Nguyễn Việt Thắng - Người hùng thầm lặng

Trong “bản quy hoạch” 5 cái tên sáng giá nhất cho danh hiệu “Quả bóng vàng Việt Nam 2008”, không có tên Việt Thắng. Điều đó có phần bất công. Nhưng với Thắng “bế”, nó không quan trọng.

Trong “bản quy hoạch” 5 cái tên sáng giá nhất cho danh hiệu “Quả bóng vàng Việt Nam 2008”, không có tên Việt Thắng. Điều đó có phần bất công. Nhưng với Thắng “bế”, nó không quan trọng.

Bàn thắng thay đổi số mệnh…

Đó là pha lập công vào lưới Olympic Trung Quốc, trong trận giao hữu trên đất khách. Ngày 6/7/2008 trở thành cột mốc cực kỳ đáng nhớ trong sự nghiệp của Nguyễn Việt Thắng. Lần đầu tiên trở lại màu áo đội tuyển Việt Nam sau 6 năm đằng đẵng, Thắng “bế” đã cho thấy, anh hoàn toàn đủ năng lực để gánh vác trọng trách, chứ không chỉ là nhận sự bố thí từ ông thầy “ruột” Henrique Calisto.

Cuối năm 2007, khi biết đích xác mình không có trong kế hoạch của Alfred Riedl, dự Vòng Chung kết Asian Cup, Thắng “bế” đã rất thất vọng. Bao nỗ lực, bao khát vọng tắt lịm trong chốc lát. Trên dưới 10 bàn thắng ghi được cho “Gạch” ở mùa giải ấy không có giá trị cho các nhà tuyển trạch.

Công bằng mà nói, Việt Thắng xứng đáng là một trong hai lựa chọn trên hàng công của đội tuyển khi ấy. Nhưng huấn luyện viên người Áo đã không thể cho Thắng cơ hội, dù bản thân Riedl rất mê mẫu tiền đạo giỏi tì đè và không chiến như Thắng “bế”. Đơn giản, về nhân sự ở đội tuyển ông Riedl chưa phải là người có tiếng nói quyết định.

Việt Thắng hiểu rằng, người ta vẫn chưa thực sự tha thứ cho anh, bởi cái “phốt” mà anh mắc phải hồi năm 2003. Kết thúc tất cả ở tuổi 27 (thời kỳ sung mãn nhất của sự nghiệp cầu thủ) thì không đành, Thắng “bế” quay trở về câu lạc bộ /và lại hì hục, dù chẳng có gì là đảm bảo, ngay cả khi triều đại Alfred Riedl đã kết thúc.

Cho đến một ngày cuối tháng 3.2008, khi Henrique Calisto bất ngờ “đắc cử” cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam. Nó mở ra cơ hội cực lớn cho những người như Việt Thắng, khi trước đó, trong sơ đồ vận hành chiến thuật của Henrique Calisto ở “Gạch”, Việt Thắng luôn được đặc cách. Nhưng tuyển không giống với câu lạc bộ.

Thắng “bế” hiểu rằng, anh sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với những người chơi cùng vị trí trên tuyển. Tiền đạo của ĐT.LA tự khiêm tốn, khi dành tặng các đồng nghiệp như Công Vinh, Quang Hải hay Ngọc Thanh rất nhiều lời tán dương. Anh xếp mình ở nơi thấp nhất, trong số 4 tiền đạo của Đội tuyển Việt Nam khi ấy.

Nhưng Calisto không nghĩ vậy. Ông “Tô” vốn rất giỏi dụng binh và mẫu trung phong cắm như Thắng “bế” quả là hàng hiếm ở Việt Nam. Việt Thắng đã lại thăng hoa cùng người thầy lớn nhất của đời mình. Phải thẳng thắn rằng, nếu không là Henrique Calisto, sẽ không có Việt Thắng như ngày hôm nay.

… Đến một năm đại cát

Tháng 5/2008, Việt Thắng có tên trong lần tập trung đầu tiên của đội tuyển dưới thời Henrique Calisto, chuẩn bị cho trận đấu giao hữu với Indonesia. Tháng 7/2008, bàn thắng vào lưới Olympic Trung Quốc tạo đà xuất phát cực kỳ lý tưởng cho Thắng “bế”.

Ngày 29/8, Việt Thắng lập gia đình, một nấc thang mới của đời người đàn ông. Ngày 10.12.2008, Việt Thắng khơi mào cho chiến thắng 4–0 đậm đà trước Lào, hợp thức hóa suất chơi bán kết của đội tuyển Việt Nam ở AFF Suzuki Cup.

Đêm 24/12/2008 ở Rajamangala kỳ diệu, sau pha bứt tốc đầy sức mạnh là đường chuyền như đặt của Việt Thắng, giúp Công Vinh sút tung lưới Thái Lan, trong trận chung kết lượt đi - bàn thắng quyết định, hạ gục người Thái ngay tại Bangkok, chính là bước đệm quan trọng nhất, để Đội tuyển Việt Nam lên ngôi vương vài ngày sau đó.

Buổi tối Mỹ Đình 28.12.2008, Việt Thắng đi vào lịch sử của BĐViệt Nam. Nếu tính cả 2 đường tiếp bóng trung chuyển của Thắng “bế”, để Công Vinh, rồi Quang Hải hạ gục Lebanon ở trận đấu vòng loại Asian Cup 2011 mới đây nhất, có vẻ như mọi thứ vẫn chưa muốn dừng lại, với Nguyễn Việt Thắng…

Thắng “bế” có quá nhiều thứ chỉ trong nửa năm. Nhưng tất cả, đều không tự nhiên đến. Đó là thành quả của sức lao động bền bỉ, của niềm tin và của bản lĩnh nơi người đàn ông đã trưởng thành, của những ngày dài hơn thế kỷ lúc chịu án kỷ luật 3 năm, của những ngày cô đơn trên đất Iberia, khi Việt Thắng được gửi sang đây “học việc”, của những chấn thương đau đớn với máu và cả nước mắt. Đã không ít lần, Thắng “bế” khóc trong uất hận. Với cầu thủ, không có nỗi sợ nào lớn hơn việc không được ra sân.

Đội tuyển Việt Nam lên ngôi, Việt Thắng đóng vai người hùng thầm lặng. Việt Thắng góp mặt trong tất cả những chiến công, nhưng anh không được thừa nhận là người nổi trội nhất. Nhưng chẳng sao. Thắng chấp nhận rất vui vẻ. Điều này khác xa với cách đây hơn 5 năm, khi Việt Thắng được cho là cầu thủ sáng giá nhất sau “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam.

Chỉ mới 18 tuổi, Thắng đá cho đội 1 Công an Thành phố Hồ Chí Minh. 20 tuổi, góp mặt trong màu áo tuyển U23 và đội tuyển quốc gia. 21 tuổi, Việt Thắng là cái tên được săn lùng nhiều nhất, để cuối cùng, anh chọn Hoàng Anh Gia Lai… Tức là chỉ mới đôi mươi, Việt Thắng đã chẳng thiếu thứ gì. Và thế nên, anh đã “phạm”. Chuyện ấy cũ rồi, với Thắng “bế”, đó là bài học lớn và “đắt” nhất của cuộc đời.

Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng, khi bóng đá là môn chơi tập thể, cấu thành bởi hơn 10 mảnh ghép. Bản chất của bóng đá, là nêu cao tinh thần tập thể. Nếu “lối chơi Việt Nam” ở AFF Suzuki Cup 2008 làm bản lề, thì Việt Thắng xứng đáng là người xuất sắc nhất trong số những người xuất sắc. Thắng “bế” đã hy sinh tất cả cho chủ nghĩa tập thể. Và sẽ mãi như thế!

Tùy Phong (TTVH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục