'Người lính áo trắng' chinh phục những đỉnh cao y học thế giới

Những người lính áo trắng đã nỗ lực không ngừng, lần lượt chinh phục những đỉnh cao của y học, được giới chuyên môn trong nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Các y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kiểm tra tay cho bệnh nhân Vương sau khi ghép. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kiểm tra tay cho bệnh nhân Vương sau khi ghép. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với ngành y tế Việt Nam và thế giới khi phải chiến đấu với đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, những 'người lính áo trắng' vẫn nỗ lực không ngừng, lần lượt chinh phục những đỉnh cao của y học, được giới chuyên môn trong nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tiêu biểu trong những thành tích đó là hai ca ghép chi thể được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Một ca ghép được thực hiện bằng cách sử dụng chi thể lấy từ người cho sống đầu tiên trên thế giới và một ca ghép hai cẳng bàn tay lấy từ người cho chết não lần đầu tiên được thực hiện ở khu vực Đông Nam Á.

Những giấc mơ có thật

Hơn 1 năm sau khi được ghép tay, anh Phạm Văn Vương, 32 tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội khoe đã có thể tự mặc quần áo cho bản thân và cho 2 con trai, dọn cơm cùng vợ, bế con nhỏ chắc chắn bằng 2 tay…

“Trước đây tôi rất mặc cảm nên đi đâu cũng phải mặc áo có ống tay thật dài để che đi bàn tay bị mất. Giờ thì khác, tôi đã tự tin lại như xưa,” anh Vương hồ hởi.

[Việt Nam thực hiện thành công ca ghép tay đầu tiên từ người hiến sống]

Anh Phạm Văn Vương trở thành người đầu tiên được ghép tay tại Việt Nam và là ca ghép đầu tiên từ người cho sống trên thế giới. Các y bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ca ghép tay cho anh vào ngày 21/1/2020.

Hơn 1 năm sau ca ghép tay lịch sử, cánh tay người đàn ông 51 tuổi sống tốt trên người của anh Vương giúp anh làm nhiều việc. Đến nay, anh Vương đã có được bàn tay lành lặn trở lại, có thể cầm nắm nhiều thứ…

'Người lính áo trắng' chinh phục những đỉnh cao y học thế giới ảnh 1Anh Vương với bàn tay trái sau hơn 1 năm ghép tay. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trường hợp của anh Vương chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân được hưởng những thành tựu trong trong ghép tạng mà các y bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Quân đội đã mang đến cho những bệnh nhân.

Chia sẻ nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của bệnh viện (01/4/1951-1/4/2021), Trung tướng, giáo sư Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay đó là những kết quả thực tiễn của nghiên cứu ứng dụng và phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại bệnh viện được triển khai giai đoạn 2016-2021.

Trung tướng Mai Hồng Bàng chia sẻ, 70 năm qua, những "người lính áo trắng" trong chiến tranh và thời bình hiện nay đều tiên phong trong những “trận đánh lớn” để cứu chữa người bệnh và chinh phục, làm chủ các kỹ thuật đỉnh cao y học trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Theo giáo sư Bàng, trong điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn và trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn của giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, từ lần đầu xuất quân trong chiến dịch Biên giới cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ tới chiến dịch mùa Xuân năm 1975… các chiến sỹ áo trắng của bệnh viện đã dũng cảm, vượt qua mọi gian nan thử thách.

'Người lính áo trắng' chinh phục những đỉnh cao y học thế giới ảnh 2Truyền huyết thanh cho thương bệnh binh tại Phân viện 8 Yên Trạch, Thái Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Những người lính mang trên mình hai màu áo: Áo xanh của quân đội và áo trắng của ngành y không sợ hy sinh, vừa cứu chữa thương bệnh binh, tham gia chiến đấu, vừa tìm tòi nghiên cứu sáng tạo ra nhiều phương pháp mới xử trí thành công nhiều vết thương phức tạp. Những đóng góp đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức mạnh chiến đấu cho bộ đội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo quân y.

Trong giai đoạn hiện nay, các y bác sỹ của bệnh viện với những cú “bứt phá” mạnh mẽ như: Tháng 2/2018, đã tổ chức thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đồng thời cũng là ca lấy, ghép và vận chuyển đa phủ tạng xuyên Việt lịch sử, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của y học nước nhà. Tháng 1/2020, tổ chức thực hiện thành công lần đầu tiên ghép chi thể từ người cho sống và tháng 9/2020 thực hiện thành công ca ghép 2 cẳng tay từ người cho chết não đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Tính đến thời điểm hiện tại, các y bác sỹ của Bệnh viện đã thực hiện được 316 ca ghép mô tạng, trong đó ghép thận, ghép gan, ghép tủy, ghép tế bào gốc… thường quy, thực hiện thành công 3 ca ghép phổi từ người cho chết não; 2 ca ghép chi thể, góp phần nâng cao vị thế, trình độ của đội ngũ thầy thuốc bệnh viện lên ngang khu vực và thế giới...

Bệnh viện là một trong những trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực: Chấn thương chỉnh hình; kỹ thuật vi phẫu trong tạo hình thẩm mỹ, kỹ thuật mổ nội soi 1 lỗ; kỹ thuật gây tắc mạch xạ trị Y90 điều trị ung thư gan. Đặc biệt, các bác sỹ đã thực hiện thành công đề án ghép mô tạng, đã triển khai nhiều kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người như: ghép tế bào gốc, ghép tủy, ghép giác mạc, ghép thận thường quy, ghép gan từ người cho sống, lấy- ghép đa phủ tạng từ người cho chết não…

Đưa ngành ghép tạng Việt lên bản đồ y học thế giới

Trung tướng Mai Hồng Bàng nhấn mạnh, 70 năm truyền thống của mình, một trong những chức năng, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của bệnh viện là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ trung ương. Trong những năm qua, Bệnh viện luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quân đội và nước bạn Lào-Campuchia. Bệnh viện thường xuyên làm tốt công tác theo dõi, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị và hội chẩn Hội đồng chuyên môn Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Cán bộ Trung ương.

Đối với những ca bệnh khó, bệnh hiểm nghèo, Bệnh viện luôn chủ động lên kế hoạch tiến hành hội chẩn nội viện, hội chẩn liên viện, hội chẩn với các chuyên gia quốc tế để quản lý tốt sức khoẻ sau điều trị, đảm bảo an toàn và bảo mật tuyệt đối, góp phần đẩy lùi nhiều căn bệnh hiểm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã lớn tuổi.

'Người lính áo trắng' chinh phục những đỉnh cao y học thế giới ảnh 3(Ảnh: PV/Vietnam+)

Đánh giá về những đóng góp của bệnh viện trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với tinh thần Bộ đội Cụ Hồ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều trị cho cán bộ chiến sỹ và nhân dân trong đó có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Đội ngũ cán bộ thầy thuốc của bệnh viện đã làm chủ các trang thiết bị hiện đại, thực hiện thành công kỹ thuật cao, chuyên sâu, giúp cứu sống nhiều thương binh, bệnh binh nặng và các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, khẳng định vị thế đầu ngành của các chuyên khoa...

Thành tích đặc biệt xuất sắc của các y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong công tác chăm sóc sức khoẻ lãnh đạo cấp cao phải kể đến đó là đã chăm sóc và điều trị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp với 1.559 ngày đêm, cho các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo khác như: đồng chí Trần Đại Quang, đồng chí Lê Đức Anh, đồng chí Đỗ Mười...

Ngoài ra, các bác sỹ của Bệnh viện còn trực tiếp thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân là cán bộ lãnh đạo cấp cao của một số nước như Lào, Campuchia, Cu Ba, Nhật Bản, Nga... và đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp, đóng góp tích cực vào việc gìn giữ và vun đắp mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với các nước bạn.

Trong công tác hợp tác quốc tế, những năm qua bệnh viện đã xây dựng một mạng lưới chuyên gia y tế quốc tế có uy tín để khi cần có thể mời chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới đến khám, điều trị, phẫu thuật cho các bệnh nhân là cán bộ Đảng và Nhà nước Việt Nam.

'Người lính áo trắng' chinh phục những đỉnh cao y học thế giới ảnh 4(Ảnh tư liệu. Nguồn: BV cung cấp)

Trung tướng Mai Hồng Bàng cho hay trong giai đoạn hiện nay, bệnh viện đang hoàn thiện về cơ sở vật chất và nhân lực để xây dựng bệnh viện thành trung tâm y học hàng đầu của quốc gia, của quân đội, ngang tầm của khu vực và thế giới.

Hướng đi trọng tâm của bệnh viện trong thời gian tới là tiếp tục phát triển các kỹ thuật ghép tạng, triển khai thêm nhiều kỹ thuật khó như ghép mặt, ghép tụy, ghép ruột… và nghiên cứu tạo nguồn mô tạng sinh học và vật liệu thay thế (công nghệ sao chép cơ quan 3D), tạng nhân tạo, kiểm soát vấn đề thải ghép, ứng dụng công nghệ thông tin-trí tuệ nhân tạo trong ghép tạng…

Những năm qua, sự nỗ lực, nhiệt huyết của những trái tim "người lính áo trắng" Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã và đang đưa ngành ghép tạng của Việt Nam sánh ngang tầm khu vực và thế giới.

'Người lính áo trắng' chinh phục những đỉnh cao y học thế giới ảnh 5

Đây là những thành quả rất ý nghĩa đối với ngành y tế và bệnh viện trong tiến trình chinh phục những đỉnh cao về y học, đặc biệt là lĩnh vực ghép tạng, để mang lại cuộc sống mới cho hàng ngàn bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối…/.

7 năm qua, số lượng bệnh nhân đến khám liên tục tăng cao, trung bình từ 1.500 đến 1.800 người/ngày (vào năm 2014), thì nay số lượng bệnh nhân đến khám trung bình luôn ở mức 4.500 đến 5.500 người/ngày (năm 2020). Bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị người bệnh; có những kỹ thuật mũi nhọn đạt tầm khu vực và quốc tế.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép 7 loại mô, tạng khác nhau trên 316 bệnh nhân. Trog đó có 130 ca ghép tế bào gốc, 16 ca ghép tủy, 18 ca ghép giác mạc, 3 ca ghép phổi, 78 ca ghép thận, 70 ca ghép gan, ghép chi thể 2 ca, lấy-ghép đa tạng từ người cho chết não 5 ca...
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục