Nhà nước sẽ tăng nguồn vốn đầu tư phát triển chợ

Theo nghị định ban hành ngày 23/12, Nhà nước sẽ tăng nguồn vốn đầu tư phát triển chợ, đặc biệt là các chợ nông thôn, miền núi, hải đảo.
Theo nghị định Chính phủ ban hành ngày 23/12, Nhà nước sẽ tăng nguồn vốn đầu tư phát triển chợ, đặc biệt là các chợ ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

Nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước bao gồm vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn viện trợ không hoàn lại. Trong đó, vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 2, hạng 3 ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo.

Vốn từ ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của chợ đầu mối chuyên doanh hoặc tổng hợp bán buôn hàng nông sản, thực phẩm để tiêu thụ hàng hóa ở các vùng sản xuất tập trung về nông, lâm, thủy sản; chợ trung tâm các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, nguồn vốn này hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ biên giới và chợ dân sinh xã của các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Mức hỗ trợ cụ thể theo quy mô của từng dự án.

Ngoài các loại chợ đã được quy định trước đây như chợ đầu mối, chợ kiên cố, chợ bán kiên cố, nghị định này sửa đổi bổ sung thêm một số khái niệm chợ khác như chợ chuyên doanh, chợ tổng hợp, chợ dân sinh, chợ biên giới, chợ tạm, chợ nông thôn, chợ miền núi, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu và khái niệm doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ.

Về kinh doanh và khai thác, đối với chợ xây dựng mới, Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền giao hoặc tổ chức đầu thầu để lựa chọn doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

Đối với các chợ ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đủ điều kiện theo quy định của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được giao để tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý.

Như vậy, so với quy định cũ, Nghị định sửa đổi đã mở rộng thêm đối tượng được tham gia kinh doanh, khai thác và quản lý chợ là hợp tác xã.

Trường hợp chợ do Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng có vốn đóng góp của các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và tổ chức, cá nhân khác, Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền căn cứ tỷ lệ góp vốn để lựa chọn chủ thể kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.

Chợ do các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng do chủ đầu tư đó tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý dưới hình thức doanh nghiệp hoặc một hình thức mới là hợp tác xã./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục