Nguồn cung khan hiếm đẩy giá thịt lợn tăng vọt

Những ngày qua, nhiều người tiêu dùng Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng trước sự tăng giá “thẳng đứng” của thịt lợn do nguồn cung khan hiếm.
Những ngày qua, nhiều người tiêu dùng tại Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng trước sự tăng giá “thẳng đứng” của thịt lợn. Một lần nữa, các bà nội trợ lại phải tính toán, cân nhắc cho bữa ăn gia đình mình thời giá cả “leo thang.”

Dạo qua các chợ Nghĩa Tân, Ngọc Hà, Thành Công, chợ Cống Vị, không khó để nhận ra giá thực phẩm đang nhích lên từng ngày, tỷ lệ thuận với nhiệt độ đầu hè. Tăng mạnh nhất vẫn là mặt hàng thịt lợn, loại thịt phổ biến trong mỗi bữa ăn của các gia đình. Cụ thể thịt lợn mông có giá 110.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 130.000 đồng/kg, thịt lợn thăn 120.000 đồng/kg, sườn 110.000 đồng/kg, thịt chân giò 120.000 đồng/kg.

Các tiểu thương tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cho biết, sở dĩ có hiện tượng trên là do dịch bệnh thời gian qua khiến nguồn cung khan hiếm. Một tiểu thương tại chợ cóc trên phố Nguyễn Khắc Cần ngao ngán: "hàng dạo này khan hiếm nên phía cung cấp họ đòi tăng giá, buộc mình cũng phải tăng, buôn bán thì cũng phải có lãi chứ. Tăng giá thịt chúng tôi đâu có muốn, mỗi lần tăng khách hàng lại mua ít đi, hàng bán chậm lại nhất là trong thời tiết nắng nóng thế này."

Hiện nay, tại nhiều địa phương trong cả nước như An Giang, Long An, Bình Thuận, Lâm Đồng và một số tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Thái Bình, giá thịt lợn bắt đầu có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tại một số thành phố lớn có mức tiêu thụ thịt lợn nhiều, giá thịt lợn vẫn cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng.

Theo các chủ trang trại, giá thịt có khả năng sẽ giảm nhiệt trong vài tuần tới do nguồn cung không thiếu. Anh Đỗ Văn Khuê, chủ một trang trại lợn ở Hưng Yên cho biết, thời gian này giá lợn hơi đắt lên do trước đó nhiều người lo ngại dịch bệnh nên đã “bán tháo” khiến nguồn cung khan hiếm. Sắp tới, khi dịch bệnh được khống chế, nguồn cung dồi dào ắt sẽ cân bằng được cung cầu và giá sẽ “dịu” đi.

Cũng theo dự đoán của các tiểu thương, có thể các loại thực phẩm tươi sống sẽ hạ nhiệt hơn trong thời gian tới. Nhiều trường học nghỉ hè nên nhu cầu mua thực phẩm tại bếp ăn của các trường học cũng giảm khiến giá cả bớt "nóng" hơn. Bên cạnh đó, theo các nhà sản xuất, các chuyên gia, trong bối cảnh giá thịt lợn đang quá đắt, người tiêu dùng nên chuyển sang sử dụng các thực phẩm khác như thịt bò, thịt gia cầm hoặc cá. Như vậy cũng sẽ góp phần làm dịu đi cơn sốt giá thực phẩm đang “lên cao.”

Tại buổi làm việc với các cơ quan liên quan về tình hình xuất nhập khẩu mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, hiện nay sản xuất và cung ứng thịt lợn trong nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng cho rằng, vấn đề giá thịt lợn tăng cao như hiện nay chỉ là tạm thời. Bởi các tỉnh miền Bắc có dịch bệnh song chưa đáng lo ngại bởi dịch bệnh đang từng bước được ngăn chặn.

Theo ước tính, năm 2011, tổng sản lượng thịt lợn hơi cả nước có thể đạt tới 3,3 triệu tấn. Với số lượng này, có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, chưa cần đến nhập khẩu thịt lợn. Chỉ tính trong 4 tháng, sản lượng thịt lợn hơi đã đạt 1-1,05 triệu tấn tương ứng với 247.000-248.000 tấn thịt lợn xẻ cung cấp cho nhân dân.

Điều đáng lưu ý là thịt lợn cũng nằm trong nhóm hàng bình ổn giá và mặt hàng này sẽ được hỗ trợ giảm giá khoảng 10% khi giá cả thị trường có biến động. Tại Hà Nội, chương trình bình ổn giá năm 2011 đã được phê duyệt phương án thực hiện nhưng tại thời điểm này chưa phát huy hiệu quả.

Chương trình bình ổn giá năm 2010 đã kết thúc ngày 31/3 và chương trình bình ổn giá của năm 2011 vẫn đang trong giai đoạn khởi động. Chính vì vậy, tại các điểm bán hàng bình ổn của thành phố, hầu như người tiêu dùng chưa thể mua được hàng hóa với giá bình ổn./.

Đỗ Huyền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục