Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc của Việt Nam

Bộ Y tế vừa phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam,” nhằm thay đổi thói quen, xây dựng văn hóa dùng thuốc của người Việt Nam.

Cuộc vận động này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy việc tăng cường sản xuất các loại thuốc có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh trong cả nước.
Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” Bộ Y tế đã phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam,” nhằm thay đổi thói quen, xây dựng văn hóa dùng thuốc của người Việt Nam.

Cuộc vận động này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy việc tăng cường sản xuất các loại thuốc có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh trong cả nước.

Tại diễn đàn "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" do Bộ Y tế tổ chức ngày 20/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Bộ Y tế coi cuộc vận động này là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ cho ngành dược Việt Nam phát triển bền vững, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân một cách ổn định và không lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài.

Trong những năm qua, ngành dược đã có những cố gắng lớn, sản xuất trong nước đã đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Các nhà máy dược phẩm đã được đầu tư dây chuyền hiện đại, sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vắcxin - sinh phẩm và những dạng bào chế công nghệ cao. Hơn thế, chất lượng thuốc ngày càng nâng cao trong khi giá thuốc rẻ hơn hẳn so với thuốc ngoại nhập cùng loại.

Bộ Y tế khẳng định rằng khi tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước cung ứng và bệnh viện tăng lên sẽ đồng nghĩa với việc giảm số tiền mua thuốc nói riêng và giảm cả tổng chi phí cho ca điều trị nói chung. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong điều kiện nước ta còn nghèo, thu nhập người dân còn thấp.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là làm thế nào để thay đổi tâm lý “sính” thuốc ngoại đã “ăn sâu bám rễ” vào tư tưởng của nhiều người dân. Vấn đề đặt ra là vì sao các doanh nghiệp dược Việt Nam đã và đang đổi mới công nghệ kỹ thuật hiện đại, sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt tương đương thuốc ngoại, giá cả hợp lý, nhưng tỷ lệ tiền thuốc trong nước được sử dụng tại các cơ sở điều trị lại rất thấp.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc của các doanh nghiệp tăng trưởng qua từng năm, chất lượng thuốc trong nước đảm bảo, tương đương với thuốc ngoại nhập, giá cả phù hợp... Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thuốc Việt còn thấp, chỉ dưới 50% và có chiều hướng giảm trong những năm gần đây.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" sẽ là cơ hội chấn chỉnh lại công tác cung ứng thuốc, kê đơn thuốc trong các bệnh viện. Hiện có hơn 70% dân số Việt Nam ở khu vực nông thôn vẫn đang hết sức khó khăn, chỉ cần có đủ thuốc để chữa khỏi bệnh chứ không nhất thiết dùng thuốc nhập ngoại đắt tiền. Các bệnh viện đang dùng tiền bảo hiểm, dùng tiền viện phí do nhân dân đóng góp để mua thuốc nên lựa chọn thuốc sản xuất trong nước có giá rẻ hơn những loại thuốc nhập ngoại tương đương.

Để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nói chung và chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" nói riêng đi vào cuộc sống và thuốc sản xuất trong nước cũng như các dịch vụ y tế trong nước chiếm được lòng tin của người dân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải đề xuất ba nhóm giải pháp yêu cầu các bộ, ban ngành, các địa phương cùng các cơ quan thông tấn báo chí, hiệp hội ngành hàng y dược cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để toàn thể thầy thuốc, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ngành dược Việt Nam hưởng ứng cuộc vận động, vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, đảm bảo an ninh y tế và an sinh xã hội.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm tăng cường quản lý chất lượng thuốc, nhất là các chính sách hỗ trợ cho sản xuất, phâ phối thuốc sản xuất trong nước trên nguyên tắc không vi phạm cam kết WTO.

Mặt khác, bên cạnh việc tăng cường đầu tư, nghiên cứu áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp mở rộng phát triển mạng lưới phân phối; chủ động tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm quảng bá sản phẩm thuốc của mình; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về chất lượng, giá thành sản phẩm và thông tin tư vấn hỗ trợ đến người tiêu dùng.

Thị trường dược phẩm Việt Nam với gần 90 triệu người dân, một thị trường đầy tiềm năng, nếu không được kịp thời đánh giá thuận lợi - khó khăn và sớm đề ra những giải pháp phù hợp thì chắc chắn các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh, giảm dần thị phần ngay trên sân nhà. Đánh mất thị phần của mình, cũng có nghĩa là thuốc sản xuất trong nước nhường bớt thêm thị phần cho thuốc nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo đó, việc quản lý chất lượng thuốc, quản lý giá thuốc để đảm bảo quyền lợi của người bệnh cũng trở nên khó khăn hơn. Với ý nghĩa đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” còn nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường của mỗi người dân Việt./.

Đỗ Huyền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục