hàng nhu yếu phẩm (thực phẩm), còn những mặt hàng không thực sự thiết yếu sẽ được hạn chế tối đa.

Như vậy, "giỏ" hàng hóa của các gia đình trong dịp Tết có sự thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, giá hàng hóa cuối năm không tăng cao như mọi năm. Nguyên nhân là trong năm, kinh tế khó khăn cộng với mối lo sang năm 2009 sẽ phải thực hiện các cam kết về thị trường bán lẻ nên doanh nghiệp và siêu thị phải tính toán giảm giá hàng hóa để hút khách. Điều này có lợi cho người tiêu dùng./.

Hải Yên (Tin tức/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục