Nhà khoa học Việt diện áo dài lên nhận giải L'Oréal-UNESCO

Các nhà khoa học nữ đến từ Việt Nam, Maroc, Trung Quốc, Anh, Brazil, được tôn vinh với những công trình nghiên cứu về vật lý năng lượng cao-vật lý hạt nhân, công nghệ nano, y học và thiên văn học.
Nhà khoa học Việt diện áo dài lên nhận giải L'Oréal-UNESCO ảnh 1Tiến sỹ Trần Hà Liên Phương trong tà áo dài truyền thống lên nhận giải cùng các nhà khoa học nữ quốc tế. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Tối 18/3 tại trường Đại học Sorbonne tại Paris, Pháp, lễ trao giải L'Oréal-UNESCO lần thứ 17 cho các nhà khoa học nữ đã diễn ra hết sức trang trọng khiến những người có mặt liên tưởng đến lễ trao tặng Giải thưởng Nobel.

Những thước phim tài liệu, những câu chuyện giản dị và cảm động được kể lại bởi các nhà khoa học đoạt giải đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, khích lệ họ vững bước và tin vào khả năng thành công của mình trong một lĩnh vực mà nam giới đang chiếm đa số.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã khẳng định: "Thế giới cần khoa học, khoa học cần phụ nữ. Đó là một tất yếu, đó cũng là niềm tin. Hôm nay, chúng ta không tôn vinh những người phụ nữ làm khoa học, mà tôn vinh những nhà khoa học xuất sắc là phụ nữ."

Về phần mình, ông Jean-Paul Agon, Tổng Giám đốc tập đoàn L’Oréal, Chủ tịch Quỹ L’Oréal-UNESCO (Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học) nhấn mạnh: "Khoa học không phải là điều cấm kỵ đối với phụ nữ, khoa học là vẻ đẹp."

Các phát biểu này đã ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học nữ cho tiến bộ của khoa học. Nó cũng cho thấy còn cần rất nhiều nỗ lực của cả xã hội để phụ nữ có thể vượt qua các định kiến về giới, tự tin tiếp cận với tri thức, tạo ra cơ hội thay đổi, thăng tiến cho bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Có như vậy thì nghiên cứu khoa học mới không phải là điều cấm kỵ mà trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều phụ nữ.

Thực tế là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học trên thế giới, phụ nữ chỉ chiếm 30%. Tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn nhiều trong các lĩnh vực vật lý và hóa học.

Trong số 197 giải thưởng Nobel Vật lý đã được trao, chỉ có 2 người là phụ nữ; trong số 169 giải thưởng Nobel Hóa học đã được trao, chỉ có 4 người là phụ nữ.

"Điều đó cho thấy có những rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ, những rào cản đó cũng kìm hãm sự phát triển chung của chúng ta. Bởi vì, không xã hội nào có thể phát triển được nếu nó gạt ra bên lề một nửa trí tuệ, một nửa nguồn năng lượng và một nửa các hoài bão mong ước của mình," bà Bokova nhận xét.

Những tấm gương tạo ra động lực phấn đấu

Vào buổi tối diễn ra lễ trao giải, giảng đường lớn trường Đại học Sorbonne danh giá nằm giữa trung tâm thủ đô Paris không còn một chỗ trống.

Trên các vòm mái cao, bên cạnh khẩu hiệu "Tự do-Bình đẳng-Bác ái" và bức tượng các nhà khoa học lỗi lạc đã làm nên niềm tự hào của nước Pháp, Ban tổ chức trang trọng treo ảnh chân dung của 5 nhà khoa học nữ xuất sắc đoạt giải và hình ảnh phòng thí nghiệm minh họa cho công trình nghiên cứu của họ.

Đến từ Maroc, Trung Quốc, Anh, Brazil, Canada, các nhà khoa học nữ xuất sắc đoạt giải với những công trình nghiên cứu về các lĩnh vực như vật lý năng lượng cao-vật lý hạt nhân, công nghệ nano, phương pháp khối phổ-sinh học cấu trúc, vật lý và thiên văn học, hóa học polymer.

Giáo sư Rajaâ Cherkaoui El Moursli công tác tại Đại học Agdal, tại Rabat, thủ đô của Maroc được vinh danh vì một trong những phát hiện vĩ đại nhất của ngành vật lý, đó là chứng minh được sự tồn tại của Higgs Boson, phân tử tạo ra khối lượng cho vật chất trong vũ trụ.

Trong câu chuyện của mình, bà đã kể về những năm tháng làm việc miệt mài có phần thầm lặng tại quê nhà, về các đồng nghiệp tại các phòng thí nghiệm ở Grenoble (Pháp), Stockholm (Thụy Điển) và đặc biệt là tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng nguyên tử châu Âu (CERN), những người mà bà luôn biết ơn vì sự giúp đỡ và chỉ bảo tận tình đã cho phép bà đứng trên bục vinh quang tối hôm đó.

Bà cũng dành những lời âu yếm nhất để nói về "gia đình bé nhỏ mà vĩ đại" của mình về những người thân đã luôn theo sát và giúp đỡ bà trong suốt chặng đường dài cống hiến cho khoa học.

Giáo sư Thaisa Storchi Bergmann làm việc tại Đại học Liên bang Rio Grande Do Sul, Porto Alegre (Brazil) được vinh danh bởi nghiên cứu về những lỗ đen khổng lồ của các thiên hà, một trong những hiện tượng phức tạp và bí ẩn nhất của vũ trụ. Bà là nhà khoa học đầu tiên phát hiện ra vật chất có thể thoát ra từ lỗ đen.

Trong câu chuyện của bà, người ta nhận thấy chính niềm đam mê và sự quyết đoán đã giúp bà thành công. Bà cũng nói về sự chia sẻ công việc gia đình của người chồng vì bà thường xuyên phải rời tổ ấm khi màn đêm xuống, đến với đài thiên văn ở một vùng núi cao để quan sát các thiên hà. Bà tin rằng giáo dục hoàn toàn là chìa khóa để xây dựng một thế giới tốt hơn.

Qua công việc của mình, bà hy vọng có thể góp phần thúc đẩy ngành khoa học như một con đường sự nghiệp hấp dẫn và thú vị đối với mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng. Bà còn nói rằng tìm thấy trong khoa học một vẻ đẹp, một chất thơ mà bà khó cưỡng lại được.

Nhà khoa học Việt diện áo dài lên nhận giải L'Oréal-UNESCO ảnh 2Nhà khoa học trẻ Sanaa Sharafeddine (Liban) tâm sự về khó khăn khi một phụ nữ Hồi giáo làm công tác nghiên cứu khoa học. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Trong phần trao đổi với đại diện của 15 nhà khoa học nữ được nhận giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới,” những người được lựa chọn từ 236 người được nhận học bổng cấp quốc gia của Quỹ L’Oréal-UNESCO, nhà khoa học trẻ Sanaa Sharafeddine, giảng viên khoa Toán-Tin trường Đại học LAU (Lebanese American University), tại Beyrouth, thủ đô Liban, đã nói về những khó khăn của một phụ nữ Hồi giáo khi tham gia nghiên cứu khoa học, về nghị lực của mình khi vượt lên những định kiến để đến với khoa học.

Giải thưởng L’Oréal-UNESCO - kênh kết nối khoa học

Trước đó, tại buổi họp báo diễn ra vào buổi sáng cùng ngày, tiến sỹ Trần Hà Liên Phương, giảng viên Khoa Kỹ thuật Y sinh, trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong số 15 người được nhận giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới,” đã lên giới thiệu trước các nhà báo quốc tế đề tài mà chị đang tiến hành và tiếp tục nghiên cứu sâu - Đó là nghiên cứu về chất fucoidan, chất dẫn xuất thuốc để phá hủy tế bào ung thư.

Phong cách giản dị, khả năng trình bày tiếng Anh lưu loát cũng như ý tưởng cần phải điều chế được loại thuốc không chỉ hiệu quả mà còn phải có giá thành phù hợp, vì lợi ích của những bệnh nhân ở các nước đang phát triển của chị đã chinh phục hoàn toàn cử tọa.

Trao đổi bên lề cuộc họp báo, tiến sỹ Trần Hà Liên Phương bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi được nhận giải thưởng này. Chị cho rằng trong các nhà khoa học nữ Việt Nam có rất nhiều gương mặt xuất sắc, đây là những tấm gương phấn đấu và hình mẫu cho lớp trẻ noi theo.

Theo chị, tiềm năng nghiên cứu của các nhà khoa học nữ Việt Nam là rất lớn, nhưng cần có thêm nhiều kênh kết nối họ với thế giới.

Tại lễ trao giải vào buổi tối tại trường Đại học Sorbonne, Trần Hà Liên Phương là cái tên đầu tiên được ban tổ chức xướng lên. Nữ giảng viên nhỏ nhắn trong tà áo dài truyền thống đã vinh dự lên nhận giải thưởng cùng các nhà khoa học nữ trẻ trên thế giới.

Giải thưởng này không chỉ là niềm tự hào cho Việt Nam mà nó giúp các nhà khoa học trẻ Việt Nam tự tin hơn để khẳng định mình trong nền khoa học thế giới. Việc nhận giải thưởng cũng như tham gia vào các giải thưởng này, bên cạnh các giải thưởng đã có như giải thưởng Kovalevskaia, sẽ giúp cho khoa học Việt Nam và giới nữ có thêm điều kiện phát triển hơn nữa.

Với những nỗ lực của bản thân cộng với sự quan tâm của gia đình và xã hội, sẽ đến một ngày Việt Nam có các nhà khoa học nữ được vinh danh trên phạm vi toàn cầu vì những phát hiện và cống hiến xuất sắc cho khoa học./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục