Nguồn sáng của những người khiếm thị

Phương Đông là cơ sở xoa bóp bấm huyệt của Hội người mù thành phố Nam Định. Cơ sở vỏn vẹn 3 phòng xoa bóp bấm huyệt và 1 phòng nghỉ cho nhân viên, nằm sâu trong con hẻm nhỏ số 34 Lê Hồng Phong, một khu phố khá ồn ào, náo nhiệt của thành phố

Phương Đông là cơ sở xoa bóp bấm huyệt của Hội người mù thành phố Nam Định. Cơ sở vỏn vẹn 3 phòng xoa bóp bấm huyệt và 1 phòng nghỉ cho nhân viên, nằm sâu trong con hẻm nhỏ số 34 Lê Hồng Phong, một khu phố khá ồn ào, náo nhiệt của thành phố

"Diện tích khiêm tốn nhưng hàng tháng cơ sở thường tiếp đón từ 800 - 1.000 lượt khách; tạo việc làm ổn định cho 10 lao động khiếm thị với thu nhập bình quân 800.000 đồng/người/tháng. Cơ sở Phương Đông như nguồn sáng tốt đẹp mà cuộc đời ưu ái tặng riêng cho những người khiếm thị chúng tôi" - Ông Trần Văn Tĩnh, Chủ tịch hội người mù thành phố Nam Định tự hào cho biết.

Với mục đích tạo việc làm cho hội viên mù, giúp anh chị em tự nuôi sống bản thân, năm 1996, Phương Đông được thành lập. Sau gần 5 năm hoạt động, cơ sở đã tổ chức sản xuất cúc áo, hàng nhựa, chổi đót, tăm tre.

Năm 2001, nghề xoa bóp bấm huyệt mới được mở thêm và trở thành nghề chính của cơ sở. Xoa bóp bấm huyệt đòi hỏi kỹ thuật cao và cả sự nhạy cảm, những điều này ngay cả với những người sáng mắt cũng cảm thấy khó trong khi hầu hết những người mù ở đây chỉ quen với những công việc chân tay thuần túy.

Để khắc phục khó khăn, Hội đã phối hợp với Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đông y tỉnh tổ chức dạy nghề cho hội viên theo hình thức “cầm tay chỉ việc''. Cùng với việc động viên, khuyến thích hội viên nỗ lực học tập, Hội còn tạo điều kiện cho học viên đi học nâng cao tay nghề tại Hà Nội.

Cơ sở hiện có 10 kỹ thuật viên, tất cả đều là người khiếm thị trong đó có 3 người bị nhiễm chất độc da cam. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều rất nhiệt tình, say mê công việc.

Anh Trần Xuân Dương, 45 tuổi, trước đây từng là Phó giám đốc Công ty chợ thành phố, đang là lao động chính trong gia đình thì bất ngờ bị một tan nạn làm mù 2 mắt. Không còn thấy ánh sáng, anh trở nên mặc cảm, tự coi mình là gánh nặng của gia đình nên thường xuyên mượn rượu để giải sầu. Vào cơ sở anh không những đã tự nuôi sống được bản thân mà còn hỗ trợ thêm chi phí cho gia đình và giúp vợ nuôi dạy hai con. Anh tâm sự: "Điều làm tôi vui nhất là mình đã thấy lại được giá trị cuộc sống"...

Nhờ uy tín, chất lượng, thái độ phục vụ tận tình, các kỹ thuật viên khiếm thị của Phương Đông đã nhận được sự yêu mến của nhiều người dân trong tỉnh và thu hút nhiều người ở các tỉnh lân cận.

Gần 10 năm hoạt động, cơ sở xoa bóp bấm huyệt Phương Đông không những đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hội viên khiếm khị mà còn thành lập được một nguồn quỹ riêng dành thăm hỏi, tặng quà cho hội viên những dịp lễ tết; hỗ trợ các gia đình khó khăn.

Những việc làm ý nghĩa đó giúp những người khiếm thị thêm yêu cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục