Nguồn nhân lực ngành khí tượng thủy văn chưa theo kịp nhu cầu

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đội ngũ nhân lực khí tượng thủy văn nói riêng đang có sự bất cập khi có sự thiếu hụt lớn cả ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là cán bộ chuyên môn trình độ cao.
Nguồn nhân lực ngành khí tượng thủy văn chưa theo kịp nhu cầu ảnh 1Cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành nói chung và lĩnh vực khí tượng thủy văn nói riêng đang có sự bất cập khi có sự thiếu hụt lớn cả ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ cao và được đào tạo đúng chuyên ngành.

Nhu cầu ngày càng nhiều

Nhân lực ngành khí tượng thủy văn đang thiếu trầm trọng về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trong khi đó, khả năng cung ứng nhân lực từ các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng của xã hội. Tuy vậy, sự thiếu hụt nhân lực trong ngành khí tượng thủy văn và hải dương học, đã và đang giúp những cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành này có thêm nhiều cơ hội tìm được việc làm, nhất là khi Luật Khí tượng thủy văn có hiệu lực thi hành.

Để có được những bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, hàng giờ đưa tới người dân... hàng nghìn cán bộ, kỹ thuật viên ngành khí tượng thủy văn đang có mặt ở mọi miền Tổ quốc thu thập số liệu về các hiện tượng thời tiết đưa tới người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, trọng trách của những người làm công tác dự báo càng nặng nề. Bên cạnh tính chính xác, cán bộ kỹ sư các trạm khí tượng còn phải đảm bảo đưa thông tin nhanh nhất, sớm nhất có thể để cơ quan chức năng và người dân chủ động phòng tránh.

Việt Nam đang là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Mỗi năm có trên 10 cơn bão đổ bộ vào Việt Namvà khoảng 80-90% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão. Cùng với bão, các loại thiên tai nguy hiểm khác như lũ lụt, lũ quét, hạn hán, mưa lớn, tố, lốc, nắng nóng, rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn, triều cường,... với tần suất, mức độ nguy hiểm, khốc liệt, khó lường thường xuyên xảy ra.

Để giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra, công tác dự báo khí tượng đóng vai trò rất quan trọng. Trước diễn biến khó lường của khí hậu, công tác dự báo khí tượng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn nhân lực. Đây cũng là nhiệm vụ mà ngành khí tượng thủy văn đang phải giải quyết trong thời gian tới.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thục, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng-Thủy văn và Môi trường, tổng số cán bộ làm việc trong lĩnh vực khí tượng thủy văn khoảng 3.500 người. Lực lượng này hoạt động trên mọi miền của tổ quốc từ miền núi, đất liền, trên biển và hải đảo. Trong các đơn vị quản lý và sự nghiệp của ngành khí tượng thủy văn và các lĩnh vực liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, như Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Cục quản lý Tài nguyên nước, Tổng cục Biển và Hải đảo, Tổng cục Môi trường…

Một lực lượng lớn cán bộ đang làm việc tại chín Đài Khí tượng thủy văn khu vực, 168 trạm khí tượng bề mặt, 27 trạm khí tượng nông nghiệp, sáu trạm radar thời tiết, ba trạm thám không vô tuyến, 231 trạm thủy văn, 17 trạm khí tượng thủy văn biển, 154 trạm và điểm đo môi trường không khí và nước.

Do đặc thù của ngành là hoạt động khắp mọi miền của đất nước nên số lượng cán bộ khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu như đã nói ở trên còn rất thiếu. Riêng lĩnh vực hải dương học và khí tượng thủy văn biển, lực lượng cán bộ còn hạn chế hơn so với nhu cầu.

Việt Nam với trên 3.260km bờ biển, hơn 3.000 đảo và vùng biển rộng lớn, mạng lưới trạm khí tượng hải văn gồm 17 trạm, trong đó có 10 trạm trên đảo, 1 trạm trên giàn nổi DK1-7 và sáu trạm ven bờ nên rất thiếu cán bộ để thực hiện các chương trình nghiên cứu về biển, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế biển.

Đơn cử Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường là cơ quan nghiên cứu về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, biển và tương tác biển đòi hỏi phải có nhiều cán bộ có trình độ cao, có kiến thức chuyên sâu. Nhưng Viện mới có trên 250 cán bộ, trong đó trên 60% có độ tuổi dưới 35, nhiều cán bộ có trình độ cao được đào tạo ở nước ngoài. Lực lượng này còn rất hạn chế so với yêu cầu, nhất là lĩnh vực biến đổi khí hậu; lĩnh vực biển và tương tác biển - khí quyển với những nhiệm vụ to lớn được đặt ra trong thời gian tới.

Cần một đề án lớn và mang tính tổng thể

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác dự báo, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường năng lực của ngành khí tượng thủy văn. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao xây dựng đề án "Phát triển đào tạo nguồn nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020." Đây là một đề án lớn, tổng thể cho phát triển nguồn nhân lực của toàn ngành.

Đề án đặt ra vấn đề quy hoạch mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường không chỉ ở các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ, mà toàn bộ hệ thống các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt tập trung vào các đại học quốc gia, đại học khu vực và các trường đại học lớn có năng lực và kinh nghiệm trong đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường và khí tượng thủy văn, hải dương học.

Trên cơ sở đó, ngành hải dương học-khí tượng và thủy văn đào tạo cử nhân có kiến thức về tất cả các vấn đề có liên quan đến biển, khí quyển, tương tác biển, khí quyển và các quá trình xảy ra ở vùng cửa sông, cửa biển. Trong đó có chuyên ngành khí tượng và thủy văn đào tạo chuyên sâu về khí tượng và thủy văn. Sinh viên được trang bị nhiều kiến thức về vật l‎ý Trái Đất, kiến thức rộng về thiên nhiên với những chuyển biến chứ không chỉ là số liệu đo đạc khô khan. Các cơ sở đào tạo ngành khí tượng thủy văn như Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường; Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Thủy lợi; Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường đang tạo ra những “đột phá’ đào tạo về chuyên ngành này.

Trong ba năm gần đây, điểm trúng tuyển vào ngành khí tượng thủy văn (khối A và B) tại Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh là 14-15 điểm. Tương tự, Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng có điểm chuẩn nguyện vọng 1 từ 15-16. Các trường cao đẳng chủ yếu xét tuyển với mức điểm từ 10-12.

Riêng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh-trường đại học công lập duy nhất ở phía Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trải qua hơn 35 năm hình thành và phát triển, trường đã từng bước khẳng định là một trong những trường đại học chuyên ngành, đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ chuẩn trong lĩnh vực công nghệ, quản lý tài nguyên, đảm bảo môi trường sạch cho phát triển bền vững, cùng cộng đồng thế giới ứng phó với các vấn đề biển đổi khí hậu và thiên tai trong phạm vi khu vực và toàn cầu.

Luật Khí tượng thủy văn có hiệu lực sẽ là động lực thúc đẩy việc thực hiện đề án "Phát triển đào tạo nguồn nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020," sẽ giúp ngành khí tượng thủy văn Việt Nam sớm xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên sâu nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục