Nguy cơ ung thư từ các vật dụng bám khói thuốc

Theo nghiên cứu mới nhất, việc tiếp xúc với những vật dụng bám khói thuốc cũng là một hình thức đưa những chất độc hại vào cơ thể.
Không chỉ hít trực tiếp khói thuốc lá từ người khác mới được gọi là hút thuốc gián tiếp, mà việc tiếp xúc với những vật dụng bám khói thuốc cũng là một hình thức đưa những chất độc hại vào cơ thể.

Đây là kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí sức khỏe Environmental Science & Technology.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các loại thực phẩm cũng có thể tương tác với các thành phần hóa học trong khói thuốc để sản sinh ra những chất gây ung thư.

Khi một thành viên trong gia đình hút thuốc, khói thuốc sẽ bám vào bề mặt các sợi vải như thảm, quần áo, đồ đạc. Chúng cũng có thể lưu lại trên da người và các bề mặt khác như tấm chắn bùn nếu chúng ta hút thuốc trong ôtô.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất lại là sức khỏe của các em bé, bởi ngoài việc phải hít thở bầu không khí ô nhiễm do khói thuốc, các bé còn thường xuyên phải tiếp xúc với các vật dụng ám đầy nicotine khi trườn, bò hay tập đi trong nhà.

Vậy làm thế nào để có thể vừa làm dịu cơn thèm thuốc lá, lại vừa bảo vệ được người thân, đặc biệt là con cái của mình khỏi tác hại của khỏi thuốc? Tất nhiên, cai thuốc luôn luôn là một giải pháp tốt nhất.

Tuy vậy, các nhà khoa học cũng đưa ra một vài mẹo nhỏ giúp những người không đủ quyết tâm bỏ thuốc lá có thể hạn chế sự phát tán của khói thuốc. Đó là tắm và giặt quần áo ngay sau khi hút thuốc, tránh hút trong nhà.

Ngoài ra, nếu chẳng may ngôi nhà của bạn đã bị phủ đầy “sương khói,” hãy tìm đến những loại thuốc tẩy rửa chuyên nghiệp và an toàn, bởi bụi khói thuốc có thể đeo bám dai dẳng trên bề mặt đồ vật trong nhiều tháng liền./.

Phan Thiện (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục