"Nguồn vốn ODA làm giàu cho chính nước viện trợ"

Theo Eurodad, hơn 66% các hợp đồng trong nguồn viện trợ phát triển cho các nước đang phát triển đã trở lại các công ty của các nước viện trợ.
Trong nghiên cứu mới nhất công bố ngày 7/9, các chuyên gia thuộc Mạng lưới châu Âu về nợ và phát triển (Eurodad) cho biết viện trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng không hiệu quả vì luôn gắn với các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD mà các nước nhận viện trợ buộc phải dành cho các công ty của các nước viện trợ.

Hơn 66% các hợp đồng trong tất cả các nguồn viện trợ phát triển cho các nước đang phát triển đã trở lại các công ty của các nước viện trợ.

Giám đốc của Eurodad, bà Nuria Molina, nhấn mạnh các nguồn vốn ODA không hiệu quả như mong muốn vì nó không được chuyển giao cho các nước nhận viện trợ theo đúng phương thức cần thiết.

Hầu hết các nguồn ODA chưa bao giờ được "bơm" vào các nền kinh tế đang phát triển. Bất chấp các hứa hẹn liên tục suốt 10 năm qua, 20% tổng viện trợ song phương hiện vẫn bị các điều kiện ràng buộc và hầu hết các hợp đồng không ràng buộc trong thực hiện các nguồn ODA vẫn thuộc về các công ty của các nước phát triển.

Trong thập kỷ qua, hơn 50% giá trị hợp đồng của các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ thuộc về các công ty của nước tài trợ với thị phần tỷ lệ thuận với quy mô hợp đồng. Tỷ lệ này trong năm 2008 lên tới 67%.

Các nước nhận ODA bị sức ép và thường nhượng bộ để các công ty đa quốc gia trúng thầu hợp đồng. Bà Môlina hy vọng nghiên cứu mới nhất của Eurodad sẽ là một thông điệp đủ mạnh để các nước phát triển và các ngân hàng phát triển tư duy lại chính sách ODA của họ và thay đổi cách thức chuyển giao viện trợ phát triển. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo nạn tham nhũng và thiếu năng lực quản lý nguồn viện trợ của các nước đang phát triển cũng là lý do khiến viện trợ ODA không hiệu quả.

Nghiên cứu trên được công bố trước khi diễn ra Diễn đàn cấp cao lần thứ 4 các chính phủ và các đối tác trên thế giới để thảo luận các biện pháp nâng cao hiệu quả của các nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA vào tháng 11 tới tại thành phố Busan của Hàn Quốc.

Nghiên cứu khẳng định hầu như không có nước nghèo nhận ODA nào được xử lý độc lập các nguồn viện trợ này, phần lớn do các thủ tục giải ngân ODA của nước viện trợ. Vì vậy, hầu hết ODA đều không thực sự đi vào nền kinh tế của các nước đang phát triển nhận viện trợ.

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), hơn 66% trong các hợp đồng thực hiện nguồn ODA lên tới 128 tỷ USD năm 2009 thuộc về các nước phát triển và làm giàu cho nền kinh tế của các nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục