Nhà đầu tư thận trọng, chứng khoán châu Á đồng loạt "đỏ sàn"

Các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt "đỏ sàn" trong giữa bối cảnh những lo ngại về tác động tiêu cực của việc giá dầu giảm và khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp ngày càng gia tăng.

Theo chân diễn biến ảm đạm trong phiên giao dịch đêm trước tại thị trường Mỹ và châu Âu, các thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt "đỏ sàn" trong ngày giao dịch 6/1.

Tình trạng ảm đạm chung này diễn ra trong bối cảnh những lo ngại về tác động tiêu cực của việc giá dầu giảm và khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp đang ngày càng gia tăng, khiến các nhà đầu tư rời bỏ các tài sản rủi ro như cổ phiếu để đổ tiền vào các tài sản an toàn hơn như trái phiếu chính phủ.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1,4%, mất khoảng một nửa mức tăng điểm có được kể từ khi chạm mức thấp nhất 10 tháng vào phiên giao dịch ngày 17/12 vừa qua.

Trong khi đó, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu xu hướng giảm tại các sàn giao dịch chứng khoán châu Á khi hạ 525,52 điểm (3,02%), xuống 16.883,19 điểm, đánh dấu ngày sụt giảm thứ tư liên tiếp của chỉ số này và cũng là mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 17/12 năm ngoái.

Giữa lúc Nikkei chứng kiến mức giảm điểm mạnh nhất trong gần 10 tháng qua thì tại thị trường Australia, chỉ số S&P/ASX200 cũng lùi 85,53 điểm (1,57%), xuống 5.364,8 điểm; còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 33,30 điểm (1,74%), xuống 1.882,45 điểm - mức thấp nhất trong một năm rưỡi qua.

Tuy nhiên, hai thị trường chứng khoán chủ chốt khác là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động ngược chiều nhau.

Trong khi xu hướng bán tháo ồ ạt đẩy thị trường chứng khoán Hong Kong vào "vùng đỏ," khiến chỉ số Hang Seng giảm 235,91 điểm (0,99%), xuống 23.485,41 điểm, thì chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải lại biến động không đáng kể so với phiên trước đó, "nhích" nhẹ 0,93 điểm, lên 3.351,45 điểm- mức cao nhất kể từ tháng 8/2009.

Nhìn chung, tuần giao dịch đầu tiên trong Năm mới của các thị trường chứng khoán khởi đầu không mấy suôn sẻ, khi liên tiếp hai ngày giao dịch đầu tuần, các chỉ số đồng loạt đi xuống. Nguyên nhân chính dẫn tới kết quả này là do nhiều nhà đầu tư cho rằng đảng cấp tiến cánh tả Syriza sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 25/1 tới tại Hy Lạp.

Điều này làm dấy lên quan ngại rằng Athens sẽ phải rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), bởi đảng Syriza từng tuyên bố nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, họ sẽ chấm dứt các chương trình chi tiêu khắc khổ mà Chính phủ hiện nay đang thực hiện dựa theo cam kết với các chủ nợ quốc tế.

Ngoài ra, thị trường cổ phiếu trong phiên này còn chịu ảnh hưởng từ việc giá dầu thế giới liên tục giảm sâu, thậm chí giá "vàng đen" đã có lúc tụt xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua vào phiên giao dịch 5/1 tại New York.

Trong khi đó, triển vọng tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu vẫn còn mờ mịt, do tình hình kinh tế tại một số nước tiêu thụ chủ lực như Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu đều không mấy khả quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục