Nhà mạng tự tin chống nghẽn sóng di động dịp Tết

Các mạng di động lớn tự tin cho hay, họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để giảm tối đa tình trạng nghẽn mạng di động trong dịp Tết Nguyên đán.
Hễ dịp Tết Nguyên đán cận kề thì người sử dụng điện thoại di động lại đối mặt với hiện tượng không liên lạc được với người thân, hoặc gửi tin nhắn lúc giao thừa, đến trưa mồng một mới... tới.

Vốn đã thêm nhiều kinh nghiệm từ việc chống nghẽn mạng từ các năm trước, các mạng lớn năm nay đều tự tin cho rằng, tình hình nghẽn mạng Tết Canh Dần này sẽ ít xảy ra hơn.

Thêm xe phát sóng di động

Đêm giao thừa và sáng mồng một Tết Nguyên đán hằng năm luôn là thời điểm người dân sử dụng điện thoại di động cùng một lúc nhiều nhất. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm nghẽn mạng nhiều nhất trong năm.

Để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Canh Dần, năm nay các đại gia di động đã chuẩn bị phương án từ khá sớm. Chiều 28/11, VinaPhone đã thông báo đã hoàn tất công tác nâng cấp, mở rộng lưới, bổ sung các trạm thu phát sóng di động (BTS)… sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng đột biến trong của các thuê bao trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, ngoài việc hiện có trên 17.000 trạm BTS, VinaPhone đã lắp đặt thêm hơn 5.000 trạm BTS 3G. Số lượng trạm này sẽ bổ sung và san sẻ dung lượng cho mạng 2G. Đại diện VinaPhone khẳng định sẽ đáp ứng được từ 200%-300% nhu cầu sử dụng các dịch vụ thông tin di động hằng ngày. Hệ thống tổng đài cũng được nâng cấp sẵn sàng đáp ứng cho khoảng 50 triệu thuê bao. Hệ thống nhắn tin có thể chuyển tải 20-30 triệu SMS/giờ…

Cùng với “người anh em” VinaPhone, MobiFone cũng cho hay họ đã hoàn tất mở rộng dung lượng tổng đài, đáp ứng được 200% nhu cầu so với ngày thường. Hạ tầng mạng 3G có thể chia sẻ với 2G là 25%.

Phía Viettel, ông Tào Đức Thắng, Phó Giám đốc Viettel Telecom cho hay, đơn vị này đã lắp thêm được khoảng 8.000 trạm BTS, nâng tổng số trạm 2G lên 24.000 và 90% số xã trên cả nước đã có trạm phát sóng di động BTS. Viettel cũng tăng thêm 30% dung lượng kết nối đi quốc tế để đáp ứng nhu cầu gọi điện thoại quốc tế.

Theo dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, Viettel sẽ có khoảng 7.000- 8.000 trạm 3G được lắp đặt hoàn thiện, có thể chia sẻ được khoảng 10% lưu lượng cho 2G. “Hiện, tổng dung lượng đáp ứng được của mạng Viettel là trên 50 triệu thuê bao. Dịch vụ nhắn tin theo dự kiến tăng gấp 6 lần vào thời điểm giao thừa cũng được đầu tư lắp đặt để đáp ứng nhu cầu", ông Thắng nói.

Ngoài ra, VinaPhone đã chuẩn bị 30 xe phát sóng lưu động, Viettel chuẩn bị 40 xe để sẵn sàng phát sóng lưu động ứng trực tại các điểm có khả năng gây nghẽn lúc giao thừa như Hồ Gươm, các điểm bắn pháo hoa…

Ông Thắng cũng nói, phía Viettel sẽ tiến hành lắp 30 trạm BTS dã chiến để phục vụ khách hàng. Sau Tết, những trạm này sẽ được dỡ đi.

Nghẽn mạng, dùng… internet

Đầu tư lớn để phục vụ người dân, nhưng các nhà mạng vẫn không thể khẳng định sẽ không có trường hợp nghẽn sóng di động xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán.

Phía VinaPhone đưa ra khuyến cáo với khách hàng cùng thực hiện chống nghẽn với nhà mạng bằng các biện pháp: Khi cuộc gọi không thực hiện được, nên chờ ít phút trước khi bấm máy gọi lại. Trong trường hợp đặc biệt có thể sử dụng điện thoại cố định hoặc các dịch vụ khác.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên Vietnam+, thì một số người dân đã có cách riêng của mình để chia sẻ niềm vui với người thân không nhất thiết phải qua điện thoại di động.

Bà Năm, nhà ở đường Phan Trọng Tuệ (Hà Nội), có cô con gái lấy chồng tận Cà Mau nói rằng, trong giờ phút đất trời chuyển giao, bà chỉ muốn gọi điện chia sẻ cùng con gái cho thêm phần ấm cúng. Nhưng, mấy năm trước cứ nhấc điện thoại di động lên gọi mà sóng nghẽn, không sao thông được. Do đó, bà phải “cầu viện” điện thoại để bàn.

Còn anh Nguyễn Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) thì sử dụng “chiêu thức” khác. Có cô em gái lấy chồng tận Trung Quốc không về ăn Tết được, anh Tuấn sẽ dùng Internet để “trò chuyện” với người em qua Chat. Đó cũng là cách để anh “truyền hình trực tiếp” cho em mình cảnh đón giao thừa ở nhà nhờ webcam.

“Nói chuyện điện thoại, vừa sợ nghẽn mạng, vừa tốn nhiều tiền. Tôi lựa chọn phương pháp này cho nó tiện đôi đường, anh Tuấn nói".

Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận nếu muốn chia sẻ không khí của phố phường trong đêm bắn pháo hoa cho cô em gái thì đành… chịu. Do đó, nếu có ra đường, anh sẽ cố gắng gọi trước hoặc sau giờ phút giao thừa.

Ngoài ra, việc dùng Internet cũng chỉ hạn chế khi đối tượng nhận thông tin không nhiều mà nhu cầu chia sẻ lời chúc năm mới thì lại cho rất nhiều người. Vì vậy, việc các doanh nghiệp viễn thông đang ráo riết chống nghẽn mạng làm anh Tuấn rất vui. “Hy vọng với sự cố gắng của nhà mạng, tin nhắn của tôi có thể đến với mọi người nhanh chứ không phải nhắn từ giao thừa mà trưa mồng một mới nhận được”, anh Tuấn bày tỏ./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục