Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam

Tại Diễn đàn VBF 2014, các đối tác đầu tư tiếp tục thúc giục Việt Nam nâng cao khả năng đối phó với những thách thức về tham nhũng, hạn chế nguồn nhân lực, quy trình cấp phép...
Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2014 (VBF 2014) với chủ đề “Doanh nghiệp hướng tới các Hiệp định Thương mại mới,” các đối tác đầu tư thúc giục Việt Nam nâng cao khả năng đối phó với những thách thức về tham nhũng, hạn chế nguồn nhân lực, quy trình cấp phép cũng như môi trường pháp lý chưa rõ ràng, còn nhiều hạn chế và phức tạp.

Theo các đối tác, năm 2015 là một năm quan trọng đối với Việt Nam khi mà nhiều hiệp định tự do thương mại dự kiến sẽ đàm phán thành công, như Hiệp định Thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (EU FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC 2015) và một số hiệp định khác.

Ông Gaurav Gupta, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam cam kết tiếp tục phát triển kinh doanh tại Việt Nam, với sự kỳ vọng về lợi nhuận cũng như tin tưởng vào triển vọng kinh doanh lạc quan hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, ông Gaurav Gupta chỉ ra, bên cạnh những tín hiệu tích cực và  xu hướng tăng trưởng đang dần ổn định, thì các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa hết quan ngại với những thách thức về tham nhũng, nguồn nhân lực, thủ tục pháp lý rườm rà…

Đặc biệt, bà Virginia Foote, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đề cập lại câu chuyện từ “nóng” từ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 hồi tháng Sáu, về một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào tiền mặt sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho tham nhũng phát sinh.

Theo bà Virginia Foote, trong các hoạt động giao dịch tại Việt Nam chỉ có khoảng 3% là không dùng tiền mặt trong khi con số này ở các nước tiên tiến là 80%.

“Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đang ở vị trí thấp, do đó Chính phủ cần tiếp tục cải cách hành chính, chống tham nhũng, giảm hoạt động không hiệu quả đồng thời thúc đẩy nền kinh tế giảm thiểu tiền mặt cũng như giảm thiểu các hoạt động giao dịch mặt đối mặt giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý cấp nhà nước,”  bà Virginia Foote đề xuất.

Đánh giá về những tiến bộ trong các kế hoạch cải cách còn hạn chế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho rằng, “sức nóng” từ những quyết tâm của Chính phủ khi xuống đến các cấp cơ sở thì nguội dần.

“Tôi hy vọng và chờ đợi sự thay đổi của bộ máy công chức cơ sở có được ‘sức nóng của tấm lòng’ và giảm đi ‘sự lạnh lùng’ trong minh bạch thông tin,” ông Lộc nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục