Nguy cơ suy thoái Eurozone và Mỹ đe dọa châu Á

Tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tiếp tục ở mức trung bình trong 2012 do những nguy cơ từ kinh tế châu Âu và Mỹ.
Báo cáo Theo dõi Kinh tế châu Á (Asia Economic Monitor) số mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tiếp tục ở mức trung bình trong năm 2012 do các vấn đề về nợ công tại châu Âu và triển vọng kinh tế không sáng sủa của Mỹ đang làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Báo cáo cho rằng trong trường hợp cả khu vực đồng euro và nền kinh tế Mỹ đều suy giảm mạnh, tác động lên các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ rất nghiêm trọng nhưng có thể kiểm soát được.

Ông Iwan J. Azis, Chánh Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB, cơ quan xây dựng báo cáo, phát biểu: “Bất ổn từ châu Âu đem đến nguy cơ ngày càng tăng đối với hoạt động thương mại và tài chính của các nền kinh tế châu Á mới nổi, vì vậy các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần phải sẵn sàng đề có những hành động tức thời, quyết đoán và có sự phối hợp để đối phó lại khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu mở rộng.”

Báo cáo định kỳ nửa năm được công bố ngày hôm nay đưa ra những phân tích đánh giá về 10 nền kinh tế ASEAN, bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cũng như các nền kinh tế của Trung Quốc, Hong Kong-Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan-Trung Quốc.

ADB đã giảm mức dự báo tăng trưởng của khu vực trong năm 2012 từ 7,5% trong Báo cáo cập nhật về triển vọng tăng trưởng châu Á được công bố tháng 9 xuống còn 7,2%. Tăng trưởng trong năm nay vẫn được dự báo ở mức 7,5%.

Trong chuyên mục đặc biệt - Liệu tình hình ở Đông Á có thể là nguyên nhân của một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khác? - Báo cáo đã vạch ra những tình huống có thể dẫn đến sự suy thoái ở khu vực đồng euro và một giai đoạn suy thoái mới của nền kinh tế Mỹ.

Báo cáo phân tích liệu một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu mới sẽ có những tác động thế nào đến khu vực theo những kịch bản khác nhau. Khu vực Đông Á trong báo cáo bao gồm các nền kinh tế Đông Á mới nổi và Nhật Bản.

Trong kịch bản xấu nhất - theo đó khu vực đồng euro và Mỹ sẽ suy giảm nhưng mức độ của năm 2009, khu vực Đông Á mới nổi sẽ tăng trưởng khoảng 5,4% trong năm tới.

Mức tăng trưởng này thấp hơn 1,8% so với dự báo hiện tại nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng do tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu giai đoạn 2008-2009.

Nguyên nhân của điều này một phần là do khu vực đã đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu và nhu cầu nội địa ngày càng tăng, trở thành một động lực của tăng trưởng.

Tuy nhiên, các hệ thống tài chính của khu vực vẫn tiếp tục dễ bị tác động như tình hình của năm 2008. Báo cáo lưu ý rằng tâm lý tránh rủi ro đang phát triển sẽ khiến các nhà đầu tư giảm bớt việc cầm giữ những tài sản tài chính ở châu Á khi các ngân hàng châu Âu có khuynh hướng đầu cơ cắt giảm cho vay, khiến cho các điều kiện tín dụng bị thắt chặt.

Để đối phó với tính hình khủng hoảng toàn cầu có thể kéo dài và kéo theo hậu quả là sự phục hồi chậm, các nhà hoạch định chính sách châu Á có thể sử dụng các công cụ tài chính, tiền tệ và tài khóa mà họ có trong tay.

Những công cụ này bao gồm các cơ chế bảo đảm sự ổn định tài chính và đảm bảo đủ nguồn tín dụng cung cấp trong khu vực. Các chính sách tiền tệ cần phải giữ được sự linh hoạt, trong khi các tỷ giá hối đoái cần có sự phối hợp để tránh tình trạng phá giá cạnh tranh nhau. Khu vực vẫn còn đủ khả năng để áp dụng các biện pháp kích thích từ từ và thận trọng khi cần thiết mà vẫn tránh được áp lực quá lớn đối với ngân sách.

Báo cáo dự báo rằng nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm tới, trong khi nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trường 2,1%. Trong năm 2011, ADB vẫn dự báo khu vực đồng euro tăng trưởng 1,7% và Mỹ tăng trưởng 1,6%.

Tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ ở mức vừa phải mặc dù nhu cầu trong nước tiếp tục tăng. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc hiện tại được dự báo ở 8,8% trong năm 2012 sau khi có thể đạt mức 9,3% trong năm 2011. Vào tháng 9, ADB đã dự báo Trung Quốc tăng trưởng 9,1% trong năm 2012.

Các nền kinh tế công nghiệp mới, bao gồm Hong Kong-Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan-Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng chậm hơn trong năm nay cũng như năm sau chủ yếu là do các nền kinh tế này phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại quốc tế so với các láng giềng của họ. Điều này khiến cho họ dễ chịu ảnh hưởng hơn khi có sự suy giảm kinh tế ở châu Âu và Mỹ.

Các nền kinh tế ASEAN cũng sẽ tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến trước đây. ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới xuống còn 6,3% từ mức 6,5% mà ADB đã dự báo trong tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên vẫn có thể thấy kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 5,8% trong năm nay.

Thái Lan, nước vừa mới chịu tác động nặng nề của đợt lũ lụt gần đây, sẽ phục hồi lại các hoạt động cung cấp trong năm tới. ADB dự báo kinh tế Thái Lan sẽ chỉ tăng trưởng 2% trong năm nay, nhưng vẫn duy trì mức dự báo tăng trưởng của Thái Lan là 4,5% trong năm 2012.

Nền kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ hồi phục sau những tác động của các thảm họa thiên nhiên gần đây khi các chuỗi cung cấp được khôi phục lại.

Tuy nhiên, đồng yen mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu trong khi nhu cầu trong nước sẽ tiếp tục ở mức không cao. Vì vậy, ADB tiếp tục dự báo kinh tế Nhật Bản giảm 0,5% trong năm nay, sau đó sẽ tăng 2,5% trong năm tới.

ADB, có trụ sở chính tại Manila, hoạt động với sứ mệnh giảm nghèo tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng đồng đều, tăng trưởng bền vững với môi trường và hội nhập khu vực.

Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực. Trong năm 2010, ADB đã phê chuẩn các dự án với tổng giá trị 17,51 tỷ USD, tính cả các dự án đồng tài trợ.

Bên cạnh đó, Chương trình Tài trợ Thương mại đang được thực hiện của ADB đã hỗ trợ 2,8 tỷ USD cho các hoạt động thương mại./.

PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục