Nguyên nhân và hệ quả của hợp tác Nga-Trung Quốc về khí đốt

Nga sẽ đẩy mạnh chính sách xoay trục sang phương Đông, và trong tình hình hiện nay, rõ ràng Trung Quốc là người hưởng lợi khi có cơ hội mua khí đốt và dầu của Nga với giá chiết khấu đáng kể.
Nguyên nhân và hệ quả của hợp tác Nga-Trung Quốc về khí đốt ảnh 1Giếng lọc dầu ở gần sông Irtysh ở Omsk, Tây Nam Siberia, Nga. (Ảnh: Nsenergy Business/TTXVN)

Trang mạng của Câu lạc bộ phân tích chính trị Valdai số ra mới đây có bài viết cho biết, trong thực tế mới, châu Âu đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, bất kể cái giá phải trả cho chính sách này.

Nga sẽ đẩy mạnh chính sách xoay trục sang phương Đông, và trong tình hình hiện nay, rõ ràng Trung Quốc là người hưởng lợi khi có cơ hội mua khí đốt và dầu của Nga với giá chiết khấu đáng kể.

Chuyên gia Vitaly Ermakov thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Âu và quốc tế thuộc Trường Kinh tế Cao Cấp đã có những phân tích, đánh giá về hợp tác Nga-Trung Quốc trong lĩnh vực khí đốt.

Ngày 4/2, ngay trước Lễ Khai mạc Thế vận hội Olympic mùa Đông tại Trung Quốc đã diễn ra cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh, một tuyên bố chung về quan hệ quốc tế đã được thông qua, trong đó Trung Quốc và Nga công bố sự song trùng về lập trường và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề chính của chương trình nghị sự địa chính trị hiện nay. 

Một gói hợp đồng thương mại cũng đã được thông qua, bao gồm các thỏa thuận mới giữa Rosneft, Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) về việc cung cấp dầu và khí đốt của Nga.

Các thỏa thuận này cho phép hai nước đa dạng hóa hơn nữa quan hệ thương mại song phương, đây là điểm chính của văn kiện. Việc ký kết giữa hai nước diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, rõ ràng là cả Nga và Trung Quốc đều tìm cách tự bảo vệ mình trước những rủi ro địa chính trị. 

Việc tự do hóa thị trường khí đốt trong nước của Trung Quốc, cùng với sự linh hoạt của nguồn cung khí đốt LNG có thể giúp gia tăng nhanh chóng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc, điều này chắc chắn sẽ làm tăng sự phụ thuộc của nước này vào nguồn cung cấp năng lượng đường biển (và nguy cơ bị phong toả trong trường hợp trầm trọng thêm quan hệ với Mỹ).

[Tổng thống Putin: Nga có thể tự chủ việc cấp năng lượng cho thế giới]

Nhận thức được yếu điểm chiến lược của mình, Bắc Kinh từ lâu đã cố gắng vô hiệu hoá mối đe dọa này. Ngoài ra, cả Nga và Trung Quốc đều bị ảnh hưởng bởi tình hình cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, cả về dòng chảy thương mại và giá năng lượng, đặc biệt là LNG. Điều này cũng phải được tính đến.

Việc ký kết một thỏa thuận mới với Nga về việc mua bổ sung khối lượng 10 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm mang lại cho Trung Quốc cơ hội đa dạng hóa nhập khẩu với giá tương đối thấp, ít nhất là so với LNG.

Bằng cách tăng cường nhập khẩu khí đốt của Nga, đồng thời xác định giá khí đốt theo công thức dựa trên giá dầu, Trung Quốc đã tự bảo vệ mình trước sự biến động của giá LNG. 

Ngay cả theo những ước tính khiêm tốn nhất cũng cho thấy nhu cầu khí đốt của Trung Quốc có thể tăng 175 tỷ m3 vào năm 2030. Theo hầu hết các dự báo, đến năm 2030, khối lượng sản xuất của cả nước vào khoảng 300 tỷ m3, có nghĩa là sản lượng của nước này chỉ đáp ứng 1/2 mức tăng tiêu dùng trong tương lai.

Như vậy Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu thêm ít nhất 90 tỷ m3. Như vậy, nhìn từ khía cạnh của Trung Quốc, thỏa thuận được ký kết vào thời điểm tốt hơn bao giờ hết - nhu cầu khí đốt của nước này đang tăng lên và mức độ biến động cao trên thị trường LNG toàn cầu.

Cần lưu ý rằng việc ký kết các thỏa thuận hợp tác trong ngành khí đốt như vậy cần rất nhiều thời gian. Nga và Trung Quốc đã mất hơn 10 năm đàm phán để ký kết thỏa thuận lớn đầu tiên.

Những nỗ lực này đã dẫn đến một thỏa thuận liên chính phủ về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia và xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan ở Trung Quốc, cũng như một hợp đồng dài hạn để mua bán khí đốt của Nga với khối lượng 1.000 tỷ m3 trong vòng 30 năm với tốc độ khoảng 38 tỷ m3/năm. 

Một thỏa thuận được ký kết vào năm 2022 cho khối lượng là 10 tỷ m3 để bổ sung cho thỏa thuận ký kết vào năm 2014, cho thấy thời gian ngắn một cách đáng ngạc nhiên để đi đến thỏa thuận.

Nền tảng cho thỏa thuận này được khởi động vào tháng 12/2017 với việc ký kết thỏa thuận về các điều kiện chính để cung cấp khí đốt tự nhiên từ vùng Viễn Đông của Nga cho Trung Quốc.

Thỏa thuận này quy định các thông số quan trọng của thỏa thuận mua bán trong tương lai, bao gồm khối lượng giao hàng, thời điểm bắt đầu triển khai và gia tăng, cũng như các địa điểm chuyển qua biên giới.

Theo Gazprom, hợp đồng mới với CNPV được ký kết vào ngày 4/2/2022 là một thỏa thuận mua bán dài hạn nhằm cung cấp 10 tỷ m3 cho Trung Quốc/năm từ vùng Viễn Đông của Nga trong vòng 25 năm (ngoài 38 tỷ m3 khí đốt thông qua đường ống Sức mạnh Siberia trong vòng 30 năm).

Như vậy, tổng khối lượng khí đốt tự nhiên của Nga cung cấp thông qua đường ống Sức mạnh Siberia theo hai hợp đồng mua bán sẽ lên tới 48 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Mọi thứ cho thấy nguyên tắc định giá không thay đổi so với thỏa thuận ký kết năm 2014. Do đó, khí đốt của Nga sẽ có thể cạnh tranh với lượng LNG nhập khẩu không chỉ ở các tỉnh phía Bắc Trung Quốc, mà còn ở khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc.

Đường ống dẫn khí Sakhalin-Khabarovsk-Vladivostok dẫn từ các mỏ ngoài khơi Sakhalin vào đất liền. Đây là một dự án thú vị, vì tuyến đường đến Vladivostok chạy dọc theo biên giới Nga-Trung Quốc.

Đường ống đã hoạt động, khí đốt đang được sản xuất ở Sakhalin, vì vậy có thể tăng xuất khẩu khí đốt từ đường ống của Nga sang Trung Quốc thông qua tuyến đường này khá nhanh chóng với chi phí tối thiểu.

Tất nhiên, điều này sẽ đòi hỏi phải bổ sung một số trạm nén để tăng công suất của đường ống dẫn khí và một đường nhánh ngắn tới Trung Quốc. Gazprom đã chọn một điểm có thể đi qua biên giới với Trung Quốc, nằm khoảng giữa Komsomolsk-on-Amur và Vladivostok, và đặt tên là Dalnerechensk. Ngoài ra, để nhận được khí đốt của Nga trong khu vực này, cần phải xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng tương thích từ phía Trung Quốc.

Một giải pháp thay thế có thể là Nga xây dựng đường liên kết dài 580km giữa đường ống dẫn khí Sakhalin-Khabarovsk-Vladivostok và đường ống Sức mạnh Siberia 1, sẽ được kết nối tại Blagoveshchensk.

Trong trường hợp này, chỉ cần Trung Quốc tăng công suất các trạm nén khí trên các đường ống dẫn khí tiếp nhận hiện có trên lãnh thổ của mình là đủ để Trung Quốc nhận thêm khối lượng khí đốt từ Nga. Các bên vẫn chưa xác định rõ xem họ sẽ sử dụng phương án nào, nhưng sự phối hợp trong lĩnh vực này có thể là một chỉ báo quan trọng về ý định của các bên.

Mối liên kết giữa đường ống Sức mạnh Siberia 1 và đường ống Sakhalin-Khabarovsk-Vladivostok sẽ cho phép Nga cung cấp khí đốt đến các cảng ở Thái Bình Dương, nơi có thể xây dựng các thiết bị đầu cuối LNG mới.

Trong ngắn hạn, Nga không có kế hoạch nào như vậy, điều này được giải thích là do chi phí thực hiện phương án này quá cao. Tuy nhiên, về lâu dài, việc hợp nhất các phân đoạn Đông Siberia và Viễn Đông của hệ thống truyền tải khí đốt của Nga có thể mang lại lợi nhuận lớn trong trường hợp Trung Quốc quyết định sử dụng tư cách là người mua khí đốt độc quyền của Nga để có lợi hơn cho mình.

Có khả năng những chuyến hàng đầu tiên bằng tuyến đường này có thể bắt đầu sớm nhất vào năm 2024. Tuy nhiên, trước khi đạt được khối lượng kế hoạch hàng năm là 10 tỷ m3, sẽ cần phải vượt qua một số trở ngại, chủ yếu liên quan đến việc tăng sản lượng khí đốt ở Sakhalin.

Thỏa thuận mua bán mới không nêu rõ các địa điểm mỏ cụ thể để từ đó cung cấp khí đốt. Tuy nhiên, nếu xem xét đến khả năng của Gazprom, thì sự lựa chọn là rất ít - đây là dự án Sakhalin-3, hay đúng hơn là mỏ Nam Kirin. Chỉ có ở đó mới có trữ lượng chưa được khai thác đủ khối lượng cần thiết. Mỏ Nam Kirin là tài sản quý nhất của Gazprom ở Sakhalin. Hiện tại, đây là mỏ lớn nhất trong số các mỏ đã được khám phá trên thềm Sakhalin. 

Tuy nhiên, vào năm 2015, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với mỏ Nam Kirin, khiến việc phát triển mỏ này trở nên vô cùng khó khăn, vì các nhà cung cấp thiết bị phương Tây để sản xuất dưới đáy biển không được tiếp cận mỏ này (dự kiến được thực hiện bằng cách sử dụng ống góp dưới biển được điều khiển từ xa.

Vào thời điểm áp đặt trừng phạt, thiết bị này chỉ được sản xuất bởi các công ty Mỹ). Kể từ đó, Gazprom đã không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật và thiết bị thay thế cho các hoạt động ngoài khơi, mà cho đến gần đây vẫn hoàn toàn được cung cấp từ nước ngoài. Giờ đây, Gazprom tuyên bố việc sản xuất tại mỏ Nam Kirin sẽ bắt đầu vào năm 2024. 

Từ quan điểm về tương lai của quan hệ Nga-Trung Quốc trong lĩnh vực khí đốt vẫn còn một khía cạnh quan trọng khác. Trong nhiều năm, Gazprom đã đàm phán với Trung Quốc về nguồn cung khí đốt có thể của Nga từ các mỏ Tây Siberia.

Đáng lẽ hai bên phải sử dụng một số công trình thuộc cơ sở hạ tầng truyền tải khí hiện có của đường ống dẫn khí Altai với việc xây dựng một nhánh nhỏ đến biên giới với các tình miền Tây Trung Quốc, những dự án này đã không được triển khai do thiếu sự quan tâm từ Trung Quốc.

Trong khu vực này, Trung Quốc đã nhận được khí đốt từ các nước Trung Á. Các tỉnh phía Tây của Trung Quốc là những nơi sản xuất và tiêu thụ than lớn, đồng thời cũng có tiềm năng cao về phát triển năng lượng tái tạo.

Do đó, ý tưởng mở rộng đường ống dẫn khí đốt của hệ thống Đông-Tây Trung Quốc để tăng nhập khẩu khí đốt không hấp dẫn nước này do thực tế là việc vận chuyển khí đốt từ phía Tây đến các trung tâm tiêu thị lớn nhất ở bờ biển phía Đông sẽ có chi phí 3-4 USD/1 triệu BTU, làm mất tính cạnh tranh so với nguồn cung khí hóa lỏng LNG.

Hiện Gazprom có một ý tưởng mới - xây dựng một đường ống dẫn khí đốt trung chuyển nối Yamal với các mỏ khổng lồ mới với Trung Quốc thông qua Mông Cổ (Liên minh phương Đông). Kế hoạch này sẽ cho phép cung cấp thêm 50 tỷ m3 cho các khu vực phía Bắc của Trung Quốc mỗi năm. Ngoài ra, còn có khả năng kết nối khu vực sản xuất Nadym-Pur-Taz với đường ống dẫn khí đốt mới.

Các cuộc đàm phán giữa Nga và Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Không giống như những năm trước, hiện cả hai bên đều chia sẻ ý tưởng thực dụng về việc có thể bao gồm một bên thứ 3 (Mông Cổ) làm quốc gia trung chuyển trong kế hoạch khí đốt của họ.

Vào thời điểm bài viết này, Gazprom đã hoàn tất các cuộc đàm phán với Mông Cổ và đồng ý về việc tìm kiếm một tuyến đường vận chuyển ưu tiên cho việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt. Nghiên cứu khả thi của dự án đã được hoàn thành.

Vào ngày 28/2/2022, Gazprom đã thông báo chuyển sang giai đoạn thiết kế và công tác khảo sát như một phần của quá trình xây dựng đường ống dẫn khí “Liên minh phương Đông.”

Rõ ràng, việc tiếp tục thực hiện dự án đòi hỏi phải ký một hợp đồng mua bán mới với Trung Quốc về khối lượng khí đốt khổng lồ. Nếu dự án thành công, châu Âu và Trung Quốc sẽ cạnh tranh với nhau về khí đốt của Nga từ Yamal và từ vùng Nadym-Pur-Taz. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây.

Trước cuộc xung đột ở Ukraine và sự sụp đổ của quan hệ kinh tế với châu Âu, Gazprom coi dự án này là một nỗ lực nhằm đa dạng hoá các thị trường bán hàng và định hướng lại chúng cho Trung Quốc vào đầu những năm 2030 nhằm tạo ra một giải pháp thay thế hiệu quả cho hàng xuất khẩu châu Âu trong trường hợp giảm nhu cầu trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh.

Tuy nhiên, cuộc xung đột Ukraine đã tạo ra một thực tế mới, trong đó châu Âu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga càng sớm càng tốt, bất kể cái giá phải trả của một chính sách như vậy.

Điều này có ý nghĩa gì đối với Nga? Nga sẽ phải đẩy nhanh chính sách xoay trục hướng Đông, vì nếu không nước này sẽ mất đòn bẩy đối với châu Âu và có thể mất vị thế là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc vẫn là người chiến thắng rõ ràng nhất, có cơ hội nhận được khí đốt và dầu của Nga với mức chiết khấu đáng kể. Vấn đề cung cấp khí đốt từ Yamal cho Trung Quốc ảnh hưởng đến Nga hơn bao giờ hết, điều này đặt Trung Quốc vào một vị trí đặc biệt có lợi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục