Nguy cơ sụp đổ của các ngân hàng địa phương Trung Quốc

Sự bất ổn ngày càng tăng trong ngành ngân hàng Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang phải vật lộn để tìm ra giải pháp cho các khoản cho vay liên quan đến bất động sản ngày càng phình to trên sổ sách.
 
Nguy cơ sụp đổ của các ngân hàng địa phương Trung Quốc ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review, nhà báo Karen Maley nhận định sự bất ổn ngày càng tăng trong ngành ngân hàng của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang phải vật lộn để tìm ra giải pháp cho các khoản cho vay liên quan đến bất động sản ngày càng phình to trên sổ sách của ngân hàng nhỏ tại các địa phương.

Tác giả dẫn chứng những đoạn băng video được đăng tải trên mạng xã hội ngày 10/7 cho thấy hình ảnh đám đông người gửi tiền vào các ngân hàng của Trung Quốc giận dữ biểu tình bên ngoài chi nhánh của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), sau khi tiền gửi của họ bị đóng băng vào tháng Tư năm nay.

Hãng truyền thông Reuters đưa tin một số người biểu tình đã nói rằng họ bị thương khi các nhân viên an ninh sử dụng vũ lực để giải tán đám đông. Theo truyền thông Trung Quốc, khoản tiền gửi bị đóng băng có thể trị giá lên tới 1,5 tỷ USD.

Gian lận tài chính khiến tiền gửi ngân hàng bị đóng băng

Lý do tiền bị đóng băng là do Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBRIC) đang tiến hành xem xét các hoạt động gian lận được thực hiện bởi Tập đoàn Henan New Fortune, một trong những cổ đông lớn nhất của bốn trong số các ngân hàng có liên quan. Các nhà chức trách cáo buộc tập đoàn này đã sử dụng ngân hàng để huy động vốn bất hợp pháp thông qua các nền tảng trực tuyến.

Tháng trước, CBIRC cam kết sẽ tăng cường giám sát các tổ chức cho vay nhỏ trong nước và trấn áp các hoạt động tài chính bất hợp pháp, sau khi nghi ngờ đã có vụ lừa đảo tài chính xảy ra ở tỉnh Hà Nam. Bất chấp cam kết của CBIRC, niềm tin của người gửi tiền đối với các ngân hàng nhỏ ở các địa phương đã bị lung lay bởi những diễn biến mới đây.

Họ không chỉ lo lắng các ngân hàng nhỏ đã buộc phải đưa ra mức lãi suất cao hơn để thu hút tiền gửi. Một số người thậm chí còn tin rằng các ngân hàng ở địa phương đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các khoản cho vay nặng lãi dành cho các nhà phát triển bất động sản đang nợ nần chồng chất. Các ngân hàng này hiện đã bị siết chặt tài chính, sau khi Bắc Kinh đưa ra một loạt quy định mới để giảm đòn bẩy trong ngành.

Niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm dẫn đến hàng loạt công ty bất động sản vỡ nợ

Vấn đề ngày càng trầm trọng hơn bởi tình trạng phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 diễn ra thường xuyên trên diện rộng đã làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc và khiến doanh số bán căn hộ mới giảm mạnh.

[PBoC cam kết duy trì chính sách phù hợp để hỗ trợ kinh tế Trung Quốc]

Đối mặt với sự không chắc chắn về việc sẽ còn bao nhiêu đợt phong tỏa tiếp theo và liệu các nhà phát triển bất động sản đang căng thẳng về tài chính có thể hoàn thành những dự án đã lên kế hoạch hay không, người tiêu dùng đã tránh mua căn hộ mới. Điều này làm trầm trọng thêm dòng tiền mà các chủ đầu tư bất động sản đang phải đối mặt. Về phía các ngân hàng, điều này dẫn đến sự gia tăng đột biến các khoản nợ xấu, vì các nhà phát triển bất động sản thiếu tiền đã ngừng trả lãi vay.

Tờ The Financial Times đưa tin nguồn tài chính bị siết chặt đến mức các nhà phát triển bất động sản ở một số địa phương của Trung Quốc đã lo lắng về việc làm cách nào để tăng doanh số bán hàng đến mức họ phát đi tín hiệu cho biết sẽ chấp nhận dự trữ tỏi, dưa hấu, lúa mỳ và lúa mạch làm tài sản đặt cọc cho các căn hộ mới.

Và hiệu ứng “domino” tiếp tục diễn ra trong lĩnh vực bất động sản. Tháng trước, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết họ đã hạ bậc xếp hạng 91 công ty bất động sản Trung Quốc trong vòng 9 tháng qua.

Các nhà phân tích ước tính đã có 30 công ty vỡ nợ, với tổng khoản nợ lên đến 1.000 tỷ USD, kể từ khi Bắc Kinh đưa ra chính sách “ba lằn ranh đỏ” nhằm hạn chế đòn bẩy của các công ty bất động sản vào cuối năm 2020.

Không chỉ có vậy, áp lực đối với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, hiện đang nợ chồng chất, không có dấu hiệu sớm giảm bớt. Trong nửa cuối năm nay, khoảng 60 tập đoàn bất động sản của Trung Quốc sẽ đến hạn thanh toán 13,3 tỷ USD cho các loại trái phiếu phát hành ra nước ngoài, mệnh giá bằng đồng USD.

Đầu tháng này, nhà phát triển Shimao Group có trụ sở tại thành phố Thượng Hải đã gia nhập danh sách các tập đoàn bất động sản Trung Quốc vỡ nợ, khi không thể trả được khoản nợ 1,02 tỷ USD, bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi cho các chủ nợ nước ngoài.

Đây là lần đầu tiên Shimao Group không thể thanh toán tiền trái phiếu đại chúng phát hành ở nước ngoài. Điều đó có nghĩa là tập đoàn này đã cùng các tập đoàn bất động sản khổng lồ khác của Trung Quốc như Evergrande, Kaisa Group và Sunac, chính thức vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD.

Tại thị trường trong nước, các điều kiện cũng không “sáng sủa” hơn là bao, khi mà các nhà phát triển bất động sản đang phải vật lộn để xoay vòng các khoản nợ bằng đồng nhân dân tệ của họ. Các nhà đầu tư đang cảnh giác hơn với cổ phiếu của các công ty tư nhân và chuyển sang mua trái phiếu do các tập đoàn bất động sản nhà nước phát hành.

Nguy cơ sụp đổ của các ngân hàng địa phương Trung Quốc ảnh 2Người gửi tiền biểu tình trước chi nhánh Hà Nam của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Sự lo ngại rằng các khoản cho vay bất động sản đã trở nên tồi tệ hơn thậm chí còn lan rộng sang các nhà quản lý tài sản, vốn cũng đang gặp áp lực do họ đã mua các khoản nợ xấu từ ngân hàng. Các nhà đầu tư lo sợ các nhà quản lý tài sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc sẽ thúc đẩy lưu thông dòng chảy tài chính mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trước tình hình tồi tệ của thị trường bất động sản và sự sẵn sàng hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa của Bắc Kinh.

Thông tin của tờ South China Morning Post cho biết vào tuần trước, các nhà đầu tư đã bán tháo trái phiếu bằng đồng USD do Công ty China Great Wall International phát hành, sau khi tập đoàn mẹ của công ty này hai lần hoãn công bố kết quả kinh doanh thường niên năm 2021.

Sự lo lắng cũng kéo giảm giá trái phiếu do một chi nhánh của công ty quản lý tài sản China Huarong Asset Manager, một trong những doanh nghiệp mua nợ lớn nhất của các ngân hàng nội địa.

Tập đoàn Huarong, với phần lớn tài sản thuộc sở hữu của Bộ Tài chính Trung Quốc, đã được Bắc Kinh giải cứu vào tháng 11/2021, sau khi năm tổ chức tài chính nhà nước đồng ý rót 6,5 tỷ USD để vực dậy tập đoàn. Năm 2020, Huarong đã phải chịu khoản lỗ lên đến 16 tỷ USD, sau khi thực hiện bút toán ghi giảm giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Các nhà chức trách Trung Quốc loay hoay tìm phương án giải cứu

Chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz của tờ Sydney Morning Herald nhận định các nhà chức trách Trung Quốc đang tạo ra một quỹ cứu trợ với nguồn vốn do các tổ chức tài chính lớn cung cấp, coi đây là một phương án dự phòng cho nguy cơ sụp đổ tiềm tàng của các ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm.

Giới chức Trung Quốc sẽ không chỉ để mắt đến các căng thẳng của hệ thống tài chính trong nước, mà còn phải quan tâm tới cả sự biến động gia tăng trên thị trường quốc tế và sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của Trung Quốc với chính sách của Mỹ và châu Âu, vốn đang thắt chặt các chính sách tiền tệ.

Mặc dù dữ liệu chính thức vẫn chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về sự tồn tại của các khoản vay không hiệu quả trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích bên ngoài Trung Quốc đã tỏ ra hoài nghi về các con số được công bố. Hầu hết các nhà quan sát không tin rằng sự bất ổn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc lại không tạo ra tác động trọng yếu nào đến bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.

Các lệnh phong tỏa kéo dài, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, dòng vốn nước ngoài đổ vào trái phiếu của Mỹ đang gia tăng và sự lo sợ bị cuốn vào các lệnh trừng phạt của phương Tây của các nhà kinh doanh có tiếp xúc với đối tác Nga khiến sự hoài nghi càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Theo hãng tin Bloomberg, Bộ Tài chính Trung Quốc đang xem xét cho phép các chính quyền địa phương bán một số loại trái phiếu đặc biệt, trị giá 220 tỷ USD, trong nửa cuối năm nay, với kỳ vọng sẽ tạo ra tăng trưởng thông qua một làn sóng đầu tư cho cơ sở hạ tầng lớn khác. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy các nhà chức trách Trung Quốc đang lo ngại về quỹ đạo và tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế lớn nhất châu Á hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục