Người Việt chung tay khắc phục thảm họa ở Nhật

Một số tu nghiệp sinh và sinh viên Việt Nam bám trụ ở Nhật Bản để giúp đỡ người dân “đất nước Mặt Trời mọc” khắc phục thảm họa.
Sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản, nhiều người nước ngoài, trong đó có cả người Việt Nam, đã tìm mọi cách để rời Nhật Bản hoặc di chuyển tới các khu vực khác an toàn hơn để lánh nạn.

Mặc dù vậy, vẫn có một số tu nghiệp sinh và sinh viên Việt Nam quyết tâm bám trụ ở đây để giúp đỡ người dân “đất nước Mặt Trời mọc” khắc phục thảm họa và tái thiết đất nước.

Giúp ông chủ khôi phục nhà máy

Lá thư của 14 tu nghiệp sinh của Việt Nam ở tỉnh Fukushima, phía Đông Bắc Nhật Bản, trong đó có 8 công nhân đang làm việc tại nhà máy may Daiei Hosei và 6 công nhân khác làm việc tại nhà máy may Kanyon, có đoạn: “Chúng em là những thực tập sinh đang làm việc tại tỉnh Fukushima. Khi động đất và sóng thần xảy ra, nhà cửa và công ty chỗ chúng em đang làm đều hư hại nặng. Trong hoàn cảnh hỗn loạn đó, công ty đã đưa chúng em đi lánh nạn hết nơi này đến nơi khác… Hiện nay, tất cả chúng em đều an toàn, khỏe mạnh và được công ty bố trí chỗ ở nên tinh thần của chúng em đã ổn định. Sự động viên tinh thần cũng như sự giúp đỡ của công ty trong thời gian qua đã khiến chúng em vô cùng cảm động.”

Trong lá thư trên, các tu nghiệp sinh Việt Nam cũng khẳng định: “Chúng em thấy rằng trong lúc khó khăn như thế này, cần phải chung sức nỗ lực làm việc giúp đỡ công ty gây dựng lại, cùng đất nước Nhật Bản vượt qua khó khăn, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam và Nhật Bản nên chúng em đã quyết định tiếp tục ở lại làm việc.”

Nhà máy may Daiei Hosei nằm ở thị trấn Odaka, thuộc tỉnh Fukushima, và chỉ cách Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 khoảng 20km; cách khu vực bị sóng thần càn quét khoảng 5 phút đi xe đạp. Nhà máy máy may Kanyon có trụ sở ở quận Fubata, tỉnh Fukushima, nơi có Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đang gặp sự cố của Công ty Điện lực Tokyo. Cả hai nhà máy trên đều thuộc cùng một chủ sở hữu và đều bị tàn phá nặng nề sau trận động đất có cường độ lên tới 9 độ Richter vào ngày 11/3.

Trong bối cảnh nhà máy bị tàn phá và những thông tin dồn dập về các sự cố ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, các tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc tại đây đã rất hoang mang. Họ liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, nghiệp đoàn và công ty phái cử là Công ty dịch vụ xuất khẩu Lao động và Chuyên gia (SULECO) để yêu cầu hỗ trợ về nước.

Tuy nhiên, ngày 17/3, giám đốc nhà máy Daiei Hosei đã tới gặp các tu nghiệp sinh Việt Nam. Bạn Nguyễn Thị Ngọc Lan, quê ở Huế và hiện đang làm cho công ty Daiei Hosei, cho biết khi gặp họ, vị giám đốc vẫn còn rất trẻ tuổi này vừa khóc, vừa nói: "Nếu các bạn muốn về nước, tôi sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ các bạn thực hiện mong muốn đó. Tuy nhiên, tôi đã quyết tâm gây dựng lại công ty từ đống đổ nát hiện nay. Nếu các bạn về nước hết, tôi biết dựa vào ai?”

Cảm động trước những tình cảm chân thành của ông chủ, 14 tu nghiệp sinh Việt Nam đã quyết định ở lại để giúp khôi phục lại công ty. Chỉ có 3 tu nghiệp sinh khác đành phải về nước vì vướng bận việc gia đình.

Lan kể: “Sau trận động đất, nhà máy bị sập. Chúng em cùng gia đình ông chủ đã di chuyển tới nhiều nơi để lánh nạn. Mẹ của ông chủ thương chúng em như con, trong khi ông chủ thì nhường chỗ ngủ cho tụi em và lo lắng cho chúng em từ bữa ăn cho đến giấc ngủ. Vì vậy, chúng em thật sự cảm động nên quyết định ở lại để giúp ông chủ khôi phục nhà máy.”

Trong lá thư gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, tu nghiệp sinh Nguyễn Thị Ngọc Lê, quê ở tỉnh Tây Ninh, cũng là nhân viên của công ty Daiei Hosei, viết: “Cả nhà đừng lo cho con. Bây giờ con không thể nào về được vì công ty con đang gặp khó khăn nên con phải ở lại để giúp công ty vượt qua khó khăn.”

Khi trò chuyện với tôi qua điện thoại, Lê nghẹn ngào nói: “Chúng em thật sự xúc động trước sự giúp đỡ chân thành và đầy cảm động của vị giám đốc mới 31 tuổi này. Mặc dù rất lo lắng về nguy cơ rò rỉ phóng xạ nhưng chúng em không nỡ “dứt áo ra đi.”

Trong mẩu tin nhắn gửi mẹ, một tu nghiệp sinh khác viết: “Mẹ ơi đừng lo cho con nữa. Con không sao đâu. Con sẽ cố gắng giúp mẹ lo cho nhà mình. Và con cũng muốn ở lại giúp ông chủ. Trong thời gian tụi con gặp nguy hiểm, ông chủ đã đối xử rất tốt, quan tâm và lo lắng cho tụi con rất nhiều”.

Tu nghiệp sinh Trần Thị Thu Thủy, hiện đang làm việc cho công ty Kanyon, viết: “Lần đầu tiên tôi gặp hoàn cảnh như vậy. Rất là sợ nhưng mà cũng vượt qua được rồi. Đúng ra là tôi quyết định về Việt Nam. Nhưng ông giám đốc của tôi rất là tốt, lo từng miếng ăn, chỗ ở, nên tôi quyết định không phụ lòng ông chủ tôi.”

Chung tay tái thiết Nhật Bản

Cùng với các tu nghiệp sinh, nhiều sinh viên Việt Nam vẫn đang bám trụ ở vùng Tohoku để giúp người dân nơi đây khắc phục thảm họa.

Một thành viên nhóm công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản được cử tới thành phố Morioka, tỉnh Iwate, hôm 15/3 để hỗ trợ sơ tán người Việt ra khỏi các khu vực nguy hiểm, cho biết: “Trước khi lên đường, chúng tôi nhận được thông tin ở Morioka, có hơn 60 người đăng ký di chuyển về Tokyo. Khi đến nơi, nhiều em đã thay đổi ý định và quyết tâm ở lại. Một số em khác được các thầy, cô giáo trong trường tiễn ra tận xe ôtô nhưng đã thay đổi ý định cho dù đã ngồi trên xe bởi vì, họ thực sự xúc động trước tình cảm của các thầy, cô giáo và muốn ở lại để giúp tái thiết Nhật Bản.”

Bạn Hoàng Thị Giang, quê ở Thanh Hóa, hiện đang học tiếng Nhật ở Morioka, là một trong những sinh viên Việt Nam quyết tâm bám trụ ở vùng Tohoku.

Giang tâm sự: "Các sự cố liên tiếp ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 khiến em và bạn bè đều lo lắng. Tuy nhiên, em vẫn quyết tâm ở lại để tiếp tục học và chung tay tái thiết đất nước Nhật Bản.”./.

Thanh Tùng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục