Nguyễn Trọng Tạo, người nghệ sĩ đa tài, đa mang trên nẻo đường vạn dặm

Nguyễn Trọng Tạo - một tâm hồn phiêu lãng, luôn yêu sự tự do tự tại đã về với miền cực lạc; nhưng hình ảnh người nghệ sỹ tài hoa với nụ cười hóm hỉnh sẽ sống mãi trong lòng bạn bè, khán giả.
Nguyễn Trọng Tạo, người nghệ sĩ đa tài, đa mang trên nẻo đường vạn dặm ảnh 1Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tại Ngày Thơ Việt Nam, rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất

“Nguyễn Trọng Tạo ra đi, để lại một khoảng trống lớn trong đời sống văn nghệ. Không chỉ tài năng, nhiệt huyết trong công việc, Nguyễn Trọng Tạo còn luôn sống hết mình với người thân, gia đình, là tâm điểm của những cuộc hội họp bạn bè,” nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ.

Tối 7/1, nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo kết thúc hành trình nơi cõi tạm sau một thời gian lâm bệnh, để lại niềm tiếc thương cho người thân, bạn bè và công chúng yêu mến những sáng tác của ông.

Đường xa vạn dặm…

“Vậy là cậu ấy - một tâm hồn phiêu lãng, luôn yêu sự tự do tự tại đã về với miền cực lạc. Dẫu vậy, tôi tin, Nguyễn Trọng Tạo vẫn sống mãi trong lòng gia đình, đồng nghiệp, khán giả với những ký ức về nụ cười hóm hỉnh, lối nói chuyện giản dị mà hài hước. Tài năng, nhiệt huyết, đa mang và tốt bụng là những điều mà giới mộ điệu sẽ mãi nhắc nhớ về Nguyễn Trọng Tạo,” nhà văn-nhà phê văn học Ngô Thảo bày tỏ.

Nguyễn Trọng Tạo, người nghệ sĩ đa tài, đa mang trên nẻo đường vạn dặm ảnh 2Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cùng Phạm Duy trong một lần nhạc sĩ về thăm quê

Nhiều đồng nghiệp, nhà nghiên cứu đều cho rằng, Nguyễn Trọng Tạo là một nghệ sỹ đa tài. Ông khẳng định mình không chỉ ở văn chương, âm nhạc mà còn cả hội họa.

[Nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo ra đi, để lại một ‘Khúc hát sông quê’]

“Nguyễn Trọng Tạo thuộc thế hệ sau, tiếp bước những tên tuổi lớn Văn Cao, Nguyễn Đình Thi. Trong làng văn nghệ Việt Nam, sau những đại thụ ấy, hiếm có ai ‘tung hoành’ được cùng lúc trên nhiều mặt trận (thi ca, âm nhạc, hội họa) và thu được những thành công ấn tượng như Nguyễn Trọng Tạo,” nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha chia sẻ.

Lặng đi chừng vài phút, người bạn thân thiết với cố nghệ sỹ Nguyễn Trọng Tạo nói: “Tài năng, nổi tiếng là vậy nhưng Nguyễn Trọng Tạo chưa bao giờ coi mình là một ‘ngôi sao,’ gây cảm giác khó gần cho những người xung quanh. Ngược lại, cậu ấy luôn thẳng thắn và nồng nhiệt. Tạo từng dựng cả một ngôi nhà bên bãi sông Hồng để đàm đạo văn chương, nghệ thuật với bạn bè, đồng nghiệp. Đó từng là tụ điểm của giới văn nghệ trong một thời gian khá dài.”

Nguyễn Trọng Tạo, người nghệ sĩ đa tài, đa mang trên nẻo đường vạn dặm ảnh 3Hình ảnh đọc thơ hào sảng của nhà thơ luôn trong ký ức bạn văn, đồng nghiệp và khán giả

Trong ký ức bạn bè, khi trở về bên người thân, gia đình, cố nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo là một người con hiếu kính, người cha bao dung, người anh trai tận tụy. Ông không than phiền hay trách cứ những biến động của cuộc sống. Thay vào đó, trước những khúc quanh của số phận, người nghệ sỹ tài hoa bình tĩnh đón nhận và tìm cách xử lý, giải quyết thỏa đáng.

Theo lời kể của nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha, khi mẹ già trở bệnh, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo một mình cõng mẹ đi qua khắp năm, sáu tầng nhà ở bệnh viện để thăm khám. Ông sợ nếu cứ ngồi chờ thang máy hay phương tiện hỗ trợ di chuyển thì mẹ sẽ mệt, sẽ tốn sức hơn.

“Tôi từng biết, đằng đẵng nhiều năm trời, Nguyễn Trọng Tạo miệt mài đưa em gái đi chữa bệnh khắp trong Nam, ngoài Bắc khi cô ấy không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Cứ nghe thấy ở đâu có bác sỹ giỏi, thiết bị điều trị mới, Nguyễn Trọng Tạo lập tức tìm cách liên lạc, đưa em tới chữa bệnh. Trời không phụ lòng người, cuối cùng, cô ấy đã khỏi bệnh,” nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha nhớ lại.

Nguyễn Trọng Tạo, người nghệ sĩ đa tài, đa mang trên nẻo đường vạn dặm ảnh 4Đôi bạn thân Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha khi còn trẻ. (Ảnh tư liệu nhân vật cung cấp)

Mạch truyện nối dài, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha bảo: “Chuyện nghe thì có vẻ đơn giản nhưng tôi tin, không phải ai cũng sẽ làm được như vậy nếu không may rơi vào những hoàn cảnh đó. Không ít người có thể hỗ trợ kinh tế nhưng không phải ai cũng sẵn sàng hy sinh thời gian, sức lực để theo sát chăm nom, đồng hành cùng người bệnh suốt chặng đường xa vạn dặm như thế...”

“Phục sinh” và đa mang

Cuối năm 2017, nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo từng bị đột quỵ vì tai biến. “Sau khi vượt qua được cơn bạo bệnh, anh đã trở lại và có phần ‘lợi hại’ hơn xưa. Nguyễn Trọng Tạo vẫn làm đủ thứ việc: làm thơ, viết báo, thiết kế bìa sách, tham dự các tọa đàm văn chương, nghệ thuật… Tôi coi đó là sự phục sinh của Nguyễn Trọng Tạo. Anh đa mang, nhiệt thành đến những phút cuối của cuộc đời,” nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ.

Nguyễn Trọng Tạo, người nghệ sĩ đa tài, đa mang trên nẻo đường vạn dặm ảnh 5Nhà thơ làm BGK chung kết giọng ca xứ Nghệ 2017

Hai đêm nhạc “Khúc hát sông quê” (cuối năm 2017 tại Hà Nội và giữa năm 2018 tại Nghệ An) của tác giả Nguyễn Trọng Tạo thành công vang dội. Nếu còn những sân si và tính toán thiệt-hơn thì có lẽ, nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã không khước từ lời đề nghị tổ chức tăng thêm các buổi biểu diễn.

“Nguyễn Trọng Tạo chỉ muốn làm để lưu giữ lại những kỷ niệm, cùng đồng nghiệp, khán giả chia sẻ, nhìn lại chặng đường nghệ thuật đã qua. Anh chưa bao giờ đặt nặng chuyện kinh tế đối với việc giới thiệu, sáng tác thơ ca, âm nhạc… Nguyễn Trọng Tạo từng quả quyết rằng, anh không kinh doanh âm nhạc, thơ ca,” nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha kể.

Nguyễn Trọng Tạo, người nghệ sĩ đa tài, đa mang trên nẻo đường vạn dặm ảnh 6Nhà thơ tự hát bài Khúc hát sông quê trong đêm nhạc từ thiện giúp trẻ em nghèo vùng cao

Cố nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã sống cuộc đời tận hiến cho nghệ thuật. Sau hành trình phiêu lãng trong thế giới của ngôn ngữ, thanh âm, hình khối… ông đã để lại một sự nghiệp sáng tác phong phú với hàng chục tựa sách thuộc nhiều thể loại khác nhau.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là tác giả của hơn 400 bài thơ.

Những tác phẩm tiêu biểu của ông được tập hợp trong nhiều tập sách như “Gửi người không quen,” “Sóng thủy tinh,” “Đồng dao cho người lớn,” “Thế giới không còn trăng,” “Tình ca người lính,” “Con đường của những vì sao”…

Ngoài ra, ông còn là tác giả của gần 100 ca khúc. Nhắc tới vị nhạc sỹ tài hoa này, giới mộ điệu sẽ khó có thể quên được những nhạc phẩm như “Làng quan họ quê tôi” (lời thơ Nguyễn Phan Hách), “Khúc hát sông quê” (lời thơ Lê Huy Mậu), “Đôi mắt đò ngang,” “Tình ca bên một dòng sông,” “Nghe biển ru đêm,” “Tình ca hoa cúc biển,” “Con dế buồn”…

“Dù Nguyễn Trọng Tạo có đặt chân đến phương trời nào, viết về vấn đề gì hay thử sức ở bất cứ thể loại nào thì chất dân gian, vẻ thuần hậu, giản dị, gần gũi vẫn thấm đẫm trong các sáng tác của anh.

Chính gốc gác làng quê ấy là cội nguồn, khởi sinh và mạch ngầm nuôi dưỡng thế giới tâm hồn Nguyễn Trọng Tạo, tạo cho thế giới nghệ thuật của anh một sắc thái riêng, khó lẫn,” nhà phê bình Ngô Thảo bày tỏ.

"Khúc hát sông quê" qua giọng ca của nghệ sỹ Anh Thơ.

Sinh thời, tác giả Nguyễn Trọng Tạo từng chia sẻ: “Các bạn muốn gọi tôi là ‘nhà’ gì cũng được: nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhạc sỹ, họa sỹ… nhưng tôi thích nhất vẫn là danh xưng ‘người nhà quê’.”./.

Nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 tại Diễn Châu (Nghệ An). Ông mất 19h50 ngày 7/1/2019 tại Hà Nội sau một thời gian lâm bệnh.

Ông là học viên khóa 1 Trường viết văn Nguyễn Du.

Năm 2012, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với tác phẩm “Đồng dao cho người lớn”“Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc).”
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục