Ồ ạt “rũ áo ra đi”

Người nhập cư Bồ Đào Nha ồ ạt “rũ áo ra đi”

Người nhập cư ở độ tuổi lao động đang ồ ạt “rũ áo ra đi” khỏi Bồ Đào Nha khiến đất nước này có nguy cơ chỉ còn toàn... cụ già.
Các chuyên gia về dân số cho rằng, nếu không có người nhập cư thì Bồ Đào Nha sẽ biến thành đất nước của những cụ già về hưu nghèo khó, kéo theo sự trì trệ kinh tế triền miên. Và trên thực tế, những người nhập cư ở độ tuổi lao động đang ồ ạt “rũ áo ra đi” khỏi quốc gia này.

Công của người nhập cư

Theo con số chính thức, những người nhập cư làm ra 6% GDP và “sản xuất” 1/10 số trẻ sơ sinh mỗi năm cho Bồ Đào Nha. Họ chiếm 5% dân số và 8% số người ở tuổi lao động.

Viện Thống kê Quốc gia Bồ Đào Nha tính rằng, nếu ngừng tiếp nhận người nhập cư thì sau nửa thế kỷ nữa, nước này chỉ còn vỏn vẹn 8,2 triệu dân, trong khi hiện giờ dân số là 10,6 triệu. Sự hao hụt dân số không chỉ dẫn đến tình trạng các khu vực kém phát triển thưa thớt bóng người mà còn làm cho điều kiện sống của những vùng khác cũng giảm sút nghiêm trọng.

Tỷ lệ người cao tuổi, không có khả năng lao động ở Bồ Đào Nha tăng lên trở thành gánh nặng cho hệ thống bảo trợ xã hội và làm giảm mức sống nói chung. Ngành bảo hiểm xã hội có nguy cơ không “gánh” được tất cả những người về hưu, còn lớp công dân đang làm việc thì đuối sức vì áp lực về thuế má và đủ các loại phí mỗi năm một cao.

Dân nhập cư đặc biệt có công trong việc cải thiện tình trạng dân số. Nếu không có họ thì dân số Bồ Đào Nha từ lâu đã đi theo đồ thị đi xuống. Trên thực tế từ năm 2002 đến 2007, quốc gia này tăng được 270.000 dân, trong đó 91% là nhờ những người từ nước khác đến. Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo rằng tỷ lệ sinh cao chỉ đặc thù ở thế hệ nhập cư đầu tiên. Con cháu họ sau khi đã hòa nhập thì về khía cạnh tâm lý chẳng khác chút nào so với người bản địa, có nghĩa là cũng “lười” sinh nở.
 
Bồ Đào Nha hiện nay có 420.000 người nước ngoài định cư hợp pháp và khoảng 50.000 - 75.000 sống bất hợp pháp. Các công ty địa phương không muốn hợp thức hóa số người nhập cư trái phép vì họ có lợi khi sử dụng nhân công rẻ mạt và dễ bảo. Các ông chủ muốn có nhiều lãi hơn còn chính phủ cũng tảng lờ vì ngại cản trở các doanh nghiệp.

Tại sao người nhập cư ra đi?

Nhân công nước ngoài đổ vào Bồ Đào Nha hiện đang giảm mạnh. Hơn nữa, những người đã nhập cư vào nước này lại ra đi ồ ạt. Dân gốc Brazil, Ukraine và Cape Verde - ba cộng đồng nhập cư lớn ở Bồ Đào Nha - “rủ nhau” hồi hương hay bỏ sang nước khác. Người Trung Quốc cũng lũ lượt ra đi.

Từ lâu các quầy tạp hóa và quán ăn rẻ tiền của người Hoa đã trở thành một phần không thể thiếu ở các thành phố tại Bồ Đào Nha. Nhưng năm ngoái không dưới 10.000 quầy hàng và quán ăn của người Hoa đã phải đóng cửa.

Người Ukraine cũng vậy. Họ từng ào ạt kéo đến Bồ Đào Nha khi nước này chuẩn bị cho triển lãm Expo ’98 và “đói” công nhân xây dựng. Chính phủ sau đó cũng lờ đi chuyện khá nhiều công nhân Ukraine trốn ở lại. Cách đây mấy năm, tổng số công nhân Ukraine và vợ con họ đã vượt quá 250.000 người, đông hơn dân nhập cư từ Cape Verde và ngang với dân Brazil. Nhưng bắt đầu từ năm 2005, số người nhập cư Ukraine giảm xuống. Năm 2007 chỉ còn dưới 40.000 người Ukraine ở Bồ Đào Nha. Chỉ một ít trong số đó về nước, còn phần lớn sang Cộng hòa Czech và Ba Lan.

Nguyên nhân chính để người nước ngoài đến Bồ Đào Nha rồi lại bỏ đi, theo tạp chí Tiếng vọng Hành tinh (Nga), là do vấn đề tiền công lao động. Một thập niên qua, mức lương ở nước này không thay đổi. Nếu hồi cuối thế kỷ 20, nó là sức hút thì bây giờ, đây lại là yếu tố khiến người nhập cư ra đi.

Tình hình kinh tế ở Bồ Đào Nha tồi đi trong khi tại quê nhà của những người nhập cư, mọi việc đang được cải thiện. Nếu người Ukraine nhập cư được làm việc theo đúng chuyên ngành thì có lẽ họ đã gắn bó hơn với quê hương mới. Nhưng đa số người nhập cư từ Đông Âu không với tới điều này.

Hàng rào ngôn ngữ, tệ quan liêu giấy tờ và những khoản lệ phí cao đã cản trở việc công nhận bằng cấp. Điều này khiến cho nhiều nam kỹ sư từ Đông Âu phải làm thợ phụ ở công trường xây dựng còn phụ nữ có bằng đại học phải làm nghề quét dọn hay giúp việc gia đình. Những công việc này chỉ đem lại mức lương 500 euro/tháng hoặc thấp hơn nên họ phải thuê phòng ngủ trong nhà kho và sống cực kỳ tằn tiện.

Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp người nhập cư đến văn phòng Tổ chức Di trú quốc tế ở Bồ Đào Nha để xin hỗ trợ tiền vé hồi hương. Năm 2008, có 371 người Ukraine đã làm như vậy. Không chỉ dân nhập cư mà chính người Bồ Đào Nha “xịn” cũng bỏ nước mà đi. Hiện tại có 5 triệu người Bồ Đào Nha định cư ở nước ngoài. Như vậy là cứ 3 người dân nước này thì có một sống ở hải ngoại.

Công bằng mà nói, hiện vẫn có những nhóm người mơ tưởng được đến Bồ Đào Nha. Đó là các công dân Romania, Moldova, Trung Á và một số nước châu Phi trước kia là thuộc địa của Bồ Đào Nha. Họ sẵn sàng sống bất hợp pháp ở đây, chấp nhận làm việc khổ cực tại các nông trại với tiền công rẻ mạt./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục