Nguy cơ bùng phát xung đột giữa Israel và Iran

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Israel Aviv Kohavi cho biết quân đội nước này đang "đẩy nhanh các kế hoạch mang tính chiến dịch và năng lực sẵn sàng đối phó với Iran và mối đe dọa hạt nhân quân sự."
Nguy cơ bùng phát xung đột giữa Israel và Iran ảnh 1(Nguồn: AP)

Theo trang mạng moderndiplomacy.eu, một viễn cảnh kinh hoàng có nguy cơ sắp xảy ra ở Trung Đông. Giới chức quốc phòng cấp cao của Israel tuyên bố rằng nước này đang chuẩn bị đối phó với nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang với địch thủ Iran và những lực lượng ủy nhiệm của Tehran trong khu vực.

Hôm 16/11, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Israel Aviv Kohavi cho biết quân đội nước này đang "đẩy nhanh các kế hoạch mang tính chiến dịch và năng lực sẵn sàng đối phó với Iran và mối đe dọa hạt nhân quân sự."

Israel là nhà nước Do Thái duy nhất được tạo dựng ở trung tâm của Thế giới Hồi giáo. Israel cũng là quốc gia sở hữu hạt nhân duy nhất ở khu vực này trên thế giới và thường xâm chiếm đất đai của các nước Arab.

Israel không muốn bất kỳ quốc gia nào xung quanh mình sở hữu công nghệ hạt nhân hoặc phát triển công nghệ hạt nhân. Israel không chấp nhận bất kỳ đối thủ nào trong khu vực.

Israel coi Iran là mối đe dọa hiện hữu và từng cảnh báo rằng nước này sẽ hành động quân sự khi cần thiết để ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 10/2021, Ngoại trưởng Israel YairLapid khẳng định: "Nếu một chế độ khủng bố sở hữu vũ khí hạt nhân, thì chúng tôi cần phải hành động."

Trong khi đó, Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm phục vụ những mục đích hòa bình. Dự kiến, Tehran sẽ nối lại đàm phán hạt nhân với các cường quốc thế giới trong tháng 11 này. Thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran đã sụp đổ sau khi chính quyền Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hồi năm 2018.

[Thủ tướng Israel: Iran là mối đe dọa lớn nhất ở Trung Đông]

Phát biểu trước các nghị sỹ của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Quốc hội Israel, ông Kohavi khẳng định quân đội Israel "không ngừng tiến hành các sứ mệnh và chiến dịch ngầm ở Trung Đông nhằm chống lại những kẻ thù của chúng ta" trong vòng một năm qua.

Tuyên bố này được đưa ra sau hàng loạt vụ oanh kích mà Israel tiến hành tại Syria như báo chí đưa tin. Trong vòng một thập kỷ qua, Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc oanh kích nhằm vào các mục tiêu quân sự có liên hệ với Iran ở nước láng giềng Syria, song hiếm khi thừa nhận tiến hành những chiến dịch oanh kích này.

Có tin cho hay phía Israel từng tuyên bố rằng sự hiện diện (quân sự) của Iran ở gần khu vực biên giới phía Bắc Israel là một lằn ranh đỏ và rằng Israel sẽ nhắm bắn những con tàu chở khí tài hướng về Liban để cung cấp vũ khí cho nhóm vũ trang Hezbollah được Iran hậu thuẫn hoặc hướng về các căn cứ có mối liên hệ với Iran ở Syria.

Phát biểu trong chuyến công tác đến một nhà máy công nghiệp quốc phòng ở thành phố Shlomi, phía Bắc Israel, gần biên giới Liban, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz nói rằng Israel "dốc toàn lực để ngăn chặn chiến tranh - như tiến hành các chiến dịch, phát đi những thông điệp và ngăn chặn hoạt động củng cố quân sự." Ông Gantz cho rằng nếu xảy ra chiến tranh, "Israel sẽ sẵn sàng tiến hành các chiến dịch vốn chưa từng thấy trong quá khứ và sẽ hủy hoại trung tâm đầu não của lực lượng khủng bố cũng như những năng lực của chúng."

Thế nhưng, điều đáng quan ngại là nếu Israel lựa chọn bất kỳ hành động rủi ro nào thì sự đáp trả của Iran có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Toàn bộ khu vực có thể bị đẩy vào một cuộc chiến. Cuộc chiến này có thể không chỉ giới hạn giữa hai bên mà có thể lan sang toàn bộ khu vực, hủy hoại nhiều nước trong và ngoài khu vực.

Lâu nay, Trung Đông là khu vực cung cấp dầu mỏ cho các nước trên thế giới. Bất kỳ hành động gây bất ổn nào trong khu vực này cuối cùng sẽ đẩy giá dầu vốn đang ở mức tương đối cao lên một nấc thang mới. Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc đều phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ của Trung Đông.

Do đó, tình hình bất ổn ở khu vực sẽ tác động tiêu cực đến các nền kinh tế này. Điều đáng tiếc là việc một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân phi pháp cảnh báo sẽ tấn công một quốc gia khác nếu có nghi ngờ về những hoạt động hạt nhân là một điều phi lý.

Gần đây, một số quốc gia Arab đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Thế nhưng, những lãnh đạo của một số quốc gia Arab này lại không được bầu một cách dân chủ hoặc không đại diện cho toàn thể người dân trong nước. Những nhà cầm quyền này có thể thừa nhận nhà nước Israel, song những người dân của họ lại không như vậy.

Nếu xảy ra chiến tranh, phần lớn các nước ở Thế giới Arab, đặc biệt là người dân của các quốc gia này, có thể không ủng hộ chính quyền của họ đứng về phía Israel. Làn sóng bài Isreal (trong tầng lớp dân chúng) ngày càng gia tăng.

Nga và Trung Quốc đều có lợi ích to lớn ở Iran và có thể sẽ "ngáng chân" Mỹ tự ý can dự vào những vấn đề của Tehran. Một nước Nga hồi sinh và một Trung Quốc đang trỗi dậy tạo thành sức mạnh đối trọng trên bàn cờ địa chính trị khu vực.

Washington không còn là siêu cường duy nhất trong thế giới đơn cực. Mỹ cần tính toán thấu đáo trước khi quyết định can dự vào cuộc xung đột giữa Iran và Israel./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục