Thụy Sĩ có khoảng 7.000 Việt kiều. Dù đã hòa nhập với cộng đồng sở tại, nhưng dịp Tết nào những người Việt Nam ở đây cũng có nhiều hoạt động làm ấm áp thêm tình quê hương, vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà da diết của những người con xa xứ luôn hướng về đất mẹ thân yêu.
Chị Đặng Thị Sơn Tuyết, 56 tuổi, sống cùng gia đình ở Geneva. Quê chị ở Hải Phòng, xa quê hương đã 25 năm. Dù rất bận, nhưng năm nào chị cũng gói bánh chưng vào dịp Tết. Mấy đứa cháu nhà chị rất thích. Chị bảo làm vậy để giữ phong tục quê hương cho con cháu biết. Bánh chưng của chị được dùng cho gia đình trong mấy ngày Tết, làm quà biếu tặng, còn lại phục vụ bà con Việt kiều không có điều kiện gói.
Chị Tuyết kể chị mua các thứ để làm bánh chưng ở cửa hàng thực phẩm châu Á gần nhà. Bánh chưng của chị được gói bằng lá chuối cũng rất đẹp. Phải chọn lá lành, to bản, rửa sạch để ráo hoặc lau cho khô.
Chị bảo 1kg lá chuối ở Geneva đắt hơn một kilôgam thịt lợn làm nhân bánh. Gạo làm bánh chưng là gạo Thái Lan dẻo nhưng không thơm như nếp cái hoa vàng của Việt Nam. Chị chọn loại đỗ xanh vàng lòng, đồ chín, giã nhuyễn, nắm lại thành từng nắm to bằng nắm tay để nạo vào nhân bánh. Thịt ba chỉ làm nhân rất ngon, vì lượng mỡ ngấm vào bánh vừa phải nên đỡ ngấy. Chị luộc bánh chưng bằng nồi điện, rất tiện và sạch sẽ. Ngoài bánh chưng, chị còn gói giò lụa và thổi một nồi xôi gấc đỏ tươi cho mâm cỗ ngày Tết của gia đình.
Chị nghẹn ngào khi được hỏi cảm xúc của mình về Tết quê hương. Đã 25 năm qua chị chưa có dịp về thăm quê, một phần vì công việc và một phần vì con cháu còn đi học. Chị bảo dù có đủ thứ cho Tết, nhưng cái hương vị quê hương thì chẳng bao giờ chị có được ở nơi xứ người.
Chị Huỳnh Thu Hằng, 32 tuổi, chủ nhân của cửa hàng thực phẩm châu Á ở đường Monthoux 52, 1201 Geneva, cho biết chị luôn bận rộn trong dịp giáp Tết vì cửa hàng chị đông khách hơn ngày thường. Có khoảng 100 người mỗi ngày vào mua hàng của chị dịp giáp Tết, chủ yếu là người Việt Nam và người châu Á. Nhưng năm nay số lượng người mua giảm đi so với năm ngoái do giá cả mọi thứ đắt đỏ hơn.
Khách hàng của chị mua đủ thứ từ bánh chưng, bánh tét, mứt, hương trầm, cho đến chai tương ớt, củ tỏi, củ hành, rau húng. Rất nhiều khách hàng mua bánh chưng, bánh tét làm quà cho bạn bè dịp Tết.
Anh Francois Subiger, khách hàng người Thụy Sĩ có vợ là người Việt Nam, nói rằng anh rất thích ăn bánh chưng của Việt Nam và rất mong Tết đến để được cùng vợ nấu các món ăn Việt Nam mà anh ưa thích.
Chị Hằng cho biết chị thường nhập hàng Việt Nam vào sáng thứ Hai hàng tuần. Chị cũng đặt mua bất cứ thứ gì khách hàng yêu cầu với mong muốn phục vụ chu đáo những người Việt Nam xa xứ có một cái Tết quê hương. Quê chị Hằng ở Bến Tre, do công việc làm ăn và con còn nhỏ nên không thể về quê dịp Tết.
Chị rất xúc động mỗi lần nhớ về nơi mình sinh ra. Chị bảo Giao thừa năm nào chị cũng gọi điện thoại về nhà để chúc Tết cha mẹ và anh chị em và để vơi đi nỗi nhớ quê hương./.
Chị Đặng Thị Sơn Tuyết, 56 tuổi, sống cùng gia đình ở Geneva. Quê chị ở Hải Phòng, xa quê hương đã 25 năm. Dù rất bận, nhưng năm nào chị cũng gói bánh chưng vào dịp Tết. Mấy đứa cháu nhà chị rất thích. Chị bảo làm vậy để giữ phong tục quê hương cho con cháu biết. Bánh chưng của chị được dùng cho gia đình trong mấy ngày Tết, làm quà biếu tặng, còn lại phục vụ bà con Việt kiều không có điều kiện gói.
Chị Tuyết kể chị mua các thứ để làm bánh chưng ở cửa hàng thực phẩm châu Á gần nhà. Bánh chưng của chị được gói bằng lá chuối cũng rất đẹp. Phải chọn lá lành, to bản, rửa sạch để ráo hoặc lau cho khô.
Chị bảo 1kg lá chuối ở Geneva đắt hơn một kilôgam thịt lợn làm nhân bánh. Gạo làm bánh chưng là gạo Thái Lan dẻo nhưng không thơm như nếp cái hoa vàng của Việt Nam. Chị chọn loại đỗ xanh vàng lòng, đồ chín, giã nhuyễn, nắm lại thành từng nắm to bằng nắm tay để nạo vào nhân bánh. Thịt ba chỉ làm nhân rất ngon, vì lượng mỡ ngấm vào bánh vừa phải nên đỡ ngấy. Chị luộc bánh chưng bằng nồi điện, rất tiện và sạch sẽ. Ngoài bánh chưng, chị còn gói giò lụa và thổi một nồi xôi gấc đỏ tươi cho mâm cỗ ngày Tết của gia đình.
Chị nghẹn ngào khi được hỏi cảm xúc của mình về Tết quê hương. Đã 25 năm qua chị chưa có dịp về thăm quê, một phần vì công việc và một phần vì con cháu còn đi học. Chị bảo dù có đủ thứ cho Tết, nhưng cái hương vị quê hương thì chẳng bao giờ chị có được ở nơi xứ người.
Chị Huỳnh Thu Hằng, 32 tuổi, chủ nhân của cửa hàng thực phẩm châu Á ở đường Monthoux 52, 1201 Geneva, cho biết chị luôn bận rộn trong dịp giáp Tết vì cửa hàng chị đông khách hơn ngày thường. Có khoảng 100 người mỗi ngày vào mua hàng của chị dịp giáp Tết, chủ yếu là người Việt Nam và người châu Á. Nhưng năm nay số lượng người mua giảm đi so với năm ngoái do giá cả mọi thứ đắt đỏ hơn.
Khách hàng của chị mua đủ thứ từ bánh chưng, bánh tét, mứt, hương trầm, cho đến chai tương ớt, củ tỏi, củ hành, rau húng. Rất nhiều khách hàng mua bánh chưng, bánh tét làm quà cho bạn bè dịp Tết.
Anh Francois Subiger, khách hàng người Thụy Sĩ có vợ là người Việt Nam, nói rằng anh rất thích ăn bánh chưng của Việt Nam và rất mong Tết đến để được cùng vợ nấu các món ăn Việt Nam mà anh ưa thích.
Chị Hằng cho biết chị thường nhập hàng Việt Nam vào sáng thứ Hai hàng tuần. Chị cũng đặt mua bất cứ thứ gì khách hàng yêu cầu với mong muốn phục vụ chu đáo những người Việt Nam xa xứ có một cái Tết quê hương. Quê chị Hằng ở Bến Tre, do công việc làm ăn và con còn nhỏ nên không thể về quê dịp Tết.
Chị rất xúc động mỗi lần nhớ về nơi mình sinh ra. Chị bảo Giao thừa năm nào chị cũng gọi điện thoại về nhà để chúc Tết cha mẹ và anh chị em và để vơi đi nỗi nhớ quê hương./.
Lê Thanh/Geneva (Vietnam+)