Người tiêu dùng: Cần chủ động tự bảo vệ quyền lợi

Thời gian gần đây, dư luận ồn ào vì những thông tin liên tiếp về những sản phẩm tiêu dùng không đảm bảo chất lượng. Phía doanh nghiệp thì luôn khẳng định lỗi nằm ở khâu vận chuyển, bảo quản… Còn người tiêu dùng lại đang phải ngậm đắng nuốt cay với mặc cảm mình luôn ở thế yếu.

Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, mỗi người tiêu dùng phải là một giám sát viên tích cực trong phát hiện những sản phẩm lỗi và chủ động phối hợp với doanh nghiệp, các cơ quan quản lý để được bảo vệ quyền lợi.

Thời gian gần đây, dư luận ồn ào vì những thông tin liên tiếp về những sản phẩm tiêu dùng không đảm bảo chất lượng. Phía doanh nghiệp thì luôn khẳng định lỗi nằm ở khâu vận chuyển, bảo quản… Còn người tiêu dùng lại đang phải ngậm đắng nuốt cay với mặc cảm mình luôn ở thế yếu.

Bàn về mối quan hệ này, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Thanh Phong khẳng định: “Mỗi người tiêu dùng phải là một giám sát viên tích cực trong việc phát hiện những sản phẩm lỗi.”

- Thời gian qua báo chí đưa tin về những sản phẩm bị lỗi như sữa phồng, bia có dị vật,… hay mới nhất là vụ hai hộp sữa Hanoimilk có biểu hiện vón cục, căng phồng. Ông nghĩ sao về việc này?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Về vấn đề này trước tiên chúng tôi phải xác định nguyên nhân nào dẫn đến việc một số sản phẩm bị lỗi (do vận chuyển, do bảo quản hay thậm chí do phá hoại trong các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh) và xét tỷ lệ lỗi là bao nhiêu.

Ví dụ hàng triệu sản phẩm mà chỉ xuất hiện một vài sản phẩm bị lỗi chất lượng không đảm bảo, số còn lại bình thường thì lỗi có thể phát sinh trong quá trình vận chuyển, bảo quản dẫn đến tình trạng trên. Đặc biệt là sữa, nước, bia, rượu… và các sản phẩm được bao gói trong túi, hộp bằng chất liệu giấy, nhựa thì nguy cơ các sản phẩm không chịu được áp lực khi vận chuyển và dẫn đến tình trạng căng phồng, méo mó… thậm chí bục, rách dẫn đến hư hỏng sản phẩm là điều khó tránh khỏi.

Khi phát hiện các sản phẩm có hiện tượng lạ như trên, người tiêu dùng nên dừng ngay việc sử dụng sản phẩm và phối hợp với các công ty, cơ quan quản lý để được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Người tiêu dùng cũng chính là những giám sát viên tích cực nhất trong việc phát hiện ra những lỗi sản phẩm đó.

- Theo ông nếu sử dụng những sản phẩm kém chất lượng như vậy có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và lòng tin của người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Trước hết phải khẳng định đó là những sản phẩm bị lỗi do quá trình vận chuyển, bảo quản, chiếm một số lượng cực nhỏ trong hàng triệu sản phẩm. Do đó khi phát hiện những sản phẩm lỗi nói trên người tiêu dùng cần thông báo ngay với công ty để được đổi lại sản phẩm hoặc phối hợp cùng công ty để khắc phục những sự cố không mong muốn đó và không sử dụng những sản phẩm như vậy.

Việc bảo đảm chất lượng, uy tín hay thương hiệu của sản phẩm là trách nhiệm của doanh nghiệp. Nếu sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn đến mất lòng tin của người tiêu dùng và có thể dẫn đến nguy cơ phá sản đối với các doanh nghiệp.

Cơ quan quản lý, các doang nghiệp và người tiêu dùng cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đảm bảo cho nhân dân được sử dụng những sản phẩm thực phẩm có chất lượng.

- Xin ông cho biết, trách nhiệm của những doanh nghiệp trong những trường hợp này như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đảm bảo tất cả các quy trình sản xuất cũng như lưu thông phân phối đều phải đạt chất lượng. Sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng phải được đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong trường hợp phát hiện các sản phẩm có trong quá trình vận chuyển, lưu thông sản phẩm doanh nghiệp phải tự kiểm tra, thu hồi và khắc phục sự cố.

Đồng thời các nhà sản xuất, nhà kinh doanh phải có các giải pháp cải thiện quá trình vận chuyển các sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm là thực phẩm nói riêng để hạn chế đến mức tối đa các lỗi sản phẩm tương tự như trên.

- Trong thời gian tới, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ làm gì để hạn chế tình trạng trên?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Các doanh nghiệp có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm… Việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật và tạo được uy tín đối với người tiêu dùng là cơ sở phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Chúng tôi xin nhắc lại, từng trường hợp cụ thể do nguyên nhân nào dẫn đến lỗi sản phẩm sẽ có các hình thức xử lý phù hợp.

- Xin trân trọng cám ơn ông./.

Lưu Thành (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục