Nhà báo Đức: Trung Quốc đang từng bước chiếm đoạt Biển Đông

Theo nhà báo Johnny Erling, chiêu trò mới nhất của Trung Quốc trong chiếm biển Đông là xây đảo nhân tạo để hỗ trợ tuyên bố chủ quyền.
Nhà báo Đức: Trung Quốc đang từng bước chiếm đoạt Biển Đông ảnh 1Các tàu Trung Quốc vây hãm và phun nước vào tàu Kiểm ngư Việt Nam ngày 12/5. (Ảnh Văn Sơn/TTXVN)

Báo Thế giới của Đức vừa có bài viết tố cáo chiêu trò mới nhất của Trung Quốc nhằm từng bước độc chiếm Biển Đông, đó là âm thầm tiến hành xây đảo nhân tạo nhằm củng cố cho tuyên bố chủ quyền của mình.

Vietnam+ xin được giới thiệu nội dung cơ bản của bài viết.

Trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Bắc Kinh triển khai chính sách đối ngoại mới bằng cách sử dụng cát, ximăng và thép: Với việc xây dựng các đảo nhân tạo làm cơ sở mới, Trung Quốc muốn chứng minh tuyên bố chủ quyền của mình đối với tất cả các vùng lãnh thổ biển và hải đảo trong một yêu sách chủ quyền biển mà Bắc Kinh tự đặt ra trên Biển Đông.

Động thái mới này chỉ là một phần trong chiến lược toàn diện không chỉ gói gọn trong khu vực của Trung Quốc. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong những tuần qua, khi Trung Quốc đồng thời khiêu khích cả Việt Nam và Philippines tại các khu vực ở Biển Đông, trong khi những xung đột với Nhật Bản về các nhóm đảo trên biển Hoa Đông cũng tiếp tục thêm căng thẳng.

Đầu tháng Năm, với việc hạ đặt giàn khoan dầu ngoài khơi bờ biển Việt Nam, Trung Quốc đặt Việt Nam vào một việc đã rồi và điều này đã gây ra một phản ứng dây chuyền đáng ngại. Kết cục của việc này là nổ ra các cuộc biểu tình nghiêm trọng nhất phản đối Trung Quốc tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.

Nguồn gốc của sự leo thang chính là do lực lượng hải quân Trung Quốc đã đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) hiện đại nhất và lớn nhất của nước này ở vị trí cách bờ biển Việt Nam từ 133-156 hải lý mà không hề báo hoặc thỏa thuận trước.

Trong khi đó, Bắc Kinh bỏ ngoài tai mọi sự phản đối của Việt Nam, biện luận rằng giàn khoan này hoạt động trong vùng biển chỉ cách lãnh thổ của họ 17 hải lý.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam không làm thay đổi tình hình xung đột trong khu vực Biển Đông. Bắc Kinh tiếp tục cho giàn khoan dầu vận hành theo kế hoạch, đồng thời công bố kế hoạch đòi chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quyền khai thác trên biển lên Liên hợp quốc.

Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Vương Dân đã trình lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại New York một tài liệu về hoạt động của giàn khoan dầu và quyền sở hữu của Trung Quốc đối với quần đảo "Tây Sa" dưới tiêu đề "Hành động khiêu khích của Việt Nam và quan điểm của Trung Quốc."

Bắc Kinh dường như đã bước ra cái bóng của mình, khi trình Liên hợp quốc các yêu sách của nước này trong tranh chấp với Việt Nam. Trước nay, Chính phủ Trung Quốc đều từ chối bất kỳ hình thức quốc tế hóa xung đột lãnh thổ, cho dù đó là với các nước láng giềng hay các yêu sách liên quan tới quần đảo Hoàng Sa hay quần đảo Trường Sa vốn cách Trung Quốc trên 1.000km trên Biển Đông.

Ngay trước đó, hãng tin Tân Hoa khẳng định Trung Quốc không cho phép bất kỳ sự can dự bên ngoài nào vào các tranh chấp lãnh thổ của nước này.

Không chỉ tranh chấp với Việt Nam, Trung Quốc còn có tranh chấp với Philippines. Manila đã đề nghị Tòa án quốc tế ở La Haye (Hà Lan) theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) đứng ra làm trung gian phân xử và tòa này sẽ quyết định về tuyên bố của Bắc Kinh đối với quần đảo Trường Sa, và đặc biệt là bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố thuộc chủ quyền nước này.

Tòa án ở La Hay yêu cầu Chính phủ Trung Quốc cung cấp chứng cứ về yêu cầu sách của nước này trên Biển Đông cho đến ngày 15/12. Trọng tâm của yêu sách này là "Đường chín đoạn" mà Bắc Kinh đưa ra từ giữa những năm 40 của thế kỷ trước, bao gồm một khu vực rộng tới 2,1 triệu km2 ở Biển Đông, để đòi chủ quyền.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc không có ý định chuyển cho tòa án ở La Haye bất kỳ bằng chứng nào. Bắc Kinh cho rằng tòa án này không có thẩm quyền đối với các tranh chấp hàng hải hoặc lãnh hải.

Mặc dù Trung Quốc là một bên ký kết UNCLOS, nhưng năm 2006 nước này đã bảo lưu điểm bổ sung Điều 298, đó là từ chối phân xử của trọng tài trong trường hợp có tranh chấp. Do đó, Trung Quốc yêu cầu tòa án ở La Haye phải từ chối đơn của Philippines, cho rằng "điều đó giống một trò hề chính trị hơn là một hành động pháp lý."

Trong khi Trung Quốc ngăn chặn Manila tìm kiếm giải pháp pháp lý và đẩy Hà Nội vào thế phòng thủ, nước này lại sử dụng tàu để vận tải ximăng và thép vào vùng Biển Đông để mở rộng đảo, các bãi đá ngầm và san hô.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Trung Quốc, các chuyên gia hải quân nước này đã khẳng định Bắc Kinh có ý định xây dựng đảo nhân tạo.

Chính phủ Philippines gần đây cho biết, họ nghi ngờ Bắc Kinh đang xây dựng một căn cứ quân sự trên bãi Nam Johnson, trong khi trên bãi Gaven và Cuateron cũng theo dõi được những hoạt động tương tự.

Trong khi đó, khi xảy ra vụ máy bay Boeing MH-370 mất tích và các cuộc tìm kiếm sâu vào vùng Biển Đông ở khu vực Malaysia, quân đội Trung Quốc lại phàn nàn rằng vùng biển này là ngoài tầm của việc triển khai nhanh chóng hoạt động của máy bay của Trung Quốc.

Theo nước này, xây dựng căn cứ hải quân, các căn cứ và đường băng trên biển là rất cần thiết. Rõ ràng, Bắc Kinh đang cố gắng để làm điều đó./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục