Người phụ nữ miền Nam vinh dự được gặp Bác Hồ

Bà Nguyễn Thị Loan, năm nay đã 82 tuổi, từng hoạt động bí mật tại Ban Tuyên huấn Cục Miền Nam đã có vinh dự được gặp Bác Hồ.
Bà Nguyễn Thị Loan, nay đã 82 tuổi, từng hoạt động bí mật tại Ban Tuyên huấn Cục Miền Nam, từng là một thành viên trong “Đại gia đình bình phong” giúp ông Lê Duẩn hoàn thành “Bản Đề cương Cách mạng Miền Nam” năm 1956 ngay giữa lòng Sài Gòn.

Năm 1960 bà Loan được ra công tác tại miền Bắc và đã có vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam lần thứ 3. Bà đã kể cho chúng tôi nghe về buổi gặp mặt ấy.

Tháng 3/1961 tôi là đại biểu Đoàn của tỉnh Hà Đông tham dự Đại hội Đoàn Toàn quốc lần thứ 3 và được ngồi trên Chủ tịch đoàn. Ngày 24/3, trong lúc Đại hội đang họp, bỗng có tiếng reo to: ”Bác Hồ đến!”

Bác Hồ bước vào trong tiếng vỗ tay vang dội, tiếng hò reo không dứt “Bác Hồ, Bác Hồ” của mọi người. Bác mặc bộ đồ kaki giản dị, râu tóc bạc trắng, nhìn Bác đẹp như một Ông Tiên. Bác giơ tay ra hiệu cho mọi người trật tự và hỏi vui: ”Sao hôm nay các cô chú ăn mặc đẹp vậy?”

Rồi Bác nói: “Bây giờ nghe Bác nói đây” và Bác lấy một bài viết sẵn ra đọc chậm rãi. Các đại biểu lắng tai nghe. Bỗng nhiên Bác ngừng đọc, buông bản viết xuống. Mọi người đang ngơ ngác, thì Bác cầm bản viết giơ lên cao và nói: “Cái này không phải của Bác. Bài này người ta viết sẵn để Bác đọc trước Đại hội, nên Bác không đọc nữa.” Cả hội trường cười vang. Bác nói: “Để Bác nói chuyện với Đại hội.”

Bác dạy thanh niên phải cố gắng học, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có học thức, có văn hóa, chính trị, kỹ thuật. Học phải đi đôi với hành… Rồi Bác bắt đầu nói về miền Nam với tất cả tấm lòng và trái tim.

Bác kể bọn giặc tàn ác như thế nào và đồng bào đang hy sinh gian khổ và chiến đấu anh dũng ra sao. Giọng Bác ấm áp, đôi lúc Bác ngừng lại đầy xúc động. Cả hội trường im phăng phắc lắng nghe từng lời của Bác. Và Bác kết thúc bằng lời kêu gọi: “Miền Nam gian nan khổ cực, hy sinh như thế, Bác kêu gọi thanh niên miền Bắc phải làm việc bằng hai bằng ba vì đồng bào miền Nam ruột thịt."

Cả hội trường trỗi dậy vỗ tay hướng ứng lời kêu gọi của Bác và cùng hát vang ”Nào thanh niên ta cùng nhau xông pha lên Đàng…” Bác Hồ đứng đánh nhịp và cùng hát.

Bác Hồ chuẩn bị ra về. Lúc bấy giờ không hiểu có một sức mạnh nhân điện nào đẩy tôi lao nhanh về phía Bác, ôm lấy Bác và xúc động nghẹn ngào nói: “Thưa Bác, con ở miền Nam ra. Bác ơi, miền Nam mong Bác lắm, mong có ngày được đón Bác vào thăm."

Lúc bấy giờ xúc động quá, tôi chỉ nói được chừng ấy và òa lên khóc. Bác nhẹ nhàng vỗ vai tôi và nói: Thôi, cháu đừng khóc nữa. Bác sẽ vào, Bác sẽ vào miền Nam.” Cả hội trường đứng dậy xúc động vỗ tay. Rồi chúng tôi lưu luyến tiễn Bác ra về.

Bây giờ nhớ lại phút giây ấy, tôi vẫn rất xúc động, vẫn cảm thấy như đang nghe lời Bác bên tai. Hôm ấy tôi cũng không biết mình được lưu lại cùng Bác trong một tấm hình. Khi được trao tặng tấm hình ấy tôi đã rất bất ngờ và xúc động. Đây là kỷ niệm vô giá của Bác đối với tôi.

Một ngày đầu tháng 9/1969, tôi vừa dự Festival Thanh niên Quốc tế ở Cộng hòa Dân chủ Đức trở về, tại Mátxcơva tôi nghe tin Bác mất. Lúc đó cũng như bao người Việt Nam tôi xúc động òa khóc và nghĩ: “Bác ơi, thế là Bác đã ra đi mà chưa kịp thực hiện lời hứa vào thăm đồng bào miền Nam.”

Hôm ấy khi tôi đang đi trên tầu điện ngầm, có mấy phụ nữ Nga đến hỏi tôi có phải người Việt Nam không và chia sẻ cùng chúng tôi sự mất mát lớn lao ấy của nhân dân Việt Nam. Sau này tôi được biết khi đã trở bệnh, có lần Bác đã yêu cầu cho Bác được vào thăm miền Nam, nhưng không được chấp nhận.

Năm 1975, trong ngày trở lại Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, tôi cũng như bao người con miền Nam từng sống và hoạt động tại thành phố này rất đỗi tự hào khi Sài Gòn được mang tên Bác Hồ Chí Minh kính yêu./.

Minh Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục