"Nguy cơ tiếp tục sạt lở tại La Pán Tẩn vẫn rất cao"

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn nhận định, nguy cơ gây sạt lở vẫn cao do ở dưới khu vực tai nạn có khe sâu và đồi có vết nứt lớn.
Hôm nay, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn phối hợp cùng với Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái và các ban ngành đoàn thể tại địa phương tkiểm tra khu vực sạt lở, thăm hỏi, động viên gia đình có nạn nhân bị chết trong vụ sạt lở núi tại khu vực mỏ quặng số 1 và 2 xã La Pán Tẩn. Đại tá Vũ Thế Chiến, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, công tác tìm kiếm cứu nạn, ứng cứu của địa phương kịp thời, tổ chức tìm kiếm rộng, xử lý đúng tình huống nhằm đảm bảo khắc phục sự cố một cách nhanh nhất. “Địa phương đã huy động mọi lực lượng: bộ đội, công an, dân quân, đoàn thể xã  để nhanh chóng tìm kiếm và đưa người bị chết ra khỏi nơi sạt lở đồng thời cảnh giới, tránh xảy trường hợp người nhà tự tổ chức tìm kiếm có thể gây ra tai nạn kép.” Đại tá Chiến cũng cho rằng, quá trình tìm kiếm cứu nạn có tiếp tục hay không cần phải trả lời ba câu hỏi: Việc tìm kiếm cứu nạn như thế nào, nguyên nhân gây ra vụ sạt lở và biện pháp phòng tránh tai nạn do người dân vẫn tiếp tục mót quặng? Tại hiện trường, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng nhận định, nguy cơ gây sạt lở vẫn cao do ở dưới khu vực tai nạn có các khe sâu và đồi có vết nứt lớn.
"Nguy cơ tiếp tục sạt lở tại La Pán Tẩn vẫn rất cao" ảnh 1

Giải tỏa hàng nghìn khối đất đá để tìm kiếm thi thể nạn nhân (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
“Nguyên nhân gây tai nạn theo cảm nhận ban đầu không liên quan đến mỏ quặng. Mỏ khai thác quặng trong lòng núi trong khi sạt lở lại diễn ra trên đỉnh núi. Có thể nguyên nhân do nền đất yếu kết hợp với mưa gây nên sạt lở,” Đại tá Chiến tiết lộ. Cũng theo Đại tá Chiến, hiện nay, lực lượng đã tìm kiếm được 18 người chết và mất tích trong vụ sạt lở và đã xác định danh tính 16 người. “Tại khu vực sạt lở vẫn còn 2 nạn nhân chưa tìm được thi thể. Mặc dù các lực lượng đều cố gắng nhưng hi vọng ngày càng ít đi khi tìm kiếm toàn vẹn thi thể,” Đại tá Chiến chia sẻ. Theo thông tin tại hiện trường, hiện hai nạn nhân cuối cùng còn sót lại là hai anh em ruột Lý A Lềnh (sinh năm 1974) và Lý A Xinh (sinh năm 1978.) Đề cập đến việc tìm kiếm nhưng sẽ rất khó khăn, Đại tá Chiến cũng kiến nghị, nếu muốn dừng công tác tìm kiếm nạn nhân phải được sự đồng ý tự nguyện của gia đình. Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân xã sẽ phải làm công tác tư tưởng, động viên gia đình nạn nhân dừng công tác tìm kiếm vì quá trình cứu nạn có nguy cơ gây tai nạn cao do có mưa.
"Nguy cơ tiếp tục sạt lở tại La Pán Tẩn vẫn rất cao" ảnh 2

Đến cuối giờ chiều 11/9, công tác tìm kiếm thi thể nạn nhân vẫn bế tắc (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Nhằm chấn chỉnh và ngăn chặn người dân vào khu vực mót quặng, Đại tá Chiến cũng cho rằng, đường vào mỏ quặng vẫn xuất hiện nhiều vết nứt, người dân địa phương vẫn tiếp tục vào mót quặng. Vì thế, địa phương phải có những biện pháp giáo dục, tuyên truyền ngăn chặn để không gây ra những hậu quả tai nạn đáng tiếc vừa qua. Ông Hoàng Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cho rằng, tỉnh vẫn chỉ đạo phải tiếp tục tìm kiếm nạn nhân đang bị vùi lấp trong vụ sạt lở đồng thời giao cho huyện, xã thăm hỏi động viên nói rõ việc cố gắng tìm kiếm tới cùng nhưng sẽ không có hi vọng tìm được thi thể nguyên vẹn và mất rất nhiều thời gian. “Tính đến ngày hôm nay (11/9), các lực lượng tham gia cứu nạn đã có 5 ngày liên tiếp khắc phục hậu quả sự cố. Quan điểm của tỉnh là vẫn chỉ đạo tiếp tục công tác tìm kiếm người mất tích. Gia đình nạn nhân tự nguyện đồng ý dừng công tác tìm kiếm và có báo cáo lên huyện, tỉnh sẽ có ý kiến chỉ đạo dừng công tác tìm kiếm,” ông Nguyên khẳng định. Ông Nguyên cũng cho biết thêm, khi gia đình nạn nhân tự nguyện có đơn, thủ tục pháp lý dừng tìm kiếm thì công tác tìm kiếm, cứu nạn mới chấm dứt. Trước đó, nguy cơ xảy ra thảm họa La Pán Tẩn thậm chí đã được cảnh báo từ 2 năm trước. Vào chiều 22/8/2010, một mảng đất đá rộng hơn 2ha từ trên sườn núi cao đổ ập xuống, văng qua bờ suối phát ra một tiếng nổ như bom làm rung chuyển cả mặt đất, bùn đất bắn tung tóe cao cả chục mét, vùi lấp 7 người dân đang hái ngô trên đó. Một số người chạy thoát ngoái lại chỉ thấy một màu đỏ của đất và dòng nước đục ngầu chảy ra từ ruột núi... Ông Nguyễn Trọng Khang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mù Cang Chải cho biết, cũng như lần sạt lở đất trước đây ở xã Chế Cu Nha của huyện, trước khi xảy ra thảm họa thiên tai ở La Pán Tẩn, huyện đã chỉ đạo chính quyền xã tiến hành các cuộc họp để từng gia đình ký cam kết không được mót quặng tại các bãi thải trong vùng./.
Tú Lệ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục