Nhà mạng lỗ nặng do dịch vụ gọi điện trên Internet

Theo tính toán của Viettel, nếu 40 triệu thuê bao dùng 3G và sử dụng Viber để gọi điện thì doanh thu của tập đoàn sẽ giảm 40-50%.
Ngày 5/9, tại Hà Nội, báo Bưu điện Việt Nam phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Dịch vụ OTT ở Việt Nam và chính sách quản lý." Đây là dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí trên nền Internet.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng chủ trì buổi tọa đàm với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone, Vietnammobile), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT (Zalo, Kakaotalk, Line) và các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, Internet.

Buổi tọa đàm nhằm tạo cầu nối để các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến sự phát triển của dịch vụ OTT; đồng thời, phản ánh những khó khăn vướng mắc cũng như các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, giúp cơ quan quản lý có cái nhìn tổng quát về các ứng dụng trên nền Internet, từ đó có các chính sách định hướng cũng như các biện pháp quản lý phù hợp với thực tế phát triển của mỗi loại hình dịch vụ, đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như lợi ích của các doanh nghiệp.

Dịch vụ OTT xuất hiện vào khoảng năm 2008-2009 tại Mỹ với hàng loạt các ứng dụng như WhatsApp, Apple iMessage, BlackBerry Messenger.

Tại Việt Nam, OTT được biết đến một cách rõ nét nhất từ năm 2012 với sự phổ cập mạnh mẽ của mạng 3G, sự bùng nổ của điện thoại thông minh và các dịch vụ nhắn tin, gọi điện trực tuyến như Viber, Line, KakaoTalk và Zalo.

Theo công bố thì Viber đã có đến 4 triệu người dùng vào tháng 4/2013 và dự kiến hết năm 2013, số người dùng ứng dụng này là 10 triệu người. Tháng 8/2013, Zalo cũng đã công bố đạt số người dùng là 4 triệu và hướng đến mốc 5 triệu trong năm nay.

Sự phát triển của các dịch vụ OTT đã cung cấp cho người dùng những tiện ích gọi điện, nhắn tin miễn phí mới, đồng thời cũng đặt ra thách thức đối với các nhà mạng viễn thông.

Theo tính toán của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, nếu 40 triệu thuê bao của mạng này đều dùng 3G và sử dụng Viber để gọi điện, nhắn tin thì doanh thu của tập đoàn sẽ giảm 40-50%.

Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cho biết, các dịch vụ OTT đã làm giảm doanh thu của các nhà mạng viễn thông từ 9-10%.

Mặc dù bị tác động từ các dịch vụ OTT song đại diện các nhà mạng ở Việt Nam đều cho rằng, đây là tác động từ sự phát triển tất yếu của công nghệ, do vậy cần có chính sách phù hợp để cùng hợp tác và phát triển.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định dịch vụ OTT là một xu hướng mới của sự phát triển công nghệ, mang lại lợi ích cho xã hội.

Sự phát triển và phổ cập nhanh chóng các dịch vụ OTT có tác động đến sự phát triển của lĩnh vực viễn thông; đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý nhà nước trong việc đưa ra các chính sách nhằm bảo đảm cho thị trường viễn thông vẫn tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

Mới đây, trong văn bản chỉ đạo một số vấn đề về quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng, ban hành chính sách quản lý đối với các dịch vụ liên lạc miễn phí trên mạng Internet, tức là dịch vụ OTT.

Thứ trưởng nhấn mạnh, để xây dựng được cơ chế chính sách quản lý dịch vụ này, cần phải xem xét kỹ các mối quan hệ giữa nhà cung cấp dịch vụ OTT với người sử dụng; nhà cung cấp dịch vụ OTT với các nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước với nhà cung cấp dịch vụ OTT nước ngoài. Đồng thời, vấn đề quản lý phải dựa trên các nguyên tắc: hợp tác cùng phát triển; bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước; công khai, minh bạch và công bạch.

Thứ trưởng cũng cho rằng, các doanh nghiệp viễn thông cần biến thách thức thành cơ hội, tự làm mới mình để tạo ra những sảm phẩm mới tiện ích hơn nữa cho người sử dụng./.

Việt Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục