Nguy cơ tái bùng phát dịch lở mồm long móng

Dịch lở mồm long móng trên gia súc có nguy cơ tái bùng phát rất cao nếu các tỉnh có dịch không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 22/9, đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định dịch lở mồm long móng trên gia súc tiếp tục lây lan trên diện rộng, nếu các tỉnh có dịch không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Trong 2 tuần qua, dịch lở mồm long móng tiếp tục phát sinh ở 6 tỉnh: Đắk Lắk, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Yên Bái và Sơn La. Trong số đó, tỉnh Đắk Lắk có số gia súc mắc bệnh nhiều nhất là 228 con trâu, bò. Tỉnh Yên Bái đứng thứ 2 với tổng số gia súc mắc bệnh từ đầu ổ dịch đến nay ở 9 xã thuộc huyện Văn Chấn là 107 con trâu, bò.

Như vậy, hiện cả nước có 12 tỉnh gồm Quảng Nam, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Phú Thọ, Đắk Lắk, Nghệ An, Yên Bái và Sơn La có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

Theo nhận định của các thành viên Ban Chỉ đạo, một trong những nguyên nhân chính khiến dịch lở mồm long móng phát sinh là do hoạt động vận chuyển trâu, bò bất hợp pháp qua biên giới của hầu hết các tỉnh Bắc Trung bộ, phần lớn số gia súc này không được kiểm dịch thú y.

Bên cạnh đó, dịch lở mồm long móng phát sinh còn do các địa phương thiếu khu cách ly kiểm dịch động vật trước khi đưa vào nội địa tiêu thụ, việc tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng còn chưa được chú trọng, đạt tỷ lệ thấp. Một số dự án phát triển chăn nuôi của địa phương không tuân thủ quy định về con giống, kiểm dịch động vật, tiêm phòng 2 mũi theo quy định dẫn đến dịch lây lan nhanh.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh đang có dịch lở mồm long móng tập trung mọi lực lượng bao vây, dập tắt ổ dịch, không để lây lan sang các địa phương khác, đồng thời nghiêm túc kiểm điểm, tìm rõ nguyên nhân để dịch xảy ra liên tiếp trong thời gian qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục