Nguy cơ tương tác cúm

Nguy cơ xảy ra tương tác cúm H1N1 và cúm H5N1

Dịch cúm A/H1N1 tiếp tục diễn biến phức tạp vì có nguy cơ xảy ra sự tương tác giữa cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1 trong cộng đồng.
Tại cuộc họp thường kỳ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, chiều 9/12, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định, dịch cúm A/H1N1 tiếp tục diễn biến phức tạp vì có nguy cơ xảy ra sự tương tác giữa cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1 trong cộng đồng.

Theo điều tra nghiên cứu của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 tại Điện Biên vừa qua đã phát hiện thêm một người nhà của bệnh nhân có kết quả dương tính với cúm A/H1N1.

Trong khi đó, gia cầm được nuôi trong nhà bệnh nhân này đều mắc cúm gia cầm. Tiến sĩ Hiển cho rằng, khi hai loại virus này cùng chung sống trong một khu vực có thể dẫn đến nguy cơ hình thành chủng virus mới với độc lực mạnh hơn.

Do vậy, Viện đang tiến hành giám sát chặt chẽ diễn biến của ổ dịch để kịp thời ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cũng cho biết, tại Việt Nam, các chùm ca nhiễm cúm A/H1N1 đã giảm song cần đề phòng những bệnh nhân bị viêm phổi vì đa số các trường hợp này khi nhập viện đều có kết quả dương tính với cúm A/H1N1.

Bộ Y tế khuyến cáo, tất cả các bệnh nhân viêm phổi khi nhập viện phải được xét nghiệm PCR để chẩn đoán và điều trị cúm A/H1N1 kịp thời nhằm hạn chế tối đa tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo vắcxin cúm A/H1N1 đang sử dụng là an toàn, trong số 65 triệu người trên thế giới đã tiêm phòng vắcxin cúm A/H1N1 nhưng đến nay chưa phát hiện trường hợp nào tử vong. Với trường hợp lô vắcxin ở Canada gây phản ứng, WHO đang tiếp tục điều tra để làm rõ nguyên nhân.

Bộ Y tế cũng đã ban hành "Hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch cúm A/H1N1" thay thế Quyết định số 1846/QĐ-BYT ngày 27/5/2009 để kịp thời đối phó với đại dịch trong tình hình mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục