Nhà báo Đức tặng di sản quý về Hồ Chủ tịch

Vẫn thế, nghe tin cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tới thăm, cụ Franz Faber mừng lắm và ngóng trông từng giờ. Ngồi trên xe lăn, cụ vui vẻ đón Đại sứ Đỗ Hòa Bình và cán bộ Sứ quán ngay cửa ra vào.

Vẫn thế, nghe tin cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tới thăm, cụ Franz Faber mừng lắm và ngóng trông từng giờ. Ngồi trên xe lăn, cụ vui vẻ đón Đại sứ Đỗ Hòa Bình và cán bộ Sứ quán ngay cửa ra vào.
 
Cụ Franz Faber năm nay đã 93 tuổi, sống trong một khu nhà dưỡng lão ở thủ đô Berlin với đầy đủ tiện nghi chăm sóc y tế và giúp đỡ sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Bước vào căn phòng, có thể nhận thấy ngay một tình cảm lớn của cụ Franz Faber dành cho Việt Nam, bởi có rất nhiều những kỷ vật của Việt Nam gắn bó với cụ từ nửa cuối những năm 1950 của thế kỷ trước khi cụ còn là một phóng viên đầu tiên của hãng Thông tấn CHDC Đức (ADN) thường trú tại Hà Nội và nhiều chuyến sang Việt Nam công tác sau này.
 
Những bức tranh ảnh phong cảnh Việt Nam, tranh thiêu về hồ Hoàn Kiếm, tranh sơn mài, những bức tượng phật nhỏ, bình cắm hoa, bộ ấm chén uống trà, figuren các cô gái ba miền Bắc - Trung - Nam và những bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận, thư cảm ơn của các cơ quan phía Việt Nam được cụ cất giữ, bày biện rất trang trọng. Đây là lần thứ hai tôi đến thăm cụ Franz Faber và cụ đã chuyển nơi ở, nhưng dương như là điều không thể thiếu được, những kỷ vật thân thiết từ Việt Nam luôn theo cụ tới nơi ở mới.
 
Tuổi cao, phải di chuyển trên xe lăn, nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, truyện trò tỉnh táo và thường hay nhắc lại quá khứ về những ngày công tác đầy kỷ niệm ở Việt Nam, đặc biệt được nhiều lần gặp Bác Hồ và ấn tượng nhất là đươc Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hai cuốn truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, một bằng tiếng Việt và một bằng tiếng Pháp, với mong muốn tác phẩm được chuyển dịch sang tiếng Đức.
 
Tâm niệm mong muốn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo Franz và vợ là Irene đã quyết tâm thực hiện ý nguyện của Người. Mặc dù rất giỏi tiếng Pháp, nhưng cả hai vợ chồng đều muốn dịch truyện Kiều từ bản gốc tiếng Việt nên bà Irene đã quyết tâm học tiếng Việt để cùng chồng hoàn thành sứ mệnh này. Vợ chồng nhà báo Faber đã bỏ hết tâm sức, lao động tích cực, sáng tạo suốt 7 năm liền để chuyển dịch truyện Kiều thành công sang tiếng Đức từ cơ sở tiếng Việt và so sánh qua bản tiếng Pháp.
 
Truyện Kiều bằng tiếng Đức đã ra mắt bạn đọc ở nước này và được nhiều người quan tâm đón nhận, đặc biệt giới nghiên cứu đánh giá cao. Tác phẩm được gửi tăng Bảo tàng Nguyễn Du và được nhận bằng khen của Hội nhà văn Việt Nam, giấy chứng nhận của Bảo tàng Nguyễn Du trong đó ghi nhận tinh thần lao động sáng tạo và đánh giá cao những cống hiến to lớn của cặp vợ chồng nhà báo người Đức đã góp phần quảng bá thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Đức.
 
Cụ bà Irene đã "ra đi" cách đây 11 năm, nhưng bạn đọc Đức sẽ mãi mãi được hưởng một di sản văn hóa của Việt Nam do bà để lại và Việt Nam sẽ ghi nhận truyện Kiều bằng tiếng Đức như đóng góp to lớn của bà cho việc quảng bá một tác phẩm thi ca nổi tiếng trong kho tàng văn học Việt Nam đối với bạn bè Đức.
 
Mới đây, cụ Franz Faber, đã quyết định gửi tặng lại Viện bảo tàng Hồ Chí Minh hai cuốn truyện Kiều kể trên, một bằng tiếng Việt và một bằng tiếng Pháp, do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cụ năm 1955, một kỷ vật văn hóa quý liên quan tới Bác Hồ mà cụ đã lưu giữ suốt hơn 50 năm qua.
 
Cách đây hai năm, cụ Faber cũng đã gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh một số thước phim và hàng trăm ảnh negativ về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cụ đã ghi lại được trong thời kỳ làm phóng viên thường trú tại Hà Nội.
 
Các thế hệ cán bộ Sứ quán Việt Nam tại Đức luôn quan tâm thăm hỏi cụ trong những dịp lễ tết với tấm lòng trân trọng và biết ơn đối với một người bạn tốt của Việt Nam. Ngày 8/4, Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Đỗ Hòa Bình và cán bộ sứ quán đã tới thăm sức khỏe và chuyển tới cụ Faber thư cảm ơn của Bảo tàng Hồ Chí Minh về hai cuốn truyện Kiều, trong đó bày tỏ lòng biết ơn trân trọng về những tình cảm và việc làm đầy ý nghĩa mà cụ đã dành cho Bảo tàng nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần rất ý nghĩa cho công tác tập hợp thông tin, xây dựng hồ sơ phục vụ cho công việc nghiên cứu và giới thiệu những giá trị liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. /.
 
Nguyễn Xuân/Berlin (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục