Nguyễn Xuân Sanh - Hồn thơ lay động cảm xúc và gây ấn tượng một thời

Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức nhận định, Nguyễn Xuân Sanh là cây bút cuối mùa của phong trào Thơ mới - một bông hoa, một làn hương đóng góp với vườn thơ rực rỡ của một thời.
Nguyễn Xuân Sanh - Hồn thơ lay động cảm xúc và gây ấn tượng một thời ảnh 1Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh bên vợ - nhà văn Cẩm Thạnh - năm 1961. (Nguồn: vnexpress.net)

VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức viết về nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh nhân dịp kỷ niệm nhà thơ tròn 100 tuổi (tháng 2/2020).

Bài viết được đăng trên Tạp chí Thơ số 3/2020 và trong cuốn "Hà Minh Đức - Cảm nghĩ về Văn chương và Thời cuộc:"

Nguyễn Xuân Sanh - Hồn thơ lay động cảm xúc và gây ấn tượng một thời

Nguyễn Xuân Sanh sinh ngày 16/11/1920, cùng năm sinh với Chế Lan Viên, Tố Hữu, Tô Hoài... Ít tháng nữa ông tròn 100 tuổi.

Trong Hội Nhà văn hiện nay, Vũ Khiêu là người cao tuổi nhất (104 tuổi) rồi đến Nguyễn Xuân Sanh.

Tài năng không phụ thuộc vào tuổi tác. Có những tác giả như Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng làm nên sự nghiệp để đời ở tuổi trên dưới 30. Lại nữa, những thần đồng âm nhạc, thi ca tài năng xuất hiện ở tuổi thiếu niên.

Tuy nhiên, sống lâu là một hạnh phúc cho gia đình, cho cá nhân và kể cả cho sáng tác nghệ thuật. Các nhà văn, nhà thơ đều muốn hoàn thành sự nghiệp sáng tác của mình cho trọn vẹn, tránh tình trạng dang dở, đứt đoạn giữa chừng.

Nhà thơ Xuân Diệu chờ ngày Thơ mới định vị nhưng ông mất ở tuổi 69, công việc còn dang dở.

Nhà thơ Lưu Trọng Lư trong bài thơ "Em thời gian, ngừng tay" mong ước sống thêm một số năm vì tay nghề còn chưa thành thục: "Em trông! Cái thước cái bay còn vụng về biết mấy."

Nhà thơ Huy Cận đắc thọ ở tuổi ngoài 80 cho rằng với thế hệ trước, mình thường không được thời gian ưu đãi nhiều.

Tuổi tác thuộc mệnh trời và mệnh người. Nhìn vào các nhà văn, nhà thơ Tự lực văn đoàn cũng thấy không dễ để trở thành "người xưa nay hiếm."

Thế Lữ 82 tuổi (1907-1989)
Nhất Linh 58 tuổi (1906-1963)
Khái Hưng 51 tuổi (1896-1947)
Thạch Lam 32 tuổi (1910-1942)
Hoàng Đạo 41 tuổi (1907-1948)
Xuân Diệu 69 tuổi (1916-1985)
Trần Tiêu 54 tuổi (1900-1954)
Tú Mỡ 76 tuổi (1900-1976)

Trong phong trào Thơ mới, Nguyễn Xuân Sanh là người thọ nhất. Ông khởi đầu sự nghiệp ngay từ những ngày học Quốc học Huế (1934), cùng Huy Cận ra tạp chí Bước đầu và cho in bài thơ "Gió Thu."

Bài thơ ở tuổi vị thành niên này, theo tác giả, được nhiều bạn bè yêu thích:

"Sáng nay anh lạnh quá em ơi
Bởi gió Thu em đã đến rồi
Lác đác bên thềm mưa lá rụng
Với lời ước hẹn của muôn mai

Rung rinh thùy liễu thoáng bên lầu
Anh đợi đầu sân, em đứng đâu
Câu hát đưa anh vào ngõ trúc
Bước anh đi trước. Bước ai sau?

Bày tay em ướt chút sương sa
Hỏi lại lòng anh những mặn mà
Chiếc lá cuối cùng vừa mới rụng
Thế là đã hết gió Thu qua."

Bài thơ như chứng tích của sự nảy nở tình cảm của tuổi thiếu niên chớm nhận ra và rồi say mê tình yêu ban đầu son trẻ và vu vơ gợi thương nhớ khi gió Thu về.

Tháng 9/1936, ông đã đăng bài thơ "Xây mơ" trên Tạp chí Tiếng địch ở Huế. Một khoảng thời gian không dài nhưng đã có sự chuyển biến quan trọng trong thơ Nguyễn Xuân Sanh.

Nhắc lại 1-2 khổ trong "Xây mơ" để thấy biểu hiện rõ nét sự thay đổi trong cảm hứng sáng tạo thơ ông:

"Tay sương lam mờ đương buông tơ
Nghe sương lam mờ đường giăng mơ
Đêm rải men tràn nơi lối dẻo
Hàng dương say đường thôi ngâm thơ
...
Mùa duyên chìm đây trong trang thơ
Đây trang thơ mờ vang hương xưa
Nghe mộng ngọt ngào xuôi bến mắt
Đêm tàn hồn tôi đương buông tơ."

Đây là một giấc mơ hay nhiều giấc mơ kết tụ lại. Lúc này, tác giả tự xây cho mình trầm mặc, huyền ảo, nửa thực nửa hư. Bài thơ không có dấu chấm phẩy, nhiều câu, nhiều đoạn dùng toàn vần bằng, thêm vào đó là những hình ảnh lãng mạn "sương lam," "hồn hoa," "giăng mơ," "trăng," "liễu" tạo cho bài thơ không khí liêu trai - cầu kỳ, mơ hồ, khó tiếp nhận.

[Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - người tạo cho thơ sức lôi cuốn kỳ ảo]

"Xây mơ" dường như ít quan tâm đến nội dung, ngữ nghĩa mà chú ý đến âm thang và sự liên kết của ngôn từ. Có thể chăng tác giả chịu sự ảnh hưởng của P.Valéry khi định nghĩa "Thơ là sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa."

Chính những dấu hiệu này đã chuẩn bị cho Nguyễn Xuân Sanh tiếp nhận những ảnh hưởng của thơ tượng trưng. Người xưa khi luận bàn về thơ đã lưu ý: "Thơ tránh biểu hiện trực tiếp, tránh lộ ý, lộ hình mà đòi hỏi sự tiếp nhận giao cảm tự bên trong."

Chính tính chất mơ hồ ít chính xác tạo điều kiện cho tính đa nghĩa trong thơ. Verlaine - một thành viên của nhóm phái tượng trưng - nhận xét: "Không có gì quý hơn bài thơ màu xám. Ở đó vừa chính xác vừa mơ hồ."

Đa nghĩa là điều tốt nhưng kết hợp được giữa đa nghĩa và mơ hồ là điều khó. Thơ Nguyễn Xuân Sanh trong "Xuân Thu nhã tập" đều mơ hồ nhưng đa nghĩa với nghĩa cũ vốn có bị xóa mờ và liên kết với từ ngữ làm thay đổi ý nghĩa cũ.

Các bài thơ "Hồn ngàn mùa," Buồn xưa," " Bình tàn Thu" đều mang đến phong cách và đặc điểm gần gũi. Người đọc thường nhắc đến hai câu thơ:

"Lẵng Xuân
Bờ giũ trái Xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà" (Buồn xưa)

Nếu hiểu theo ý gần trực tiếp thì câu thơ "Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà" nói lên mùa về hoa quả xếp trên đĩa theo thời gian năm tháng. Ý gián tiếp đáy đĩa là bầu trời thay đổi theo các mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông tác động theo nhịp của trời đất.

Sức hấp dẫn của thơ không phải chỉ ở tính đa nghĩa mà còn ở màu sắc nhạc điệu. Baudelaire đề xuất sự tương ứng giữa các giác quan.

Baudelaire có một quan niệm sáng tác quan trọng như một tuyên ngôn đẹp về thơ: hương thơm, màu sắc, thanh âm cùng hòa hợp.

Một trong những đóng góp quan trọng của Nguyễn Xuân Sanh là những đóng góp với nhóm "Xuân Thu nhã tập."

Năm 1939 ra Hà Nội và 1-2 năm sau, tác giả đã gặp gỡ và kết giao với 5 người bạn là Nguyễn Xuân Khoát, Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung.

Sáu người cùng tâm huyết hoài bão đã cho ra cuốn "Xuân Thu nhã tập" vào tháng 6/1942. Tôn chỉ của nhóm là "Tri thức, sáng tạo, đạo lý."

Tôn chỉ đã thâu tóm những tác phẩm chất, giá trị về tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật. Các tác giả đã cố gắng thực hiện phương châm trên qua những bài bình luận, thơ ca, âm nhạc.

Nguyễn Xuân Sanh tham gia với Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh. Những bài thơ viết trong thời kỳ này như "Buồn xưa," " Hồn ngàn mùa," " Bình tàn Thu" cũng khác về chất với thơ thời kỳ đầu.

Nguyễn Xuân Sanh - Hồn thơ lay động cảm xúc và gây ấn tượng một thời ảnh 2Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh qua đời ở tuổi 100. (Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam)

Chịu ảnh hưởng của Baudelaire Verlaine về phong cách, thi pháp nhưng ý tưởng sáng tạo chịu ảnh hưởng của Xuân Thu. Xuân-Thu - hai cổ tự mang cái đẹp của sắc Xuân và hương Thu. Vấn đề quan trọng là nghệ thuật phải có đặc điểm sáng tạo riêng, triết lý riêng.

"Gọi về những tính cách riêng của ta để có thể xuôi chảy trong cái dòng sống thực của ta, không quanh co lúng túng những ảnh hưởng ngoài. Ngăn chặn cái họa mất gốc."

"Xuân Thu nhã tập" cũng nêu lên những quan niệm nghệ thuật truyền thống cơ bản và phát triển không thu tròn trong cái kén, phải thoát ra ngoài, đến với cái ta rộng lớn. Những quan niệm trên đã tiềm ẩn những nhân tố hợp lý, tích cực của từng tác giả, cũng sớm tìm đến với chân lý của đời sống, của thời cuộc.

Và Nguyễn Xuân Sanh là một trường hợp tiêu biểu. Từ một nhà thơ lãng mạn, tượng trưng đã sớm trở về với cuộc đời thực, khẳng định chỗ đứng vững chắc cho đời, cho thơ trong cơn bão tố của thời kỳ 1939-1945.

Tháng 4/1945, được phân công làm chủ bút tuần báo Tự trị của Tổng hội sinh viên, tác giả đã viết nhiều bài đề cao lòng yêu nước và chống Nhật ở mục Văn chương tin tưởng như "Lòng tin đất nước," "Người Việt, tiếng Việt, Trung Nam Bắc một nhà," "Hồn nước Việt."

Theo tác giả, tòa soạn bị hiến binh Nhật vây ráp đêm 20/6/1945 nhưng không bắt được ai vì được báo trước. Nhật chiếm ngôi nhà.

Nguyễn Xuân Sanh được Dương Đức Hiền giới thiệu đã sinh hoạt trong Đảng Dân chủ và đến với phong trào Việt Minh. Trong Kháng chiến chống Pháp, ông tham gia các hoạt động kháng chiến và sáng tác thơ.

Phong trào Thơ mới, nhất là các tác giả Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên chịu ảnh hưởng nhiều của quan niệm trên.

Baudelaire chú ý sự hòa hợp về âm thanh giữa các các ngôn từ trong thơ. Thơ của ông cũng không khó hiểu, đa nghĩa một cách thách đố mà hòa hợp với không khí và niềm vui chung của đất nước. Thanh thản, vui tươi, nhà thơ Hà Nội với những ý thơ đẹp.

"Anh từ Hà Nội xa xưa
Cắp dăm quyển sách là hoa đồng bằng
Với cây đàn ngọt như Trăng
Màu mây thấy ấy cũng rằng thanh thanh."

Khép lại cuộc đời thơ, mỗi nhà thơ có một cách đóng góp riêng. Nguyễn Xuân Sanh là cây bút cuối mùa của phong trào Thơ mới. Một bông hoa, một làn hương đóng góp với vườn thơ rực rỡ của một thời.

Tháng 4/1957, tại Đại hội thành lập Hội Nhà văn, ông được cử làm Phó Tổng thư ký kiêm phụ trách đối ngoại. Mỗi lần đi thăm nước bạn về, ông lại thường kể chuyện về chuyến đi và giới thiệu văn thơ nước bạn.

Một lần thăm Ba Lan cùng nhà thơ Tế Hanh về, ông giới thiệu thơ Adam Mickiewicz và khoe nhà văn được bạn cho ngủ trong cung vua. Đêm ấy, giấc mơ chắc là thú vị.

Thấm thoắt năm tháng đi qua, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đất nước đổi mới, Nguyễn Xuân Sanh vẫn sáng tác. Hôm nay ông đã ở đỉnh cao của tuổi thọ (100 tuổi). Những bông hoa hương sắc chúc mừng ông về những trang thơ xúc động và gây ấn tượng một thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục