Giang Trang

dqc3438-1544944804-98.jpg

Trong Nguyệt Hạ 2 tối 11/12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Giang Trang đã gây bất ngờ cho công chúng Thủ đô bằng một không gian nhạc Trịnh hoàn toàn mới mẻ khi “kết nối” âm nhạc Trịnh Công Sơn với jazz đương đại, vượt khỏi kỳ vọng và khác hẳn mọi show diễn cô từng thực hiện trước đó.

Trước Nguyệt Hạ 2, sẽ rất ít người dám nghĩ nhạc Trịnh phối theo điệu jazz có thể hay đến vậy, và jazz cũng hợp với Giang Trang đến bất ngờ.

1.Với màu giọng khá giống đàn chị Khánh Ly, sẽ không khó để Giang Trang tiếp tục “vẽ” chân dung Trịnh Công Sơn theo cách thức được ưa thích và an toàn nhất bằng cách chọn hát những ca khúc quen thuộc, kết hợp với ban nhạc nhỏ, chơi kiểu acoustic ballad mộc mạc, giản dị trong màu hòa âm hoài cổ phảng phất chút ma mị, tịch liêu. Nhưng cô đã chọn một hướng đi khác, gai góc hơn và đòi hỏi nhiều dũng cảm hơn.

Trong buổi gặp gỡ thân mật với báo chí trước đó, Giang Trang từng chia sẻ, cô và ê-kíp thực hiện đang cố gắng hết sức để Nguyệt Hạ 2 “sẽ là đêm nhạc mang tinh thần jazz.” Là nữ ca sỹ “quen mặt” hiếm hoi gần như đứng ngoài showbiz, không bị áp lực phải chiều theo thị hiếu khán thính giả, lợi thế của Giang Trang chính là được thoải mái làm những gì mình muốn, hay nói cụ thể hơn, được chơi nhạc theo sở thích của mình. Và khái niệm “mang tinh thần jazz” vẫn còn quá khiêm tốn bởi nếu phải mô tả chính xác thì Nguyệt Hạ 2 là đêm nhạc jazz thực thụ với chủ đề Trịnh Công Sơn.

Giang Trang. (Ảnh: Đỗ Quang Cường)
Giang Trang. (Ảnh: Đỗ Quang Cường)

Trong hàng chục năm qua, đã có rất nhiều nỗ lực làm mới nhạc Trịnh theo nhiều phong cách khác nhau và jazz cũng là một lựa chọn, nhưng hầu hết chỉ dừng ở smooth jazz pha trộn cùng pop, nhẹ nhàng, vừa phải và cũng chỉ giới hạn trong một vài ca khúc. Chưa có ai dám “liều lĩnh” để Trịnh Công Sơn và jazz đương đại thuần chất gặp gỡ nhau, trộn lẫn vào nhau trong một đêm diễn dài hơi với concept nhất quán và xuyên suốt như trong Nguyệt Hạ 2.

Thể hiện “Rừng xưa đã khép” để mở màn Nguyệt Hạ 2 là một lựa chọn ý nghĩa với Giang Trang. Bởi đây cũng là show diễn khép lại dự án thử nghiệm âm nhạc kéo dài suốt 7 năm nhằm khai phá sâu hơn thế giới âm nhạc của Trịnh Công Sơn từ góc nhìn của một nghệ sỹ trẻ.

Sự khác biệt làm nên “thương hiệu” Giang Trang có lẽ nằm ở phần luyến láy. Không nhiều, chỉ vừa đủ để tạo độ nhấn nhá, phảng phất trong đó là một chút nũng nịu mang đầy ý vị trẻ thơ.

Màu jazz nở bừng trong không gian Nguyệt Hạ 2 ngay từ những nốt nhạc đầu tiên để rồi cứ thế tăng dần sức nặng qua những nốt piano rơi rụng trong phần hòa tấu đầy hứng khởi của ban nhạc đệm. Kiểu hát của Giang Trang thực sự phù hợp với nhạc Trịnh: mộc mạc, hạn chế lạm dụng kỹ thuật và khi cô xuống những nốt thấp, người ta thấy ở đó ít nhiều dấu ấn của Khánh Ly.

Nhưng, sự khác biệt làm nên “thương hiệu” Giang Trang có lẽ nằm ở phần luyến láy. Không nhiều, chỉ vừa đủ để tạo độ nhấn nhá, phảng phất trong đó là một chút nũng nịu mang đầy ý vị trẻ thơ. Nhạc Trịnh được ví như đồng dao cho người lớn, nét ngẫu nhiên không hẹn mà gặp này càng được thể hiện rõ trong “Khói trời mênh mông.” Ca khúc này được đẩy tốc độ lên hơi nhanh so với bình thường, contrabass cầm nhịp vẫn chơi theo tiết tấu của jazz nhưng các nhạc cụ khác đã thoải mái tung tẩy theo phong vị pop nhẹ nhàng, tươi mát, gợi lên rất nhiều hoài niệm về thanh xuân tươi tắn, hệt những gì tác giả gửi gắm trong ca từ trong trẻo, hồn nhiên như một bài thơ xanh.

(Vietnam+)

2.Trước Nguyệt Hạ 2, sẽ rất ít người dám nghĩ nhạc Trịnh phối theo điệu jazz có thể hay đến vậy, và jazz cũng hợp với Giang Trang đến bất ngờ. Lối hát của cô chẳng hề thay đổi, ngắt câu nhả chữ hoàn toàn không mang tinh thần jazz chút nào, ấy thế mà vẫn quyện chặt với phần nhạc đệm lắm lúc đặc quánh như càphê đen.

Đây là một sự lạ, một cơ duyên của Giang Trang với ban nhạc do pianist Vũ Trọng Hiếu cầm trịch. Chơi bên cạnh ông là những người bạn thân thiết, toàn các “hảo thủ” một thời, những người đầu tiên góp mặt trong ban nhạc Phương Đông cách đây hơn 20 năm, cho nên, sự đồng điệu là thứ người nghe có thể sờ đến, có thể chạm vào trong không gian ấm cúng của khán phòng L’Espace tối hôm ấy.

Không chơi smooth jazz theo kiểu “nịnh tai” người nghe, cũng không phải chất jazz cổ điển đơn giản nhưng đầy thách thức, các nghệ sỹ đã mang đến đêm nhạc một thứ jazz đương đại theo phong cách châu Âu: trau chuốt, cầu kỳ, đôi lúc hơi điệu đà, chỉn chu, kỹ lưỡng nhưng vẫn đề cao tính ngẫu hứng của nghệ sỹ.

Giang Trang trong không gian Nguyệt Hạ 2. (Ảnh: Đỗ Quang Cường)
Giang Trang trong không gian Nguyệt Hạ 2. (Ảnh: Đỗ Quang Cường)

Bản phối “Ru mãi ngàn năm” như biết cách tôn lên giọng hát khê khàn của Giang Trang, đặt vào đó nhiều cảm xúc hơn, chưa kể đến những câu solo của guitar điện dìu dặt đan xen vào tiếng piano lả lướt qua những ngón tay như bay múa trên phím ngà.

Và bản hòa tấu “Gọi tên bốn mùa” hoàn toàn xứng đáng với hai chữ “trác tuyệt.” Mang một chút hơi hướng cool jazz, các nghệ sỹ đã dựng nên một bức tường âm thanh dầy dặn với piano lĩnh xướng, phần giai điệu chính lúc ẩn lúc hiện, lẩn khuất trong tiếng dùi vờn trên mặt trống, trong tiếng contrabass thả những nốt trầm tròn trịa. Không biết đã bao lâu rồi những người yêu jazz ở Thủ đô mới được thưởng thức một màn trình diễn ở đẳng cấp cao như vậy.

Không chơi smooth jazz theo kiểu “nịnh tai” người nghe, cũng không phải chất jazz cổ điển đơn giản nhưng đầy thách thức, các nghệ sỹ đã mang đến đêm nhạc một thứ jazz đương đại theo phong cách châu Âu: trau chuốt, cầu kỳ, đôi lúc hơi điệu đà, chỉn chu, kỹ lưỡng nhưng vẫn đề cao tính ngẫu hứng của nghệ sỹ.

Và ngược hẳn với cái tên “Tình sầu” ca khúc này chưa bao giờ tươi tắn và bay bổng đến thế khi được chơi theo điệu jazz-funk, tiếp tục là piano biến hóa tiết tấu với kỹ thuật cực kỳ điêu luyện.

Một điểm lạ nữa, là danh sách các ca khúc trong Nguyệt Hạ 2 không quá quen như các đêm nhạc Trịnh Công Sơn khác. Với nhiều thính giả, có lẽ đây là lần đầu tiên họ được nghe “Sẽ còn ai,” “Bay đi thầm lặng,” “Cho đời chút ơn” hay “Vẫn có em bên đời.” Ngay cả những “Chiếc lá thu phai” hay “Có một dòng sông đã qua đời” cũng ít được trình diễn hơn nhiều so với các ca khúc nhạc tình Trịnh Công Sơn sáng tác trước năm 1975.

Nhưng nhờ thế, đêm nhạc trở nên mới mẻ, phong phú và… khó đoán hơn, như sự ngẫu hứng của jazz và sân khấu mang tính tối giản nhưng vô cùng hiệu quả của họa sỹ Lê Thiết Cương với điểm nhấn là vầng trăng lưng chừng được tô điểm bằng ánh sáng linh hoạt, đầy tính nghệ của Xuân Trường.

Cũng khó hình dung được “Đêm thấy ta là thác đổ” một bản pop ballad chậm rãi phối thành điệu swing lại tung tẩy và rộn ràng đến thế, và cách ngắt nhịp tương đối khác lạ của Giang Trang trong “Chiếc lá thu phai” thực sự mang đến cho ca khúc này dáng vẻ hoàn toàn mới mẻ, cộng thêm phần diễn tấu đầy thăng hoa của nhạc đủ khiến nó sánh ngang được với phiên bản của Trịnh Vĩnh Trinh.

(Vietnam+)

Những lắng đọng dịu dàng cũng được nữ ca sỹ gửi gắm vào màu âm acoustic mộc mạc cùng nét xa vắng diệu vợi trong “Ướt mi,” “Cát bụi” hay “Phôi pha.”

Giang Trang tiếp tục cho thấy vẫn còn nhiều cách thức mới mẻ để tiếp cận không gian âm nhạc của Trịnh Công Sơn, để các tác phẩm của ông tiếp tục giữ được sức sống phong phú và mạnh mẽ hơn trong lòng công chúng đương đại

Như để thay cho lời chia tay, Giang Trang dành tặng khán giả chùm ba ca khúc “Tôi ơi đừng tuyệt vọng,” Cho đời chút ơn” “Vẫn có em bên đời” hát với một guitar gỗ đệm chừng mực theo đúng cách cô đã bước lên sân khấu trong những buổi diễn đầu đời vào năm 18 tuổi, đồng thời gợi nhớ rất nhiều về hình ảnh của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn thời gian còn gắn bó với quán Văn.

Trong số không biết bao tên tuổi thành danh đã thể hiện nhạc Trịnh, Giang Trang thuộc nhóm nhỏ những người làm bật ra được nhiều nhất cái chất du ca của một tâm hồn rong chơi với cuộc đời. Có lẽ vì cô cũng là người rong chơi cùng âm nhạc, không coi âm nhạc như sự nghiệp mà lấy nó làm tình yêu.

Với Nguyệt Hạ 2, Giang Trang tiếp tục cho thấy vẫn còn nhiều cách thức mới mẻ để tiếp cận không gian âm nhạc của Trịnh Công Sơn, để các tác phẩm của ông tiếp tục giữ được sức sống phong phú và mạnh mẽ hơn trong lòng công chúng đương đại…

Với Nguyệt Hạ 2, Giang Trang có thêm thử nghiệm thành công trong hành trình tìm tòi, khám phá nhạc Trịnh Công Sơn cùng những người bạn đồng cảm trong âm nhạc cô có duyên gặp gỡ... (Ảnh: Đỗ Quang Cường)
Với Nguyệt Hạ 2, Giang Trang có thêm thử nghiệm thành công trong hành trình tìm tòi, khám phá nhạc Trịnh Công Sơn cùng những người bạn đồng cảm trong âm nhạc cô có duyên gặp gỡ… (Ảnh: Đỗ Quang Cường)