Người mẹ hiền của các thế hệ sinh viên Lào trường Báo chí

“Tôi chưa bao giờ để điện thoại hết pin, lúc nào cũng sẵn sàng 24/24 giờ hoạt động. Vì tôi lo, nhỡ có việc gì cần gấp lúc nửa đêm, sáng sớm mà các em lưu học sinh Lào gọi cho tôi không được."
Người mẹ hiền của các thế hệ sinh viên Lào trường Báo chí ảnh 1Cô Đỗ Mai Hương luôn được các lưu học sinh Lào yêu mến. (Ảnh: Tâm Chính/Vietnam+)

“Tôi chưa bao giờ để điện thoại hết pin, lúc nào cũng sẵn sàng 24/24 giờ hoạt động. Vì tôi lo, nhỡ có việc gì cần gấp lúc nửa đêm, sáng sớm mà các em lưu học sinh Lào gọi cho tôi không được. Xa gia đình, xa người thân, những lúc đau ốm, khó khăn, nhớ nhà các em biết gọi ai giúp đỡ… Các em có khó khăn, tự tôi không yên lòng, nhìn nét mặt các em ngơ ngác tôi thương lắm. Con ốm, con đau, có mẹ nào ăn ngon, ngủ yên được,” cô Đỗ Mai Hương, Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tâm sự về 25 năm gắn bó với lưu học sinh Lào theo học tại ​Học viện.

Bén duyên với lưu học sinh Lào

Cô Đỗ Mai Hương công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ năm 1986, trước đây được gọi là Trường Tuyên huấn Trung ương. Đến năm 1992, sau Hiệp định đào tạo cán bộ Lào tại Việt Nam được ký kết giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào, trong đó chú trọng về đào tạo nguồn nhân lực báo chí và chính trị, cô Hương là một trong những giảng viên đầu tiên của học viện tham gia công tác đào tạo cho lưu học sinh Lào theo học tại đây.

Cô Mai Hương nhớ lại, khóa đầu tiên có 15 sinh viên Lào đầu tiên sang học nên không chỉ cô mà tất cả các giảng viên trong trường đều có nhiều cảm xúc khác nhau, vừa hồi hộp, vừa cảm thấy vinh dự nhưng cũng không kém phần lo lắng. Bởi theo quy chế, ngoài việc sử dụng thành thạo tiếng Việt để theo học các môn chuyên ngành báo chí, lưu học sinh Lào vẫn phải học thêm ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Nga giống sinh viên Việt Nam. Do đó, ngay từ khi nhận được tin các lưu học sinh Lào sang học, tổ Ngoại ngữ ​nơi cô Mai Hương làm việc đã sớm lên kế hoạch, tập trung giảng dạy.

“Dạy ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam không khó vì có thể giảng giải bằng tiếng Việt phần nào các em chưa hiểu. Nhưng với đặc thù của sinh viên Lào, các em phải mất 2 năm đầu theo học liên tục, dành nhiều giờ học ngoại ngữ. Chính vì thế, cô trò chúng tôi cũng có nhiều thời gian gần gũi nhau. Những năm 90, đời sống chưa được khá giả nhưng tình cảm của chúng tôi dành cho các em rất chân tình, ấm áp. Cứ cuối tuần hoặc ngày nghỉ học, tôi lại nấu bún ốc, bún nem hoặc các món ăn Việt Nam ở nhà và gọi các em đến ăn. Mấy chục năm trôi qua, tình cảm cô trò không bao giờ phai nhạt…,” cô Mai Hương kể.

Chính những năm tháng khó khăn, vất vả, nhiều kỷ niệm đẹp không chỉ đến từ bài giảng trên lớp, câu chuyện nhớ nhà, lúc ốm đau hay những bữa cơm giản dị, thân mật giữa cô và trò đã khiến tình cảm chân thành dành riêng cho các lưu học sinh Lào của cô Mai Hương đến rất đỗi tự nhiên và giản dị.

Đến năm 2012, cô Mai Hương được Ban Giám đốc học viện giao cho nhiệm vụ trực tiếp chuyên trách quản lý lưu học sinh Lào đang theo học tại trường. Tại vị trí này, cô Mai Hương có thêm cơ hội hiểu các lưu học sinh Lào theo học tại trường hơn, không chỉ trong công tác giảng dạy và học tập mà còn được quan tâm sâu sát đến đời sống của từng em đang học tại Học viện.

Người mẹ hiền của các thế hệ sinh viên Lào trường Báo chí ảnh 2Cô Mai Hương chụp ảnh cùng hai lưu học sinh Lào trong ngày tốt nghiệp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
 

“Từ 15 em lưu học sinh đầu tiên, đến nay đã có hơn 600 lưu học sinh Lào theo học tại học viện. Mỗi người đều có một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau nhưng chúng tôi (cô Hương và lưu học sinh Lào) sống với nhau bằng tình cảm và trách nhiệm của những thành viên trong gia đình, như một người mẹ có hàng trăm người con hiền lành, chân chất, giàu tình cảm đến từ đất nước anh em Lào. Tôi tự nhận mình là người may mắn, khi được bén duyên với các em. Mỗi khi nghe các em thân gọi điện thoại hoặc gặp chào “mẹ Hương,” “me Hương,” “u Mai Hương,” tôi thấy rất xúc động, hạnh phúc và hãnh diện”, cô Mai Hương vui vẻ cho biết.


“Mẹ nào chẳng thương con…”

Suốt 25 năm gắn bó với lưu học sinh Lào, khi kể lại quá trình công tác, cô Mai Hương mở những món quà, bức ảnh chụp chung, kể từng câu chuyện, nhớ rõ mặt và tên của từng em, những kỷ niệm vui buồn trong suốt những năm tháng cô gắn bó với các em. 

Nhận xét về những “người con đặc biệt” của mình, cô Mai Hương cho biết, các lưu học sinh Lào thật thà, hiền lành, ngoan ngoãn, trầm tình và không ồn ào, không tính toán, ganh đua hay tị nạnh lẫn nhau. Đặc biệt, các em thích ăn cay, thích tham gia các lễ hội, các hoạt động vui chơi chung và thường hát múa, cổ vũ rất nhiệt tình. Thế nhưng trong tập thể, các bạn Lào tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu của lãnh đạo đoàn, sống rất có ý thức tổ chức kỷ luật. Đây là một đức tính đặc trưng của các em lưu học sinh Lào nói riêng và người Lào nói chung khiến cô Hương rất trân trọng và nể phục.

Cô Mai Hương kể thêm: “Các em rất thật thà, thật thà nhất quả đất. Điển hình như câu chuyện về cậu học trò Phansone lớp Cao học Chính trị học khóa 20 không quản ngại mưa to gió lớn mang ví tiền vừa nhặt được đến nhờ tôi tìm lại người đánh mất. Đây là một câu chuyện nhỏ nhưng là một tấm gương sáng về tính cách tốt của các bạn Lào. Trong cuộc sống, cứ ngỡ rằng tôi làm cô giáo, làm nhiệm vụ quản lý các em, tôi phải là tấm gương dạy các em đạo đức làm người, thế nhưng không chỉ tôi cho đi mà còn nhận lại được nhiều bài học về đức tính khiêm tốn, chân thật từ chính các em."

[Homestay cho học sinh Lào: Dạy tiếng Việt gắn với sự ấm áp gia đình]

Suốt 25 năm qua, cô luôn tự nhắc nhở bản thân mình không chỉ làm tròn trách nhiệm của người quản lý mà còn là nhà sư phạm, là người mẹ ở Việt Nam của các bạn Lào xa quê hương, luôn chủ động tìm hiểu tâm lý của các em, tâm sự với các em. Cô luôn giải thích và giải quyết mọi việc ổn thỏa, công bằng trong cả học tập và đời sống để đảm bảo sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau trong một “gia đình đặc biệt, chỉ có mẹ và hàng trăm đứa con."

Sau một vài năm giảng dạy ngoại ngữ cho lưu học sinh Lào, cô thấy việc các em phải học thêm cùng lúc tiếng Việt và ngoại ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp không chỉ gây khó khăn cho mà còn ảnh hưởng đến kết quả học tập các môn học khác của các em. Chính cô Mai Hương đã chủ động làm công văn giải trình với Bộ Giáo dục và Đào tạo, hy vọng các lưu học sinh Lào chỉ phải học tiếng Việt như một môn ngoại ngữ thay vì lựa chọn học thêm cả ngoại ngữ khác.

Những hy vọng chính đáng của cô Mai Hương góp phần không nhỏ trong quá trình học tập tại Việt Nam của các lưu học sinh Lào. Năm 201​3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 7500/BGDĐT-GDĐH đồng ý cho các lưu học sinh Lào của tất cả các trường đại học được học ngoại ngữ tiếng Việt thay thế các ngoại ngữ khác trong chương trình đào tạo. Cũng chính từ đó, các em lưu học sinh Lào học tại Học viện đã có nhiều thời gian chú tâm vào việc học tiếng Việt hơn. Đến nay, đã có nhiều sinh viên ra trường tốt nghiệp đạt bằng khá, trung bình khá thay vì chủ yếu là bằng trung bình như trước đây.

Người mẹ hiền của các thế hệ sinh viên Lào trường Báo chí ảnh 3Cô Mai Hương thường xuyên tới khu ký túc xá để thăm hỏi các lưu học sinh Lào. (Ảnh: Thế Trung/Vietnam+)

Ngoài những buổi học trên lớp, trong đời sống hàng ngày, cô còn quan tâm, chăm lo các lưu học sinh Lào như những người con ruột của mình. Không chỉ biết các bác sỹ, y tá mà ngay cả bảo vệ cổng Bệnh viện E Hà Nội cũng “quen mặt” cô Mai Hương. Mỗi lần cô xuất hiện, các anh, các chú bảo vệ ở cổng sẽ hỏi thăm ngay ‘sinh viên Lào có ai ốm.’ Không quản ngày đêm, khi nhận tin các em ốm, cô luôn túc trực ở bên để nắm bắt tình hình bệnh tật của “các con.” Thậm chí, khi cậu học trò ​Detsouvanh Báo in khóa 34 bị ốm nặng, trong suốt gần 1 năm trời, cô Hương kiên trì đưa ​Detsouvanh khắp 4-5 bệnh viện ở Hà Nội để phát hiện chuẩn bệnh và điều trị. Với cô, không chỉ mong muốn các bạn Lào hoàn thành nhiệm vụ học tập mà còn có một sức khỏe tốt, một tinh thần vững vàng để tận hưởng khi còn là sinh viên – quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời.

“Mẹ nào chẳng thương con, tôi yêu quý các em bằng cả tấm lòng của một người mẹ. Tôi chưa bao giờ để điện thoại hết pin, lúc nào cũng sẵn sàng 24/24 giờ hoạt động. Vì tôi lo, nhỡ có việc gì cần gấp lúc nửa đêm, sáng sớm mà các em lưu học sinh Lào gọi cho tôi không được. Xa gia đình, xa người thân, những lúc đau ốm, khó khăn, nhớ nhà các em biết gọi ai giúp đỡ… Các em có khó khăn, tự tôi không yên lòng, nhìn nét mặt các em ngơ ngác tôi rất thương. Con ốm, con đau, có mẹ nào ăn ngon, ngủ yên được”, cô Mai Hương xúc động nói.

“Tình cảm của các em là phần thưởng cho tôi”

25 năm gắn bó và đồng hành cùng các lưu học sinh Lào, nhiều khi, đồng nghiệp cho rằng cô Mai Hương chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ được giao, không nên tốn quá nhiều thời gian và công sức. Thậm chí, có người nói “cô Hương chiều lưu học sinh Lào quá, chiều hơn cả con đẻ” hoặc “cô cũng có tuổi rồi, nên dành nhiều thời gian cho bản thân hơn” … Những lúc ấy cô chỉ cười rồi bỏ qua nhưng trong lòng chưa bao giờ chán nản hoặc có ý định bỏ cuộc. Nhiều lúc cô tưởng tượng nếu không có quãng thời gian được làm việc, tiếp xúc với các em lưu học sinh Lào thì công việc và cuộc sống của cô thật buồn chán và tẻ nhạt. Cô tự nhận mình có duyên với người Lào, có một tình yêu chân thành với các em lưu học sinh Lào và ngược lại, các em cũng yêu thương cô không chỉ như một cô giáo mà còn như người mẹ thứ hai ở Việt Nam.

Người mẹ hiền của các thế hệ sinh viên Lào trường Báo chí ảnh 4Cô Mai Hương tham gia ngày hội té nước cùng các lưu học sinh Lào. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

May mắn hơn, cô Hương còn nhận được sự ủng hộ và động viên từ gia đình ngay từ khi nhận công tác giảng dạy và quản lý lưu học sinh Lào tại trường. Mặc dù bận rộn với công việc riêng nhưng chồng cô luôn sẵn sàng trổ tài nấu ăn hoặc phụ giúp cô khi có các em lưu học sinh Lào đến nhà ăn cơm. Những bữa cơm giản dị, chân thành, những món ăn các em yêu thích… đã gắn kết gia đình cô với các lưu học sinh Lào. “Thi thoảng, chồng và con tôi hay đùa bảo ‘sang Lào mà ở’ vì thấy tôi hay đi công tác hoặc bận công việc ngoài giờ. Thế nhưng lâu lâu không thấy các em sang ăn cơm, chồng tôi lại nhắc và hỏi thăm liên tục,” cô Mai Hương nói.

Bên cạnh những kỷ niệm đẹp trong quá trình công tác, cô Hương vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở, thôi thúc cô cố gắng tốt hơn nữa để hoàn thành công việc được giao, để các em lưu học sinh Lào có điều kiện sinh hoạt và môi trường học tập tốt hơn tại Việt Nam. Cô mong muốn, các em Lào cố gắng hơn nữa trong học tập; những bạn nào còn sống khép mình sẽ cởi mở, tự tin hơn, hòa đồng hơn; sẽ không còn em nào trốn về nhà trong những ngày được nghỉ học hoặc dịp lễ tết mà không xin phép nhà trường; các em có sức khỏe tốt để học tập và đạt kết quả cao hơn, không phụ lòng mong mỏi của gia đình ở Lào...

“Những ngày tiễn các em ra sân bay về nước, cô trò nước mắt lưng tròng không muốn xa nhau. Mừng vì các em đã trưởng thành sau những năm tháng học tại học viện nhưng cũng buồn vì sắp phải xa nhau, cách trở cả về không gian và thời gian. Mỗi lần như vậy, tôi lại ước, giá như tôi không phải chia tay thật tốt biết mấy…,” cô Mai Hương xúc động nói.

Người mẹ hiền của các thế hệ sinh viên Lào trường Báo chí ảnh 5Cô Mai Hương tham gia sinh hoạt ngoại khóa cùng các sinh viên Lào. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Suốt 25 năm gắn bó với các lưu học sinh Lào, tận tâm với các em không chỉ những ngày trên lớp mà ngay cả trong đời sống hàng ngày, những bữa ăn, những lúc đau ốm, nhớ nhà, những ngày Tết truyền thống của người Lào hay Tết Việt Nam… trong mắt các lưu học sinh Lào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cô Hương như một người mẹ hiền, phúc hậu, luôn yêu thương “các con” bằng tấm lòng chân thành, giản dị.

Thế nhưng, cô Hương luôn từ chối những lời khen, những món quà của các em dành cho cô. Cô quan niệm, đó là công việc cô cần làm, cô thích làm và tự thấy chưa đủ thời gian để quan tâm đến hết tất cả các lưu học sinh Lào đang theo học tại ​Học viện. “Phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời tôi là tình yêu của các em lưu học sinh Lào dành cho mình. Trước đây, bây giờ và mãi mãi sau này, tôi và các em vẫn là một gia đình nhỏ, vẫn yêu thương và trân trọng nhau như vậy,” cô Mai Hương nói.

Sau khi tốt nghiệp, nhiều lưu học sinh Lào quay trở lại Việt Nam công tác, cô trò – mẹ con lâu ngày gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Những giây phút trò chuyện, tâm sự hiếm khiến cô rất hạnh phúc nhưng không kém phần xúc động. Dù đã tốt nghiệp hàng chục năm nhưng câu chuyện mới như diễn ra ngày hôm qua, những kỷ niệm buồn vui gắn liền với quãng thời gian sinh viên tại Việt Nam luôn được cả cô và trò nâng niu, trân trọng.

Cô tự nhận, quãng thời gian gắn bó cùng các lưu học sinh Lào của cô chỉ là “sợi chỉ rất nhỏ” trong mối quan hệ hữu nghị giữa 2 đất nước anh em Việt Nam-Lào. “Trong mối quan hệ hai nước, vô vàn những ‘sợi chỉ nhỏ’ đã dệt nên mối quan hệ gắn bó, keo sơn, khăng khít và đoàn kết Việt-Lào. Tình cảm cả người Việt Nam dành cho các bạn Lào rất đặc biệt, gần gũi và thân quen. Gặp nhau cứ ngỡ cùng chung huyết thống, thân tình, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi mặt cuộc sống. Với tôi, sự chân thành, sự đam mê tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em lưu học sinh, đồng thời hiểu được văn hóa, phong tục của các em, dành thời gian giúp đỡ cho các em là trách nhiệm của bản thân, đồng thời cũng là mong muốn và trách nhiệm gắn bó hơn nữa mối quan hệ ‘hiếm có’ trên thế giới như ​hai nước Việt Nam và Lào," cô Mai Hương khẳng định./.

TS. Vũ Thanh Vân, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Cô Mai Hương rất tận tâm tận lực trong công tác quản lý lưu học sinh Lào, giúp lưu học sinh yên tâm học tập, rèn luyện. Tinh thần làm việc trách nhiệm của cô Mai Hương được lãnh đạo nhà trường đánh giá cao và được lưu học sinh Lào yêu mến. Không chỉ giúp các em hoàn thiện các thủ tục học tập, cô Mai Hương không quản ngại làm việc ngày nghỉ ngay ngoài giờ khi sinh viên ốm đau phải đi bệnh viện. Cô giúp cho lưu học sinh Lào tại Học viện học tập tốt và có ấn tượng tốt đẹp về con người và lối sống Việt Nam. Làm được như vậy không chỉ nhờ có tinh thần trách nhiệm cao mà cả tâm huyết, tình cảm chân thành.

Thông qua các chương trình hợp tác đào tạo và bồi dưỡng, Học viện có đóng góp rất thiết thực, cụ thể vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào. Việc giúp bạn đào tạo nhân lực báo chí, bồi dưỡng kinh nghiệm quản lý báo chí sẽ có những tác động tích cực, bền vững đối với sự phát triển của báo chí Lào. Nhiều lưu học sinh Lào tốt nghiệp từ Học viện phát huy được năng lực của mình khi về nước và là cầu nối quan trọng, tạo ra những mối quan hệ bền chặt. Đây chính là chất keo đặc biệt gắn kết, phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt-Lào trong suốt 55 năm qua.”

Faying Laodieo – Lưu học sinh lớp Chính trị học K35 - Phó trưởng đoàn Lưu học sinh Lào tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Những ngày đầu đến Việt Nam, nhiều khi tôi cảm thấy rất buồn phiền và tủi thân, nhất là những lúc ốm đau, rất nhớ nhà. Nhưng chúng tôi cũng may mắn hơn các bạn trường khác vì có me Hương. Me như người mẹ thứ 2 của chúng tôi vậy. Me rất tình cảm, nhân hậu và yêu thương chúng tôi, chỉ cho tôi những điều còn chưa biết. Sắp học xong rồi, nếu xa me tôi sẽ nhớ me rất nhiều. Hy vọng me có nhiều sức khỏe để tiếp tục chăm lo, dìu dắt cho những lưu học sinh như tôi sau này đến học tại đây."

Vilayvanh Thammasone Lưu học sinh lớp Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước K34 - Phó trưởng đoàn Lưu học sinh Lào tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Các bạn Việt Nam rất sôi nổi và năng động, lại vui tính nữa. Các thầy cô Học viện Báo chí và Tuyên truyền rất nhiệt tình không chỉ trong giờ học mà còn trong đời sống hàng ngày, nhất là mẹ Hương. Sang học tại Việt Nam, tôi cũng gặp khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp, về phong tục tập quán nên còn ngại lắm. May mà có mẹ Hương giới thiệu cho chúng tôi biết cách ứng xử, quan tâm, chăm lo cho chúng tôi rất nhiều. Mẹ nấu món bún nem rất ngon, anh em tôi ai cũng thích món nem. Có thể chúng tôi học được nhiều kiến thức nhưng chưa chắc đã trưởng thành trong cuộc sống nếu không có sự yêu thương, giúp đỡ tận tình của mẹ Mai Hương."

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục