Nguyên nhân khiến Trung Quốc "đảo chiều" quan hệ với Nhật Bản

Trung Quốc đã chủ động sắp đặt việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản và Nhật Bản dường như cũng cảm nhận được mong muốn cải thiện quan hệ hợp tác song phương từ phía Trung Quốc.
Nguyên nhân khiến Trung Quốc "đảo chiều" quan hệ với Nhật Bản ảnh 1Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng hk.weibo.com (Hong Kong) đưa tin trong chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Nhật Bản kể từ khi nhậm chức năm 2013, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chính thức tuyên bố quan hệ Trung-Nhật đã bình thường trở lại.

Tuyên bố này cho thấy quan điểm của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại với Nhật Bản đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt.

Bắc Kinh đã có những nước đi chủ động cải thiện quan hệ hợp tác với Tokyo, muốn thông qua Tokyo để cải thiện quan hệ Trung-Mỹ.

Bài báo viết, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, Trung Quốc buộc phải thay đổi cách tiếp cận trong quan hệ với Nhật Bản.

Gần đây, cơ quan kiểm ngư của Trung Quốc đã yêu cầu các ngư dân không được phép đánh bắt cá gần khu vực đảo tranh chấp Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông.

Động thái này được cho là Trung Quốc đang thúc đẩy việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Việc căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hay kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên được dự báo có thể mở đường cho những thay đổi mang tính lịch sử trên bán đảo Triều Tiên.

[Thủ tướng Nhật Bản có thể thăm Trung Quốc trong tháng 11]

Ưu tiên của Trung Quốc là đảm bảo lợi ích trên bán đảo Triều Tiên và khôi phục quan hệ với Mỹ. Do đó, Bắc Kinh có lý do để thực thi các chính sách cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là người thường xuyên điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump để bàn về các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Đây chính là một lợi thế của ông Shinzo Abe. Trung Quốc có thể tính đến lợi ích của mình khi thường xuyên liên lạc với Shinzo Abe.

Trung Quốc đã chủ động sắp đặt việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản, đồng thời tuyên bố quan hệ song phương giữa hai nước đã quay trở lại quỹ đạo.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thăm chính thức Nhật Bản và cũng không đề cập nhiều đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.

Hơn nữa, Thủ tướng Lý Khắc Cường còn bày tỏ sự ủng hộ quan điểm giải quyết vấn đề con tin của Nhật Bản đối với Triều Tiên.

Nhật Bản dường như cũng cảm nhận được mong muốn cải thiện quan hệ hợp tác song phương từ phía Trung Quốc.

Hiện tại, Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề chính trị trong nước, song Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn mời ông sang thăm chính thức Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định sẽ có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Nhật Bản vào tháng 6/2019 khi tham dự hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka (Nhật Bản).

Điều này cho thấy khả năng khôi phục hoàn toàn việc trao đổi chuyến thăm của các nguyên thủ giữa hai nước là rất cao.

Nhà báo Katsuji Nakazawa cho rằng hiện nay việc cạnh tranh với Trung Quốc để cung cấp các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng giá rẻ ở nước ngoài sẽ rất khó khăn. Do đó, Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế vì đây mới chính là lĩnh vực có thể đem lại lợi ích cho Nhật Bản.

Sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Nhật Bản thực sự là đáng ca ngợi. Tuy nhiên, Nhật Bản cần phải có những cân nhắc kỹ lưỡng và đặt ra câu hỏi tại sao Trung Quốc lại có sự thay đổi tích cực như vậy để tìm ra những bước đi phù hợp. Nếu không, quan hệ giữa hai nước có thể sẽ đảo chiều và rơi xuống vực thẳm./.

 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục