Nơm nớp nỗi lo

Người trồng càphê Tây Nguyên: Nơm nớp nỗi lo

Sản lượng sụt giảm, giá thu mua càphê "lao dốc" trong khi nạn trộm cắp hoành hành khiến người trồng càphê ở Tây Nguyên lao đao.
Trong đợt thu hái càphê này, sản lượng sụt giảm, giá thu mua càphê "lao dốc" trong khi nạn trộm cắp hoành hành khiến hàng chục nghìn hộ dân trồng càphê ở các tỉnh Tây Nguyên lao đao.

Mất mùa, mất giá

Hiện tại cả nước hiện có trên 500.000ha càphê, trong đó khu vực Tây Nguyên chiếm 92,79% diện tích. Theo khảo sát của Tổng Công ty Càphê Việt Nam, gần 25% diện tích vườn cây ở Tây Nguyên được trồng từ thập kỷ 80 đến 90 của thế kỷ trước, nghĩa là những vườn này đều đã "cao tuổi".

Bên cạnh đó, liên tiếp nhiều năm trở lại đây, thời tiết không thuận lợi đã khiến nhiều vườn càphê bị vùi trong bùn đất do bão lũ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất vườn cây.

Việc trồng càphê không có cây che nắng, chắn gió, lại không có chế độ bón phân, tưới nước hợp lý đã khiến cho vườn cà phê kém năng suất.

Ở niên vụ này, khi càphê đang mùa ra quả thì cơn bão số 9 vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua đã làm rụng quả nhiều.

“Mặc dù niên vụ càphê năm nay chưa kết thúc nhưng chắc chắn sản lượng càphê sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Theo ước tính của công ty chúng tôi, sản lượng sụt giảm không dưới 10%”, ông Võ Ngọc Hiếu - Giám đốc Công ty cà phê Gia Lai khẳng định.

Trong khi đó, giá thu mua càphê trên thị trường tự do cũng "lao dốc". Theo ông Hiếu, giá càphê nhân xuất khẩu đã giảm khoảng 400 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước, từ trên 1.800 USD/tấn xuống còn dưới 1.400 USD/tấn và xu hướng giảm vẫn chưa dừng lại. Điều này sẽ kéo theo sự sụt giảm giá thu mua càphê trong nước.

Thực trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người trồng càphê ở Tây Nguyên khi giá cả hàng hóa, phân bón... đều leo thang.

Mất trộm, "khát" công nhân

Những ngày này, nhu cầu tuyển lao động cho thu hái càphê đang tăng cao ở các tỉnh Tây Nguyên. Mặc dù giá nhân công thu hái đã được đẩy lên tới 100.000 đồng/người/ngày, chưa kể ăn, ở (trong khi niên vụ trước khoảng 70.000 đồng/người/ngày) nhưng hiện ở đây vẫn thiếu lao động.

Tại phường Yên Thế, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, việc thiếu lao động từ đầu vụ đã khiến hàng trăm hộ dân nơi đây lao đao. Hàng năm, lực lượng công nhân - thường là các lao động nhàn rỗi đến từ các tỉnh miền Trung - cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu. Thế nhưng năm nay mọi người bỏ về quê chống chọi với bão lũ, dựng lại nhà cửa và chỉ một số ít người quay lại làm việc.

Khi cơn “khát” nhân công chưa lo xong thì “bão” trộm cắp lại tới. Thời điểm càphê bắt đầu chín cũng là lúc người trồng càphê kéo nhau ra rẫy ở để... canh trộm.

“Đã 2 tháng nay tôi cũng chẳng về nhà ngủ. Ban ngày hái, đêm lại tranh thủ ở rẫy để canh. Tôi cùng 2-3 đứa cháu canh mỗi đêm mà vườn nhà tôi cũng bị trộm tuốt mất mấy chục cây. Không những vậy, trộm còn bẻ gãy hết cành, hư hết cây", anh Nguyễn Huy Hoàng, một người trồng càphê ở phường Trà Bá, thành phố Pleiku cho biết.

Cũng vì sợ mất trộm nên anh Hoàng và nhiều hộ trồng càphê ở đây đã hái cả quả xanh với quan niệm "xanh nhà còn hơn già đồng". Tuy nhiên, cũng chính cách thu hoạch này đã ảnh hưởng nhiều đến sản lượng, chất lượng càphê.

Theo các nhà chuyên môn, việc thu hái quả xanh sẽ làm giảm 20-30% sản lượng so với thu hái quả chín và chất lượng hạt nhân loại 1 cũng giảm đáng kể./.

Cao Nguyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục