Nguy cơ tan vỡ chính phủ liên minh tại Đức sau cuộc bầu cử ngày 24/9

Chủ tịch SPD cáo buộc bà Merkel lạm dụng các phương tiện công phục vụ chính phủ vào mục đích vận động tranh cử, như sử dụng trực thăng của cảnh sát và quân đội với chi phí mang tính "ước lệ."
Nguy cơ tan vỡ chính phủ liên minh tại Đức sau cuộc bầu cử ngày 24/9 ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ông Martin Schulz, Chủ tịch đồng thời là ứng viên Thủ tướng Đức của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đã lên tiếng bác bỏ khả năng duy trì chính phủ liên minh giữa hai đảng lớn nhất​-nhì là CDU và SPD như hiện nay sau cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Liên bang Đức vào ngày 24/9 tới.

"Tôi không muốn duy trì liên minh này dưới sự lãnh đạo của bà Angela Merkel . Nếu CDU tham gia liên minh dưới sự lãnh đạo của SPD, chúng tôi có thể chấp nhận. Song tôi cũng không nghĩ rằng CDU muốn duy trì liên minh như hiện nay," ông Schulz phát biểu với giới truyền thông Đức.

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, liên đảng CDU và CSU (đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo, đảng "chị em" với CDU chỉ hoạt động tại bang Bayern) được 38% cử tri Đức ủng hộ, so với tỷ lệ 22% của SPD.

Khác với các cuộc bầu cử trước đây, đến thời điểm này vẫn có khoảng 46% cử tri Đức chưa quyết định sẽ dành lá phiếu cho đảng nào.

[Bầu cử Đức: Thủ tướng Merkel tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu]

Ông Schulz tuyên bố sẽ tập trung vào nhóm cử tri này hòng giành chiến thắng cho SPD trong cuộc bầu cử sắp tới.

Trên kênh truyền hình ARD và tạp chí Der Spiegel, ông Schulz cũng đã tìm cách tấn công đối thủ Merkel khi chỉ trích lãnh đạo của CDU không dám tranh luận một cách tự do trên truyền hình, đồng thời lạm dụng các phương tiện công phục vụ hoạt động của chính phủ vào mục đích vận động tranh cử, như sử dụng trực thăng của cảnh sát và quân đội với chi phí mang tính "ước lệ."

Bà Merkel và ông Schulz sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào ngày 3/9 tới, theo một kịch bản đã được chuẩn bị từ trước.

Ngoài các đảng CDU/CSU và SPD, cuộc bầu cử năm nay nhiều khả năng sẽ lần đầu tiên chứng kiến sự có mặt của nhiều đảng phái nhất tại Quốc hội Liên bang, khi đảng Xanh, đảng Dân chủ Tự do (FPD), đảng Cánh tả và đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo chủ nghĩa cực hữu đang nhận được từ khoảng 8 đến 10% tỷ lệ ủng hộ của cử tri.

Theo quy định, một đảng sẽ có ghế tại Quốc hội Liên bang khi nhận được ít nhất 5% phiếu bầu.

Theo hệ thống bầu cử phức tạp của Đức, cử tri bỏ phiếu bầu cho các đảng chứ không bầu trực tiếp Thủ tướng. Đảng nào giành được nhiều phiếu nhất sẽ tự mình đứng ra, hoặc tìm kiếm liên minh, thành lập chính phủ.

Vị trí Thủ tướng thường do đại diện của đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất nắm giữ và phải được Quốc hội Liên bang phê chuẩn.

Theo Sputnik, tờ Die Welt đưa tin, tình báo Đức cho rằng Nga sẽ " can thiệp trái phép" vào cuộc bầu cử quốc hội Đức, diễn ra vào ngày 24/9 tới.

Báo dẫn lời Giám đốc Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Hiến pháp Đức Hans-Georg Maasen cho hay:"Chúng tôi xuất phát từ thực tế là Nga đang ở tình trạng khởi động chiến dịch xuyên tạc thông tin," đồng thời cho rằng sự dính líu của Moskva trong cuộc bầu cử này là “hoàn toàn chắc chắn.”

Ông tiết lộ, các đặc vụ Nga vẫn đang “ráo riết” hoạt động tình báo tại Đức.

Ngoài ra, cũng theo báo này, tình báo Đức lo ngại rằng Nga sẽ có những thông tin mật sau khi các tin tặc tấn công hệ thống máy tính của quốc hội nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục