Nguyên nhân châu Âu gặp khó khăn kinh tế lâu dài

Mạng tin "Project syndicate" ngày 3/12 nhận định nguyên nhân chính khiến châu Âu sa vào cuộc khủng hoảng không có lối thoát hiện nay là do châu lục này chỉ đưa ra những giải pháp kinh tế tạm thời.

Theo mạng tin trên, người dân các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhất là người dân những nước gặp nhiều khó khăn như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, đang rất lo lắng về tỷ lệ thất nghiệp cao, tình trạng đói nghèo tăng, kinh tế tiếp tục sụt giảm mạnh và làn sóng di cư ồ ạt sang các nước có nền kinh tế mạnh hơn như Đức.
Mạng tin "Project syndicate" ngày 3/12 nhận định nguyên nhân chính khiến châu Âu sa vào cuộc khủng hoảng không có lối thoát hiện nay là do châu lục này chỉ đưa ra những giải pháp kinh tế tạm thời.

Theo mạng tin trên, người dân các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhất là người dân những nước gặp nhiều khó khăn như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, đang rất lo lắng về tỷ lệ thất nghiệp cao, tình trạng đói nghèo tăng, kinh tế tiếp tục sụt giảm mạnh và làn sóng di cư ồ ạt sang các nước có nền kinh tế mạnh hơn như Đức.

Bài báo nhận định sở dĩ kinh tế châu Âu khó ổn định là vì các chính phủ không tìm ra được phương thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và đảm bảo ổn định tài chính. Tiến trình tìm kiếm này càng dài, kinh tế châu Âu càng suy yếu.

Giải thích về điều này, mạng tin đưa ra 3 lý do sau. Thứ nhất, kinh tế Eurozone có độ kết nối rất cao. Vì vậy, các nền kinh tế thành viên, dù mạnh như Đức hay Pháp, cũng khó lòng "miễn dịch" hoàn toàn với căn bệnh đang hoành hành trong khu vực.

[Khủng hoảng Eurozone bắt đầu lan sang Đức, Pháp]

Cụ thể trong trường hợp của Đức, nước này từng nghĩ rằng họ có thể "miễn dịch" với những khó khăn đang xảy ra song thực tế cho thấy, kinh tế Đức vẫn bị suy giảm do tỷ lệ thất nghiệp cao. Tăng trưởng kinh tế của Đức trong quý III/2012 giảm xuống còn 0,2% và có thể sẽ tăng trưởng âm trong quý 4 năm nay.

Lý do thứ hai là Eurozone cần có thêm rất nhiều tiền để hỗ trợ cho các nền kinh tế yếu trong khu vực. Hiện tại đã có tới 4 nước thành viên yêu cầu được nhận tài trợ chính thức, gồm Síp, Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.

Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng đang yêu cầu được trợ giúp hàng tỷ euro để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng đang hoạt động èo uột.

Lý do thứ ba là khó khăn về kinh tế đang lan ra ngoài 17 quốc gia thành viên Eurozone. Cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực này đang làm lung lay nền tảng hợp tác trong Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên, dẫn đến thất bại mới đây của một hội nghị cấp cao về ngân sách EU.

Ngoài ba lý do dẫn đến nguyên nhân chính khiến kinh tế Eurozone khó phục hồi như đã nói trên, mạng tin "Project syndicate" còn đưa ra một nguyên nhân quan trọng khác liên quan đến việc các nước đặt gánh nặng và niềm tin quá lớn vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Theo mạng tin, ECB chỉ có thể trì hoãn kịch bản xấu nhất xảy ra đối với Eurozone, chứ không thể tạo ra ổn định kinh tế lâu dài cho khu vực này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục