Người tiền sử nắm kỹ thuật bắt cá ở vùng biển sâu

Một phát hiện cho thấy người tiền sử sinh sống cách đây hơn 40.000 năm đã biết làm chủ các kỹ năng để đánh bắt các cá ở vùng biển sâu.
Một phát hiện về khảo cổ học cho thấy người tiền sử sinh sống vào thời điểm cách đây hơn 40.000 năm đã biết làm chủ các kỹ năng cần thiết để đánh bắt các loại cá bơi với tốc độ nhanh ở các vùng biển sâu.

Phó giáo sư Sue O'Connor, thuộc trường Đại học Quốc gia Australia (ANU), đã đào được xương của hơn 2.800 con cá trong hang Jerimalai nằm ở cực Đông của Timor Leste. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số con được đánh bắt khoảng 42.000 năm trước đây.

Bà O'Connor nhấn mạnh phát hiện trên cho thấy những người sống trong khu vực này đã có các kỹ năng phức tạp dựa vào kinh nghiệm để bắt cá ở biển sâu, một công việc đầy khó khăn.

Giáo sư O'Connor nói: "Những gì mà di chỉ khảo cổ này cho chúng ta thấy là người hiện đại ở thời kỳ đầu sống trên đảo ở khu vực Đông Nam Á đã có các kỹ năng đi biển tiên tiến một cách đáng kinh ngạc. Họ là chuyên gia đánh bắt các loại cá, mà thậm chí đến tận ngày nay việc đánh bắt chúng vẫn được coi là thách thức, chẳng hạn như cá ngừ."

Hiện chưa biết chính xác kỹ thuật mà những người sống vào thời điểm đó tại khu vực này sử dụng để bắt cá, nhưng chắc chắn rằng họ đã sử dụng kỹ thuật phức tạp và tàu biển để đánh cá ngoài khơi.

Jerimalai là một hang động nhỏ nằm ẩn giấu sau tán lá rậm rạp, chỉ cách bờ biển vài trăm mét. Giáo sư O'Connor nói: "Khi tôi phát hiện hang này vào năm 2005, tôi không nghĩ rằng Jerimalai lại cho chúng ta biết về những người từng sinh sống từ rất sớm ở Timor Leste. Tôi đã rất ngạc nhiên khi phát hiện xương cá và xương rùa tại đây."

Cho đến nay, bà O'Connnor và các đồng nghiệp chỉ mới đào thử hai hố nhỏ, nhưng chỉ trong một hố rộng 1 mét vuông và sâu 2m, họ đã tìm thấy 39.000 xương cá cùng với một số đồ chế tác, xương động vật, vỏ sò xâu thành chuỗi và lưỡi câu.

Đáng chú ý là các nhà khoa học cũng khai quật được một mẩu lưỡi câu nhỏ làm từ vỏ sò, có niên đại khoảng 16.000-23.000 năm trước. Đây là bằng chứng về lưỡi câu lâu đời nhất được phát hiện từ trước tới nay và các nhà khoa học hy vọng việc mở rộng khai quật có thể phát lộ thêm nhiều lưỡi câu tại di chỉ này./.

Đoàn Hùng/Sydney (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục