Nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức tăng kỷ lục tới 66%

Theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 18/9, nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) tăng đáng kể tới 66% từ năm 2000 đến 2014.
Nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức tăng kỷ lục tới 66% ảnh 1Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 18/9 cho thấy trong 15 năm qua, những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Ấn tượng nhất là nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đã tăng đáng kể tới 66% trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2014. Đặc biệt trong 2 năm qua, mỗi năm ODA đạt tới mức trên 130 tỷ USD, vượt mục tiêu do Liên hợp quốc đề ra là chiếm 0,7% tổng thu nhập quốc nội trung bình của một quốc gia.

Một điểm sáng khác của báo cáo trên là lĩnh vực xuất khẩu: các số liệu xuất khẩu hàng hóa mới nhất cho thấy khả năng tiếp cận của các nước phát triển đối với thị trường của các nước phát triển đã cải thiện đáng kể, tăng từ tỷ lệ 30,5% hồi năm 2000 lên 43,8% trong năm 2014.

Ngoài ra, gánh nặng nợ nần của những nước nghèo cũng giảm đáng kể. Một thành tựu đáng kể nữa là tỷ lệ sử dụng điện thoại di động ở các nước đang phát triển ước tính lên tới 92% tính tới cuối năm 2015, so với mức chưa tới 10% hồi năm 2000.

Tuy nhiên, báo cáo trên cũng nêu quan ngại về khoảng cách vẫn còn khá lớn giữa các nước phát triển và đang phát triển trong việc tiếp cận y tế và công nghệ. Do đó, tại cuộc họp báo công bố báo cáo trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi cần phải đổi mới mối quan hệ đối tác toàn cầu thì mới có thể thực hiện thành công Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030.

Tổng thư ký nói: "Tôi hy vọng các quốc gia hợp sức cùng nhau để thực hiện nốt những cam kết MDG còn dang dở, giải quyết tình trạng bất bình đẳng và xử lý những thách thức mới nổi lên trên cả ba lĩnh vực cần sự phát triển bền vững, đó là kinh tế, xã hội và môi trường."

Cũng tại cuộc họp báo trên, ông Wu Hongbo, Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội nêu ý kiến rằng nguồn vốn ODA tăng mạnh trong 15 năm qua là cần thiết nhưng chưa đủ.

Theo ông, để thực hiện chương trình phát triển bền vững, cần phải huy động mọi nguồn lực sẵn có, chứ không nên chỉ trông cậy vào viện trợ của các chính phủ. Và quan trọng là cần có những chỉ dẫn chính sách khuyến khích khu vực tư nhân và các công ty tham gia hỗ trợ tài chính cho chương trình.

Báo cáo nêu trên được soạn thảo bởi Nhóm xử lý những khoảng cách trong Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, một sáng kiến liên ngành có sự tham gia của hơn 30 tổ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục