Nhà máy điện Mặt Trời trên đầm Trà Ổ vẫn chưa thể triển khai

Mặc dù lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh và huyện đã nhiều lần đối thoại với người dân về dự án nhà máy điện Mặt Trời trên đầm Trà Ổ, nhưng việc cản trở vẫn kéo dài khiến dự án chưa thể triển khai được.
Nhà máy điện Mặt Trời trên đầm Trà Ổ vẫn chưa thể triển khai ảnh 1(Ảnh minh họa: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, cho biết mặc dù lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh và huyện đã nhiều lần đối thoại với người dân về dự án nhà máy điện Mặt Trời trên đầm Trà Ổ, nhưng việc cản trở vẫn kéo dài khiến dự án chưa thể triển khai được.

Một số địa phương như các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, người dân tiếp tục cản trở dự án.

Tại xã Mỹ Lợi, ngày 5/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã đối thoại với người dân. Sau buổi đối thoại, người dân tham gia đều đồng tình triển khai dự án.

Tuy nhiên, những người đồng tình tại buổi đối thoại hôm đó hiện đang bị các đối tượng xấu gây rối, hăm dọa, ném chất bẩn vào nhà; trong đó, có 2 trường hợp lấy mất xuồng hành nghề trên đầm của người dân.

Còn tại xã Mỹ Thắng, dự kiến lãnh đạo tỉnh Bình Định sẽ tổ chức đối thoại vào tuần tới. Tại đây, tình trạng cản trở thăm dò, rà phá bom mìn để thực hiện dự án vẫn diễn ra.

"Nan giải là hiện tượng này không chỉ mới xảy ra mà tồn tại nhiều năm nay. Các dự án đầu tư về địa phương tại những khu vực này đều bị cản trở," ông Dũng chia sẻ.

[Động thổ Nhà máy điện Mặt Trời đầu tư trên 4.900 tỷ đồng ở Phú Yên]

Lý giải tình trạng một số đối tượng quá khích liên tục gây rối, cản trở những dự án đầu tư phát triển kinh tế ở đây, ông Dũng cho biết, năm 2007, Ủy ban Nhân dân huyện đầu tư xây dựng khu hành chính xã Mỹ Thắng trên trục đường 639 đã bị nhiều đối tượng cản trở. Sau đó, họ còn tự ý chia đất, lấn chiếm.

Năm 2010, xã Mỹ Thắng đầu tư xây dựng vùng dân cư triều cường xâm nhập hơn 9,9 ha cho 270 hộ dân. Trong số 59 hộ dân bị ảnh hưởng được đền bù thì đã có 46 hộ nhận kinh phí di dời. Thế nhưng, 13 hộ còn lại ra sức chống đối, lấn chiếm đất quy hoạch dẫn đến dự án bị phá sản.

Năm 2011, dự án cấp nước sinh hoạt cho các xã ven biển được triển khai, tất cả đều đã lấy phiếu thăm dò trong dân và được sự đồng thuận. Nhưng khi đoàn thực hiện khoan dò nguồn nước thì đã bị người dân bắt giữ ngay tại xã Mỹ Thắng. Thậm chí, chính quyền xã Mỹ Thắng đến lập biên bản tại hiện trường thì cũng những đối tượng quá khích bắt nhốt từ cán bộ xã, công an xã, công an huyện.

Tất cả các vụ việc xảy ra đều không được điều tra, xử lý. Các đối tượng quá khích, gây rối, bắt giữ người trái phép vẫn chưa được xử lý, dẫn đến tình trạng xem thường pháp luật kéo dài.

"Từ thực tế này, dự án nhà máy điện Mặt Trời trên đầm Trà Ổ chưa biết đến khi nào mới được triển khai," ông Dũng nói.

Phù Mỹ là huyện nghèo, mỗi năm thu ngân sách chỉ khoảng 30 tỷ đồng. Riêng dự án nhà máy điện Mặt Trời đầm Trà Ổ nếu hoạt động sẽ đóng góp ngân sách hơn 30 tỷ đồng/năm. Đồng thời, giúp cải thiện sinh kế, thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác cùng phát triển.

Theo ông Dũng, dự án nhà máy điện Mặt Trời trên đầm Trà Ổ chỉ sử dụng khoảng 55 ha mặt nước trong tổng số hơn 1.200 ha mặt đầm, chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.

Công trình không đóng cọc bêtông xuống đầm mà chỉ thả những tấm pin mặt bên trên những chiếc phao thả nổi trên đầm nên không gây ảnh hưởng gì đến môi trường sinh thái hoặc sinh kế của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục