Người trồng chưa “mặn mà" với nguồn vốn tái canh càphê

Đắk Lắk có diện tích càphê vối nhiều nhất nước nhưng cũng là địa phương có diện tích càphê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, sâu bệnh... nhiều nhất.
Người trồng chưa “mặn mà" với nguồn vốn tái canh càphê ảnh 1Thu hoạch càphê. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Đắk Lắk có diện tích càphê vối nhiều nhất nước nhưng cũng là địa phương có diện tích càphê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, sâu bệnh... nhiều nhất.

Mặc dù vậy, các hộ sản xuất càphê ở Đắk Lắk lại chưa “mặn mà” với nguồn vốn tín dụng vay để tái canh càphê nên việc tái canh càphê vẫn còn chậm so với kế hoạch.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích càphê trên 202.500ha, trong đó có trên 190.000ha càphê kinh doanh cho thu hoạch với sản lượng khoảng 430.000 tấn càphê nhân/niên vụ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá, diện tích càphê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, sâu bệnh, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém cần tái canh từ nay đến năm 2020 tăng lên khá cao, trên 30.442ha nên nhu cầu vốn đầu tư cũng khá lớn

Theo đánh giá của các đơn vị chức năng, mức đầu tư tái canh đã tăng lên từ 100-150 triệu đồng/ha; trong khi đó, quy định Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ tham gia tối đa 80%, phần còn lại là vốn tự có của các hộ vì vậy dẫn đến việc các hộ thiếu vốn tái canh càphê. Bên cạnh đó, việc tái canh phải 3 đến 4 năm sau mới cho thu hoạch nên đời sống các nông hộ bị ảnh hưởng, dẫn đến việc đắn đo, cân nhắc trong tái canh.

Mặt khác, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất càphê ở Đắk Lắk cho rằng, mức lãi suất 9%/năm như hiện nay vẫn còn cao, thời gian hoàn vốn chỉ trong 7 năm là quá ngắn.

Ông Lê Thung, thôn 2, xã vùng sâu Ea Kpam (huyện Cư M’gar) có 2ha càphê đã hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém nhưng vẫn không dám vay vốn ngân hàng để đầu tư tái canh càphê.

Ông Thung cho rằng, khi thực hiện tái canh theo đúng quy trình kỹ thuật, sau 3 đến 4 năm mới cho thu hoạch mà trong thời gian chưa cho thu hoạch vẫn phải trả lãi cho ngân hàng, trong khi không biết giá càphê có ổn định trong tương lai hay không.

Ngoài ra, các nông hộ sản xuất càphê cũng khó tiếp cận với nguồn vốn vì phần lớn diện tích càphê cần tái canh lại không nằm trong vùng quy hoạch, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Từ những thực tế này cho thấy, sau hơn 1 năm triển khai gói tín dụng tái canh càphê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mới chỉ mới thu hút được 269 khách hàng tham gia vay gần 110 tỷ đồng để đầu tư tái canh, ghép cải tạo cho trên 730ha càphê. Trong đó, các nông hộ vay trên 47,3 tỷ đồng còn lại là 6 doanh nghiệp vay trên 62,53 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, từ năm 2013 đến năm 2016, tỉnh Đắk Lắk tái canh 25.625ha càphê, với tổng nhu cầu vốn gần 4.650 tỷ đồng; trong đó, vốn tự có của khách hàng gần 1.650 tỷ đồng (chiếm 35,43%) vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham gia là 3.000 tỷ đồng (chiếm 64,57%)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục