Nguyên nhân thương chiến Mỹ-Trung có thể kéo dài và đau đớn

Mỹ và Trung Quốc dường như vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình, không chịu nhượng bộ theo những cách thức rất khó để xử lý tranh chấp thương mại mà lại vẫn giữ được thể diện mỗi bên.
Nguyên nhân thương chiến Mỹ-Trung có thể kéo dài và đau đớn ảnh 1Cảng hàng hóa ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đối đầu thương mại Mỹ-Trung có thể còn kéo dài, gây thiệt hại lớn cho cả hai.

Nguyên nhân là do sự thu hẹp của tính “mập mờ hữu ích” (trong quá trình đàm phán) vốn là điểm then chốt dẫn dắt các bên đưa ra một thỏa thuận nào đó và coi đó là chiến thắng cho bên minh.

Tờ New York Times ngày 14/5 phân tích vấn đề này như sau:

Mới hai tuần trước, Mỹ và Trung Quốc dường như đã tiến rất gần đến một thỏa thuận thương mại giúp giải quyết căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới.

Nhưng sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán kể từ khi Mỹ tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và đang đe dọa tiếp tục đánh thuế bổ sung với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại khiến những nhà nghiên cứu ngoại giao, kinh tế quốc tế lo lắng.

[Mega Story] Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Chệch hướng ở cuối đường

Đó là bởi cả Mỹ và Trung Quốc dường như vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình, không chịu nhượng bộ theo những cách thức rất khó để xử lý tranh chấp thương mại mà lại vẫn giữ được thể diện mỗi bên.

Việc giữ thể diện vốn thường giúp đưa các cuộc đàm phán gai góc tiến tới thỏa thuận. Nói theo ngôn ngữ đàm phán thông thường, hiện chưa rõ đâu sẽ là ngã rẽ giúp giảm căng thẳng và ngăn chặn một cuộc chiến tranh thương mại lớn mà sẽ khiến cả hai phải trả giá đắt.

Thực tế, ông Trump coi cẳng thẳng thương mại tiếp diễn với Trung Quốc mang lại cho ông hiệu ứng chính trị tích cực và chính Trump- bằng quan điểm đối lập với các nhà kinh tế truyền thống- cho rằng thuế là lý do khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh thời gian gần đây.

Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể không tiết lộ suy nghĩ tức thời trên mạng xã hội Twitter, nhưng họ quan niệm những yêu sách mà Mỹ đặt ra sẽ khiến Trung Quốc phải hy sinh nhiều cấu thành cốt lõi trong chiến lược kinh tế và an ninh quốc gia, đặc biệt là tham vọng của Bắc Kinh về đi đầu các ngành công nghệ cao trong tương lai.

“Hai bên đang tự đẩy mình vào các hố sâu mà theo đó rất khó để vượt lên,” Douglas Rediker, Chủ tịch hãng tư vấn Quỹ Chiến lược quốc tế (International Capital Strategies) và cựu đại diện Mỹ tại IMF, nhận định.

Trong đa phần các cuộc đàm phán, con đường đi tới thỏa thuận phụ thuộc vào sự “mập mờ hữu ích” mà ở đó cả hai đều có thể chứng tỏ với dư luận trong nước mình là bên thắng cuộc.

Theo Rediker, có đủ dư địa để Mỹ, Trung Quốc tìm được tiếng nói chung song chỉ dựa vào sự “mập mờ” này mà không nhất thiết giải quyết các vấn đề theo hướng có lợi cho bên này hay bên kia.

Cả hai đều tiến hành các bước đi cho phép có đủ thời gian cho những nỗ lực cuối cùng.

Tuần trước, Trung Quốc cử nhà đàm phán cấp cao tới Washington bất chấp đổ vỡ trong đối thoại, đồng thời trì hoãn khởi động trả đũa thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ đến ngày 1/6.

Trong khi đó, Mỹ áp đặt mức thuế mới nhất 25% dựa trên thời điểm hàng áp thuế cập cảng, tạo thêm vài tuần để nếu Mỹ có đảo ngược chính sách vẫn sẽ ngăn được hệ quả thực.

Và Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng Sáu tới tại Nhật Bản- cơ hội để giảm căng thẳng từ cấp cao nhất.

Tuy nhiên, việc để ngỏ các các kênh liên lạc và thời gian sẽ không thể tự thân giải quyết được vấn đề làm sao để có được một thỏa thuận nào đó vừa ý cả hai, nhất là trong bối cảnh Mỹ, Trung Quốc xem đàm phán lần này là cách cài đặt lại quan hệ kinh tế song phương theo những cách thức sẽ đưa tới những tác động lâu dài.

Phức tạp tăng thêm khi cộng hưởng thiên hướng của Trump- người xem mọi cuộc đàm phán dưới lăng kính "được-thua" nên khó có thể tìm ra cách thức để cả hai đều có thể tuyên bố trước dư luận trong nước mình là bên thắng cuộc.

Theo Mary E. Lovely, chuyên gia kinh tế và thương mại tại Đại học Maxwell School of Syracuse, có vẻ như tồn tại một đặc tính là phía Trung Quốc không sẵn lòng chấp nhận và tồn tại một sự mập mờ mà Chính quyền Trump cũng không dễ lòng chấp thuận, và dường như Trung Quốc tỏ ra cứng rắn, giữ nguyên quan điểm của họ ở một số lĩnh vực mà không chịu thay đổi vì họ coi đây là những lĩnh vực để giữ thể diện.

Nếu tình trạng leo thang căng thẳng như hai bên cho thấy hiện nay đi vào thực tế đời sống thì người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả mức giá đắt hơn cho một loạt hàng hóa và nhiều nhà sản xuất Mỹ cũng phải đối diện với xu thế cầu hàng hóa yếu đi.

Nông dân Mỹ hiện đang phải gánh chịu tổn thất khi Trung Quốc giảm mua đậu tương và một số hàng nông sản khác.

Ngành sản xuất của Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng và thiệt hại sẽ còn lớn hơn nếu thuế khiến cầu tiêu dùng của Mỹ với các mặt hàng Trung Quốc suy giảm, hoặc buộc các nhà sản xuất Trung Quốc phải chuyển đổi cơ sở sản xuất sang các nước khác.

Vấn đề cốt lõi hiện nay nằm ở chỗ các bên sẵn lòng chịu đựng tổn thất đến mức nào và liệu lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc có nhận ra nhu cầu cấp thiết giúp nhau giữ thể diện trong nước hay không.

Tình hình có thể chuyển biến nhanh chóng. Ví dụ, ở một vấn đề khác, Trump đã từng đi từ đe dọa hủy diệt Triều Tiên bằng đòn hạt nhân đến hành xử như thế họ là bạn thân chỉ sau có một đêm.

Nhưng với tình hình hiện nay, để đàm phán thương mại Mỹ-Trung đạt ngưỡng xoay chuyển đó cần phải có một hình thức tái khởi động bất ngờ giữa hai nhà lãnh đạo, vốn được xây dựng trên quan hệ cá nhân chứ không phải là những tiến triển chậm chạp trong tìm kiếm thỏa thuận.

Câu hỏi đặt ra cho vài tuần, vài tháng tới đây sẽ là Mỹ và Trung Quốc sẵn lòng đón nhận tổn thất ở mức nào trước khi suy nghĩ lại về những giả định cơ bản và quyết định không lún quá sâu vào thế đối đầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục