Nguy cơ mất an toàn khai thác than từ những túi nước sau mưa

Nguy hiểm trong hầm khai thác than từ túi nước ngầm sau mưa

Sau mỗi đợt mưa lớn, tại các hầm lò khai thác than luôn tiềm ẩn những nguy hiểm bởi những túi nước ngầm được hình thành do bị ngấm, cộng với nền địa chất yếu.
Nguy hiểm trong hầm khai thác than từ túi nước ngầm sau mưa ảnh 1Lực lượng chức năng được huy động xuống hiện trường tìm kiếm cứu hộ các nạn nhân vụ sập hầm lò. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Trận mưa lũ lớn nhất trong vòng 40 năm qua, kéo dài từ ngày 25/7 đến 5/8 tại Quảng Ninh đã để lại hậu quả nặng nề.

Mưa lớn không chỉ gây thiệt hại khoảng 1.200 tỷ đồng cho ngành than, làm ngập lụt nhiều vùng, làm hư hại nhiều tài sản, thiết bị máy móc phục vụ việc khai thác than mà còn làm xuất hiện nhiều vị trí đất bị no nước và tạo thành hồ (các moong than và nơi trũng), nền địa chất khu vực bị yếu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho sản xuất, đặc biệt là ở các hầm lò khai thác than.

Điển hình nhất là vụ tai nạn lao động vừa xảy ra rạng sáng 20/8, một túi nước lớn bị bục ở lò than Thành Công khiến tổ công nhân của Công ty Than Hòn Gai gặp nạn với 1 công nhân tử vong, 10 người bị thương và đến 9 giờ 30 ngày 21/8 vẫn còn 1 người bị mắc kẹt trong hầm lò.

Sự cố về bục túi nước đường lò vừa xảy ra ở Công ty Than Hòn Gai đã được Công ty cũng như Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam dự báo và có phương án phòng ngừa.

Ông Bùi Khắc Thất, Giám đốc Công ty Than Hòn Gai cho biết sau mỗi đợt mưa lớn, tại các hầm lò khai thác than luôn tiềm ẩn những nguy hiểm. Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Công ty Than Hòn Gai đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn cao nhất trong lao động sản xuất.

Một trong những giải pháp là tiến hành thăm dò, phát hiện sớm các túi nước để xử lý trước khi đưa công nhân vào khai thác than. Đáng tiếc, sự cố bục túi nước trong hầm lò ở công trường Thành Công xảy ra khi tổ công nhân gồm 12 người đang thực hiện việc khoan thăm dò các túi nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành than trận mưa lịch sử hồi cuối tháng 7 đầu tháng 8 đã gây ngập toàn bộ công trường Cái Đá (khai trường Than Thành Công). Công ty Than Hòn Gai phải làm bờ để ngăn nước tràn ngập đường lò.

Trong 10 ngày (từ ngày 26/7 đến ngày 5/8) bị ngập nước, túi nước ngầm được hình thành do bị ngấm, cộng với nền địa chất yếu. Đây chính là tác nhân gây ra sự cố bục túi nước bất ngờ vào rạng sáng 20/8.

Ngay sau đợt mưa lũ lịch sử, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc áp dụng các biện pháp phòng ngừa trong lao động nhằm tránh nguy cơ mất an toàn, trong đó có vấn đề các túi nước trong hầm lò đã được nhấn mạnh. Tổng Giám đốc Tập đoàn đã ban hành các chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc chú trọng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình khắc phục sự cố mưa lũ.

Theo đó, đối với các mỏ than hầm lò (đặc biệt là các mỏ than Mông Dương, Quang Hanh, Dương Huy, Hạ Long, Hòn Gai, Nam Mẫu), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc các Công điện, Chỉ thị của Tập đoàn về tăng cường ứng phó với mưa lũ; rà soát lại tất cả các phương án ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn để xác định cụ thể sát hợp với các nguy cơ mất an toàn và có biện pháp phòng ngừa phù hợp; tổ chức lập biện pháp thiết kế thi công, biện pháp an toàn cho tất cả các vị trí sản xuất, các công trình kiến trúc, đường lò để đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam yêu cầu các mỏ phải khảo sát nghiên cứu kỹ tình trạng kỹ thuật, điều kiện sử dụng ở các đường lò, lò chợ để dự báo và phòng tránh các hiện tượng sập đổ, hiện tượng chứa nước phía trên và các lò cũ dễ gây đến sự cố bục nước.

Các mỏ cũng cần thường xuyên cập nhật, theo dõi tình trạng kỹ thuật của các đường lò, khu vực khai thác cũ, đặc biệt là các hiện tượng về tích tụ khí mỏ để kịp thời có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Đối với các mỏ đang bị ngập nước do nước mặt thẩm thấu hoặc chảy xuống từ các lộ vỉa phía trên hoặc khu vực đã khai thác, phải tổ chức khảo sát thường xuyên các moong lộ thiên và bề mặt địa hình để có biện pháp khắc phục triệt để; không để nước tồn đọng hoặc thẩm thấu chảy xuống hầm lò qua khu vực đã khai thác phía trên.

Tổng Giám đốc Tập đoàn cũng lưu ý các mỏ cần giải quyết tốt việc thoát nước theo các tầng khai thác, hạn chế tối đa nước mặt ở tầng khai thác phía trên chảy xuống tầng khai thác phía dưới.

Ngay sau khi xảy ra sự cố bục túi nước hầm lò khai thác than, ngày 20/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, sát thực tế đến tận các hầm lò, khai trường và các bãi thải của đơn vị mình để chủ động xử lý, đề phòng các sự cố sập đổ, sạt lở, bục nước tại các hầm lò, khu vực bãi thải các vị trí sản xuất; có biện pháp củng cố vững chắc các đường lò nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối khi đi vào sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục