"Nhà nước Do Thái không là điều kiện hòa đàm"

Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 20/4 ra tuyên bố cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu chưa bao giờ đặt vấn đề công nhận Israel như một nhà nước của người Do Thái làm điều kiện tiên quyết để tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình và đối thoại với người Palestine.

Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 20/4 ra tuyên bố cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu chưa bao giờ đặt vấn đề công nhận Israel như một nhà nước của người Do Thái làm điều kiện tiên quyết để tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình và đối thoại với người Palestine.

Bản tuyên bố cũng nhấn mạnh việc công nhận Israel như một quốc gia Do Thái là vấn đề nguyên tắc đã được chấp nhận rộng rãi ở Israel cũng như trên thế giới, nếu không sẽ không thể tạo ra sự tiến bộ trong tiến trình hòa bình và đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Tuy nhiên, phát biểu với đặc phái viên về Trung Đông của Mỹ George Mitchell ở thăm Israel hồi tuần trước, tân Thủ tướng ủng hộ chính sách diều hâu Netanyahu cho biết Tel Aviv đã yêu cầu người Palestine coi Israel như nhà nước của người Do Thái.

Trước đây, giới chức Palestine đã bác bỏ một yêu cầu kiểu này, cho rằng chỉ công nhận Israel trong phạm vi các đường biên giới trước cuộc chiến Trung Đông năm 1967, khi Israel chiếm đóng khu Bờ Tây và Dải Gaza. Giới chức Palestine cho rằng việc công nhận một nhà nước Do Thái đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền hồi hương của người tị nạn Palestine.

Israel và Palestine đã tiến hành hòa đàm tại hội nghị Annapolis ở Mỹ hồi tháng 11/2007, song các cuộc đàm phán đạt rất ít tiến triển và đã rơi vào tình trạng đóng băng trong thời gian diễn ra chiến dịch ở Gaza hồi tháng 12/2007 và tháng 1/2008.

Tương lai của tiến trình hòa bình ở Trung Đông càng trở nên bấp bênh với việc ông Netanyahu lên nắm quyền Thủ tướng Israel do ông này không tán thành ý tưởng thành lập một nhà nước Gaza - một nguyên tắc mà Israel đã cam kết theo lộ trình hòa bình Trung Đông năm 2003./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục