Chàng trai Vàng bơi lội VN

Nguyễn Hữu Việt - chàng trai Vàng của bơi lội VN

Nguyễn Hữu Việt nổi bật nhất trong làng "kình ngư" Việt Nam những năm gần đây, bởi một loạt những thành tích mà anh đã có được.
Trong danh sách Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà (Asian Indoor Games III - Việt Nam 2009), đội tuyển bơi của nước chủ nhà có sự góp mặt của hầu hết những "kình ngư" hàng đầu như Nguyễn Hữu Việt, Đỗ Huy Long, Võ Thái Nguyên, Nguyễn Thanh Hải.

Trong số này, vận động viên Nguyễn Hữu Việt (Hải Phòng) nổi bật hơn hẳn với cự ly sở trường bơi 100 mét ếch nam với kỷ lục mới thiết lập ở Giải bơi lội vô địch quốc gia vừa diễn ra trong tháng 9/2009 với thành tích 1' 02'' 05 (kỷ lục cũ 1' 02'' 17 do Việt lập tại Giải bơi vô địch thế giới ở Roma, Italia vào tháng 7/2009).

PV Vietnam+ đã có cuộc trao đổi cởi mở với chàng trai Vàng của bơi lội Việt Nam trước thềm AIG III

Chúc mừng kỷ lục quốc gia mới thiết lập của Việt ở cự ly bơi 100 mét sở trường, em hài lòng chứ?

Hữu Việt: Đây là một mốc để em tiến lên những dấu ấn mới. Em vui vì đạt được thành tích này. Nhưng đối với em,  SEA Games mới là đấu trường chính. Mục tiêu sắp tới của em là rút ngắn thời gian bơi 100 mét ếch xuống dưới 1' 02''.

Thành tích này có được là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cho em đi tập huấn thường xuyên ở Trung Quốc, cộng thêm với chế độ dinh dưỡng, thuốc men đầy đủ. Em nghĩ, mốc 1' 02'' cho cự ly bơi 100 mét, nếu nỗ lực hết sức thì có thể làm được.

Trong giai đoạn tập huấn ở Côn Minh (Trung Quốc) chuẩn bị cho những sân chơi lớn như AIG III và SEA Games 25 sắp tới, một ngày tập luyện của em như thế nào?

Hữu Việt: Buổi sáng, bọn em tập liên tục từ  8 giờ đến 11 giờ 30. Chiều từ 15h 30 đến 17 giờ 30, có khi đến 18 giờ. Nói chung, công việc tập luyện cho AIG III trước mắt và kế tiếp là SEA Games vẫn được các thầy và ban huấn luyện yêu cầu toàn đội tuyển thực hiện nghiêm chỉnh, đúng giáo án đề ra.


Tập luyện ở Côn Minh (Trung Quốc) thì cơ sở vật chất có nhiều cái hiện đại hơn. Vấn đề ăn, uống, ngủ, nghỉ, các trang thiết bị tập luyện của họ hơn mình. Đây là điều kiện để vận động viên tập luyện đạt hiệu suất cao nhất, qua đó nâng cao thành tích của mình lên, góp phần vào sự thành công của thể thao nước nhà.

Việt có biết những thông tin mới về những đối thủ mà mình sẽ phải đương đầu không?


Hữu Việt: Thầy cũng hay thường xuyên lên mạng Internet để tìm kiếm thông tin về đối thủ khi họ tham gia các giải đấu như Singapore mở rộng, Hồng Kông (Trung Quốc) mở rộng, qua đó nắm bắt thêm được một vài thông tin hữu ích về đối thủ của em. Còn việc tập luyện của họ thì em không biết được vì họ "giấu" bài (cười).

Nếu tự đánh giá, Việt thấy so với các đối thủ khác mình thế nào?

Hữu Việt: Không thể khẳng định chắc 100% là mình "nuốt" được họ. Họ cũng không thể nào chắc chắn là họ "ăn" được mình. Theo em, đã ra đến đấu trường thì cơ hội chia đều 50/50 thôi. Người nào vững vàng hơn, tự biết khẳng định chính mình hơn thì người đó sẽ có ưu thế để hướng về chiến thắng.

Đối với em, việc áp dụng công nghệ với những bộ đồ bơi hay thuốc thang dinh dưỡng thì những nhân tố đó cũng chỉ chiếm khoảng 10% thành công thôi. Phần còn lại là phải dựa vào sự chăm chỉ luyện tập của bản thân dưới sự hướng dẫn chu đáo, bài bản và tỉ mỉ của các thầy trong ban huấn luyện.

Việt cho rằng mình đã khai thác hết sức lực chưa?


Hữu Việt: Chính em cũng chưa thể chắc là đã hết sức hay là chưa. Con nguời mà anh. Năm nay em 21 tuổi, ừ thì bảo là ở giải đấu này bơi thế đã là hết sức rồi nhưng có khi đến giải sau, vì một yếu tố nào đó mà mình lại có thể "quật" sức tiến lên thì sao.

Cứ nhìn vận động viên điền kinh nổi tiếng người Jamaica Usain Bolt. Một năm trước tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008, anh đã phá kỷ lục thế giới do chính mình lập ra chỉ hai tháng trước đó ở cự ly 100 m nước rút với thành tích 9'' 69. Trong Giải vô địch điền kinh thế giới 2009 vừa rồi, anh lại một lần nữa phá kỷ lục của chính mình với thành tích 9'' 58, thấp hơn kỷ lục cũ đến 0,11 giây.

Nếu so sánh với các lần phá kỷ lục trước đây trong lịch sử điền kinh, thì mức chênh lệnh hơn 1/10 giây này rất đáng kinh ngạc. Có thể thấy, Bolt chỉ mất đúng một năm để rút ngắn kỷ lục thế giới đến 0,11 giây, trong khi để làm được điều tương tự trong quá khứ, vận động viên thường phải mất xấp xỉ 10 năm hoặc hơn nữa.

Đối với em, tập luyện vất vả thật đấy nhưng đã xác định nghiệp thi đấu thể thao thì vẫn quyết tâm theo đến cùng, bởi lẽ, những thành tích mà vận động viên có được thì đấy là niềm vui lớn nhất rồi./.
Minh Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục