Nguyên nhân thực sự gây ra khủng hoảng nợ khu vực Thái Bình Dương

Liệu có phải Trung Quốc đã sử dụng ngoại giao bẫy nợ thông qua việc tìm cách gây ra vấn đề nợ để thu được những nhượng bộ chính trị tại khu vực Thái Bình Dương?
Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương đang khiến giới chức Australia và các đối tác tại Mỹ quan ngại. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương đang khiến giới chức Australia và các đối tác tại Mỹ quan ngại. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Roland Rajah, Giám đốc Chương trình Kinh tế Quốc tế tại Viện Lowy, vừa có bài bình luận đăng tải trên trang The Australian.

Mở đầu bài viết, tác giả nhận định khoảng hai năm qua, sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương đã luôn khiến giới chức Australia và các đối tác của họ tại Mỹ quan ngại.

Tuy nhiên, những cảnh báo về cái gọi là ngoại giao bẫy nợ dường như đã bị phớt lờ ở Thái Bình Dương.

Tháng trước, Quần đảo Solomon và Kiribati tuyên bố chuyển hướng quan hệ ngoại giao từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) sang Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cũng đã có mặt ở Samoa để tham dự một diễn đàn phát triển kinh tế lớn Trung Quốc-Thái Bình Dương, mặc dù chưa rõ trọng tâm chi tiết của diễn đàn này là gì.

Vậy câu hỏi được đặt ra lúc này là Trung Quốc có thực sự sử dụng ngoại giao bẫy nợ, thông qua việc tìm cách gây ra vấn đề nợ để thu được những nhượng bộ chính trị?

Cuộc tranh luận diễn ra trên quy mô toàn cầu và cả ở Thái Bình Dương hiện vẫn chưa ngã ngũ, với một số lời buộc tội thiếu thông tin nền tảng, trong khi một số khác lại đang rất cẩn trọng.

Bản báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Lowy đã cung cấp một đánh giá có hệ thống các bằng chứng tại Thái Bình Dương, bằng cách sử dụng số liệu duy nhất từ Viện Bản đồ Thái Bình Dương vừa được cập nhật gần đây.

[Australia sẵn sàng hợp tác Trung Quốc trong dự án hạ tầng chất lượng]

Bản báo cáo cho thấy trái ngược với câu chuyện về bẫy nợ, Trung Quốc không phải là động lực chính dẫn đến gia tăng rủi ro nợ ở Thái Bình Dương mà chính các thảm họa thiên nhiên mới là nhân tố đóng vai trò to lớn hơn rất nhiều, tạo ra rủi ro tại khu vực này.

Trung Quốc không phải đột nhiên trở thành nước chủ nợ thống trị tại khu vực để từ đó thực hiện đòn bẩy đáng kể với các quốc gia Thái Bình Dương.

Trên khắp khu vực này, các chủ nợ truyền thống, đáng chú ý là các ngân hàng phát triển đa phương, vẫn đóng vai trò lớn hơn nhiều.

Tonga là quốc gia duy nhất mà Trung Quốc là chủ nợ chi phối. Tuy nhiên, đây không chính xác là một vị trí thuận lợi, Trung Quốc đã hai lần đồng ý hoãn việc trả nợ cho Tonga và nhận về rất ít lợi nhuận đối ứng.

Trong khi đó, các điều khoản cho vay của Trung Quốc cũng khó tạo ra sự áp đảo. Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, các khoản cho vay nước ngoài của Bắc Kinh thường đi kèm với lãi suất thị trường, nhưng dường như tại Thái Bình Dương, điều khoản này xuất hiện cẩn trọng hơn, với phần lớn khoản vay đủ điều kiện ưu đãi để được xét như các khoản viện trợ.

Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất là liệu Trung Quốc có cho các quốc gia hiện đang đối mặt với vấn đề nợ bền vững vay mượn hay không.

Viện Lowy đã so sánh các khoản vay của Trung Quốc với bảng xếp hạng nợ bền vững hiện hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho các quốc gia đi vay, tại thời điểm mỗi khoản vay được ký kết.

Tại đây, báo cáo của Viện Lowy cho thấy, trong 90% các trường hợp, các quốc gia vay mượn Trung Quốc thuộc phạm vi có khả năng trả nợ tại thời điểm ký kết. Chỉ 10% trường hợp còn lại đã nhận các khoản vay của Trung Quốc có vẻ là có vấn đề.

Tuy nhiên, so sánh Trung Quốc với các nhà cho vay chính thức khác trong khu vực, có thể thấy nước này không phải là một ngoại lệ quá lớn.

Do đó, các bằng chứng đi tới kết luận rằng Trung Quốc không tham gia vào ngoại giao bẫy nợ ở Thái Bình Dương, ít nhất là chưa.

Tuy nhiên, xét trên góc độ tương lai, báo cáo của Viện Lowy cho rằng vẫn có nhiều nguyên nhân gây lo ngại do quy mô cho vay của Trung Quốc và việc thiếu các cơ chế thể chế mạnh mẽ để bảo vệ nợ bền vững của các nước đi vay.

Hầu hết các quốc gia Thái Bình Dương hiện đang mắc nợ Trung Quốc đều có rất ít khả năng nhận thêm nợ.

Điều này dẫn đến việc Trung Quốc không thể duy trì vai trò là người chơi chính tại khu vực thông qua mô hình hiện tại về các khoản vay giá rẻ như những lời cáo buộc nước này sử dụng bẫy nợ từ các nhà phê bình.

Để tránh điều này, Trung Quốc cần cơ cấu lại cách tiếp cận, đặc biệt thông qua biện pháp chuyển sang cung cấp hỗ trợ nhiều hơn là cho vay.

Vậy liệu nợ của Trung Quốc có phải là vấn đề đối với các quốc gia Thái Bình Dương hay không?

Theo bản báo cáo, điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng quốc gia. Đối với những nước mắc nợ cao, chẳng hạn như Samoa, Tonga và Vanuatu, việc nhận thêm các khoản nợ của Trung Quốc sẽ mang lại rủi ro đáng kể.

Tuy nhiên, tại sao Quần đảo Solomon và Kiribati không đặc biệt lo lắng về việc bị cuốn vào bẫy nợ của Trung Quốc?

Hiện nợ ở cả hai quốc đảo này đều tương đối thấp và hầu hết có khả năng nhân nhượng cao. Do đó, mọi khoản vay của Trung Quốc cho hai quốc đảo này cũng có thể sẽ được giảm một cách hợp lý.

Điều này không có nghĩa là hoàn toàn không phải lo lắng. Mặc dù vậy, mối nguy hiểm thực sự đối với khu vực Thái Bình Dương vào thời điểm này không phải là nợ quá nhiều mà là rủi ro của vấn đề quản lý và quản trị kém, đi kèm với viện trợ của Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục