‘Nguy cơ xảy ra động đất kích thích tại mỏ sắt Thạch Khê rất cao’

Ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cho rằng nếu triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê, nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường biển, động đất kích thích quanh khu vực mỏ là rất cao.
‘Nguy cơ xảy ra động đất kích thích tại mỏ sắt Thạch Khê rất cao’ ảnh 1Thi công bóc đất cát mỏ sắt Thạch Khê. (Nguồn ảnh: TTXVN)

“Nếu triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê, khi kết thúc khai thác, moong mỏ [đáy mỏ-pv] được cải tạo thành hồ chứa nước lớn với dung tích lên tới hàng trăm triệu m3 sẽ tạo áp lực rất lớn lên bờ và đáy mỏ, nguy cơ xảy ra động đất kích thích là rất cao.

Ngoài ra, nước thải mỏ không qua xử lý được đổ trực tiếp ra biển với khối lượng lớn có thể gây ra thảm họa môi trường biển hay không? Đây là vấn đề đặc biệt hệ trọng sau bài học về sự cố môi trường biển miền Trung năm 2016 vừa qua.”

Thông tin trên được ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đưa ra tại Hội thảo “Đánh giá và cân nhắc những vấn đề trước khi thực hiện hoạt động khai thác mỏ sắt Thạch Khê” diễn ra ngày 21/12 tại Hà Nội.

Kiến nghị “đóng cửa” mỏ sắt Thạch Khê

Chia sẻ thêm về mỏ sắt Thạch Khê, ông Văn cho biết, đây là mỏ sắt tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng 540 triệu tấn, nằm trên địa bàn 6 xã ven biển huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, do có một số vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện nên năm 2011 Thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng dự án để tái cơ cấu doanh nghiệp, vốn đầu tư, hoàn chỉnh thiết kế dự toán, giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng tái định cư.

Xuất phát từ nhiều băn khoăn, lo ngại về tác động, ảnh hưởng của dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã xem xét, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, từ đó đi đến quyết định đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ cho dừng hẳn dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Lý giải cho kiến nghị trên, ông Văn cho biết, trong điều kiện tự nhiên, nếu mở moong khai thác lượng nước chảy vào mỏ, đặc biệt là dòng nước từ biển chảy vào sẽ rất lớn (dự tính khoảng 3,2 triệu m3), dẫn đến nguy cơ sạt lở tầng khai thác và bờ mỏ trên các tuyến đường vận tải trong biên giới mỏ.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án điều chỉnh khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt năm 2013 cũng đề cập khi khai thác xuống độ sâu âm 550m sẽ bị tụt nước ngầm và bán kính của vùng bị hạ thấp mực nước ngầm khoảng 3,5 km.

Trong khi đó, các tính toán và giải pháp về ổn định bờ mỏ và thoát nước mỏ khi khai thác xuống độ sâu âm 145m của dự án là chưa chắc chắn, chưa an toàn trong trường hợp rủi ro. Bộ Công Thương khi thẩm định thiết kế kỹ thuật dự án cũng nêu “trong quá trình khai thác xuống sâu, các rủi ro tác động bởi nước ngầm có thể xảy ra các thảm hoạ tụt bờ.”

[Những mỏm núi tang thương ở Hòa Bình: ‘Oan hồn núi đá’ vẫn khóc than!]

Mặt khác, do mỏ nằm sát biển trong vùng tiềm ẩn rất nhiều dạng thiên tai nên việc xây dựng đê, kè đập chắn chân bãi thải lấn biển là giải pháp bắt buộc. Song, với tổng khối lượng 171 triệu m3 chất thải (đất, đá, cát) trong phạm vi dọc bờ biển khoảng 5,2km và lấn rộng ra biển khoảng 1,6km, chiều dài đê chắn cát là 9,183km sẽ gây nguy cơ rất cao về vấn đề môi trường, sinh thái, dòng chảy ven bờ biển.

Ngoài ra, dự án cũng chưa có đánh giá tác động ảnh hưởng đến vùng nuôi trồng, đánh bắt hải sản khu vực bãi ngang, khu du lịch ven biển (Thiên Cầm, Thạch Bằng, Thạch Hà) và tác động môi trường, tụt nước ngầm, sụt lở đất (do khai thác đến độ sâu trên 500m) đến các huyện lân cận.

Về vấn đề đổ nước thải mỏ ra biển gây nhiễm môi trường, ông Văn khẳng định, ĐTM xác định có nhiều độc tố; nước thải mỏ khối lượng lớn được bơm từ moong mỏ, đổ vào hồ chứa diện tích 2ha để lắng tự nhiên, theo kênh dẫn đổ thẳng ra sông Thạch Đồng, biển Thạch Hải.

Dù rằng, “chưa thể khẳng định được tác động tích lũy của các kim loại nặng, độc hại đi kèm quặng sắt trong cả quãng thời gian của dự án 50 năm có thể gây ra thảm họa môi trường biển hay không, nhưng đây là vấn đề đặc biệt hệ trọng sau bài học về sự cố môi trường biển miền Trung năm 2016 vừa qua,” ông Văn lo ngại.

‘Nguy cơ xảy ra động đất kích thích tại mỏ sắt Thạch Khê rất cao’ ảnh 2Mỏ sắt Thạch Khê. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Nguy cơ động đất kích thích

Trên thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt và công bố phân vùng bão và xác định nguy cơ bão và nước dâng do bão khu vực biển Việt Nam, trong đó có xác định vùng biển Hà Tĩnh có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão cấp 15 và cấp 16 nước dâng trong bão có thể lên đến 4,5m, trường hợp có triều cường thì nước dâng 5,7m đến 6,2 m.

Việc nước dâng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến các vùng xung quanh. Điển hình như trận mưa lũ vào tháng 10/2010 ở Hà Tĩnh đã gây sự cố bùn chảy khu vực bãi thải làm ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp của người dân.

“Đặc biệt, theo tài liệu nghiên cứu động đất thì khu vực Thạch Khê thuộc vùng có hoạt động động đất mạnh đến cấp 8 và từng xẩy ra động đất cấp 6 độ richter. Do đó trong quá trình khai thác nếu có động đất thì sẽ hết sức nguy hiểm,” ông Văn nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cũng lưu ý, trong trường hợp triển khai dự án, khi kết thúc khai thác, moong mỏ được cải tạo thành hồ chứa nước có diện tích lớn, độ sâu lớn (-500m), với dung tích chứa lên tới hàng trăm triệu m3 nước sẽ tạo áp lực lên bờ và đáy mỏ, nguy cơ xẩy ra động đất kích thích là rất cao.

Trên phương diện chuyên gia độc lập, ông Phạm Quang Tú, đại diện Liên minh Khoáng sản cho rằng quặng sắt ở Thạch Khê nằm dưới mực nước biển, ở độ sâu từ 40 đến âm 550m, có chỗ sâu hơn, vì thế việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ gặp nhiều khó khăn, không đạt hiệu quả mong muốn.

Ông Tú cũng nêu 6 nguy cơ, rủi ro về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê như khó khăn về chống ngập và rủi ro trong giữ ổn định bờ mỏ do moong khai thác nằm sát bờ biển; rủi ro về gặp hang động ngầm trong quá trình đào sâu để khai thác mỏ; tác động tiêu cực về môi trường xung quanh do đổ thải.

[28 doanh nghiệp bị đưa vào diện kiểm soát môi trường đặc biệt]

 

Ngoài ra, còn có các nguy cơ nhiễm mặn và hoang mạc hóa vùng cồn cát ven biển của huyện Thạch Hà, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân bị di dời và những người dân sống lân cận vùng khai thác mỏ. Cuối cùng là khó khăn về vốn của chủ đầu tư và hiệu quả kinh tế tổng thể của dự án.

Có chung quan điểm, giáo sư, tiến sĩ Đặng Trung Thuận, Hội Địa hóa Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh dự án mỏ sắt Thạch Khê đang gây ra nhiều tiềm ẩn về thảm họa môi trường, thiên tai, thì việc chấm dứt hoạt động mỏ là phương án cần tính toán.

“Theo phương án này, cái được là tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm; cái mất là phải chấp nhận mất một khoản vốn đầu tư lớn ban đầu (1.589,59 tỷ đồng), mà việc dựa vào kinh doanh khác để bù lại là không phải dễ dàng,” ông Thuận nói.

Tuy nhiên, ông Thuận cũng lữu ý rằng đây không phải mất trắng vì khoản tiền đền bù di dân tuy lớn nhưng có thế xem như là “quà” của nhà nước và doanh nghiệp cho cộng đồng cư dân nghèo khó của huyện Thạch Hà. Mặt khác, không khai thác mỏ sắt Thạch Khê trong giai đoạn hiện nay cũng đồng nghĩa rằng thế hệ hiện nay để dành có chủ đích "món quà" này cho con cháu về sau.

Ngoài ra, vị chuyên gia đến từ Hội Địa hóa Việt Nam cũng cảnh báo, nếu triển khai dự án theo cách đánh đổi kinh tế và rủi ro môi trường không khôn khéo ắt sẽ dẫn đến đổ vỡ kinh tế vì không bền vững, đổ vỡ cả môi trường và xã hội, lúc đó sẽ phải đối mặt với những vấn đề môi trường nghiêm trọng phát sinh do phát triển kinh tế.

Ông Đỗ Khoa Văn cho rằng quan điểm tiến bộ ngày nay là bảo vệ môi trường ngang bằng với phát triển kinh tế, không đánh đổi môi trường bằng mọi giá; ổn định để phát triển, trong đó phải xem xét lợi ích  toàn cục, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân trong vùng dự án.

“Từ góc nhìn và quan điểm đã nêu ở trên, tỉnh Hà Tĩnh đã kiến nghị dừng hẳn dự án này. Các Bộ liên quan cũng có văn bản trình Chính phủ, cơ bản đồng tình quan điểm của Hà Tĩnh. Hy vọng Bộ Chính trị và Chính phủ có quyết định sớm và dứt khoát về việc này trong thời gian tới,” ông Văn nhấn mạnh./.

Mỏ sắt Thạch Khê được biết đến là mỏ sắt tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng 540 triệu tấn, nằm trên địa bàn 6 xã ven biển thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư. Trữ lượng khai thác, thiết kế 369 triệu tấn. Diện tích khai trường đến khi kết thúc là 527 ha, đáy mỏ 6,75ha. Thời gian tồn tại của mỏ là 52 năm.

Do đó có một số vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện nên Thủ tướng Chính phủ đã tạm dừng hoạt động của dự án từ năm 2011.

Từ khi khởi công năm 2008 đến 2011, chủ đầu tư đã thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ được 12,7 triệu m3, đến độ sâu âm 34m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng nguyên khai.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục